Từ truyền thống đến hiện đại trong triển lãm tranh sơn mài Amber

VHO- AMBER nghĩa tiếng Anh là màu hổ phách, đồng thời nó cũng là tên gọi một loại nhựa cây lâu năm hoá thạch có màu nâu vàng, ánh cam và còn được sử dụng như một loại đá quý. Trong mỹ thuật phương Tây, AMBER được coi là chất liệu và màu sắc quý, thậm chí một số cung điện sử dụng amber để trang trí nội thất được coi là báu vật quốc gia.

Trong sơn mài Việt Nam, chất liệu sơn ta cũng có sắc độ này và sự óng ả của nó đẹp không khác gì chất liệu AMBER, mặc dù nó bị gọi bằng cái tên dân dã là màu cánh gián. Việc sử dụng sơn cánh gián kết hợp trên các bề mặt sơn then của vóc sơn mài hay trên lớp lót vàng, lót bạc… cho ra những hiệu ứng màu sắc khác nhau nhưng đều chung một sự trong trẻo, óng ả của chất liệu sơn quý này.

Đó cũng chính là khởi nguồn câu chuyện cho cuộc gặp gỡ và triển lãm của ba hoạ sĩ trong triển lãm mang tên “AMBER”. Người từng sinh ra và lớn lên cùng với làng nghề truyền thống sơn mài, thành thạo kỹ thuật, người thì say sưa nghiên cứu sơn ta từ nhiều góc độ khác nhau và khởi xướng tôn vinh màu sơn cánh gián, người thì ở tận nước ngoài ám ảnh bởi chất liệu này dày công đến Việt Nam để học hỏi. Ba tư duy, ba tính cách khác nhau trong sáng tác nhưng đều chung nhau sự đam mê với chất liệu sơn ta để thể hiện dòng chảy suy nghĩ trong các tác phẩm nghệ thuật của mình.

Từ truyền thống đến hiện đại trong triển lãm tranh sơn mài Amber - Anh 1

Tác phẩm ‘Quá khứ và Hiện tại’ của hoạ osĩ Claudie Vân

Nữ hoạ sĩ Claudie Vân thể hiện mạnh mẽ màu cánh gián trong các tác phẩm với những khoảng không gian tĩnh lặng, trong đó có tác phẩm khổ lớn như ‘Tằm’, ‘An nhiên’, ‘Mộng mơ’, ‘Trong này ngoài kia’, đặc biệt tác phẩm ‘Quá khứ và Hiện tại’ với tạo hình khoẻ khoắn kết hợp với các sắc độ sáng tối của màu cánh gián đã giúp cô thể hiện tác phẩm một cách no đủ màu sắc và tràn trề nhựa sống. Claudie Vân là nghệ danh của nữ nhà báo Nguyễn Thùy Vân, hiện đang công tác tại báo Nhân Dân. 

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông từ trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam nhận xét : “ Năm ngoái tôi cũng tham dự triển lãm tranh sơn mài cá nhân đầu tiên của Nguyễn Thùy Vân và rất ngạc nhiên, chưa đầy một năm sau, chị đã sáng tác được số lượng tác phẩm đòi hỏi sự đầu tư lớn về thời gian, khả năng làm chủ chất liệu và năng lực sáng tạo dồi dào. Nguyễn Thùy Vân là người am tường, giàu trải nghiệm văn hóa nghệ thuật trong nước và quốc tế. Nhãn quan nghệ thuật rộng mở đã tạo cho chị nguồn cảm hứng sáng tác rất phong phú, mạnh dạn khám phá, thể nghiệm nhiều sắc thái thẩm mỹ của chất liệu sơn mài trong sự đa dạng của đề tài và phong cách tạo hình. Các tác phẩm của Nguyễn Thùy Vân trong triển lãm này cho thấy năng lượng sáng tạo của chị mới chỉ khơi nguồn nên sẽ còn đa dạng hơn nhiều trong thời gian tới...”.

Từ truyền thống đến hiện đại trong triển lãm tranh sơn mài Amber - Anh 2

Tác phẩm "Đa diện" của Ekkehard Altenburger

Ekke với thủ pháp nghệ thuật dùng các thuật toán và công nghệ hỗ trợ trong tạo hình cũng phải nhờ đến chất liệu truyền thống này để kết nối giữa hiện tại và tương lai, kể câu chuyện của con người một cách có tính kế thừa trong các tác phẩm ‘Phổi của Martin’, ‘Sự kết nối của các vì sao’, ‘Gedi kéo dài’, trong loạt series ‘Đen và Trắng’…Tranh Ekke đầy sự hào hứng của người mới khám phá ra những bí ẩn. Ekke tâm sự : “Trong suốt sự nghiệp sáng tạo của mình , tôi đã khám phá nhiều phương pháp làm việc khác nhau và tôi cũng rất hào hứng khi đi sâu vào tìm hiểu tranh sơn mài Việt Nam, một kỹ thuật mà tôi đã ngưỡng mộ từ lâu nhưng còn biết rất hạn chế. Công việc nghiên cứu hiện tại của tôi tập trung vào sử dụng các thuật toán tham số để thể hiện quá trình tạo hình. Những công cụ này rất cần thiết trong việc mở rộng hiểu biết của chúng ta về thẩm mỹ và phát triển các thực hành truyền thống để kể câu chuyện của nhân loại, kết nối chúng ta với quá khứ, đồng thời mở cơ hội cho tương lai.”

Nếu Claudie Vân và Ekke hiện đại và phá cách thì Đinh Ngọc Cảnh lại tuân thủ nghiêm ngặt lối vẽ truyền thống của các bậc tiền bối hội hoạ Đông Dương, chất đồng quê thấm đẫm với kỹ thuật sử dụng thuần thục sơn ta làm chất kết nối các dòng chảy trong các khung cảnh cánh đồng, làng quê vùng miền núi phía bắc trong loạt series tranh phong cảnh của mình. Tranh của Cảnh đầy màu sắc hoài niệm với lối vẻ cổ điển thuần khiết. Vũ Huy Thông đánh giá : “Những bức tranh của Cảnh trong triển lãm này thể hiện rõ các đặc điểm: thế mạnh về biểu tả hiện thực bằng kỹ thuật điêu luyện, tình cảm nhẹ nhàng hoài niệm, cảnh trí thiên nhiên thanh bình, lãng mạn. Tác phẩm của Cảnh trưng bày tại triển lãm ít nhiều là sự phiêu lưu của một người rất tự tin vào kỹ thuật, thẩm mỹ cá nhân bởi chắc anh cũng hiểu sẽ khó tránh khỏi sự so sánh của công chúng tác phẩm của anh và các bậc thầy thế hệ trước”.

Từ truyền thống đến hiện đại trong triển lãm tranh sơn mài Amber - Anh 3

Tác phẩm "Phong cảnh Mai Châu" của hoạ sĩ Đinh Ngọc Cảnh

Trên 30 tác phẩm của Nguyễn Thùy Vân, Đinh Ngọc Cảnh và Ekkehard Altenburger trong triển lãm này khác nhau về phong cách tạo hình và quan niệm thẩm mỹ nhưng không có sự phủ định của cái mới, cái hiện đại với cái cũ, cái truyền thống, chúng là sự tiếp nối các giá trị văn hóa, sự kế thừa, kết nối các giá trị công nghệ của thời đại. 30 tác phẩm của ba hoạ sĩ cùng chung nhau khát khao cháy bỏng chinh phục nghệ thuật sơn mài Việt Nam đã làm nên một phòng tranh đầy màu sắc, sự hứng khởi, hào hứng tràn ngập cùng với những khoảng không gian tĩnh lặng, an nhiên tự tại.

Triển lãm diễn ra từ ngày 9.6 đến ngày 15.6.2023 tại Lunet Art Gallery, 63-65 Hoàng Diệu, Hà Nội.

NGUYỄN THU THUỶ

Ý kiến bạn đọc