Để giá trị văn hóa truyền thống được tiếp biến và sáng tạo

VHO- Chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình sáng tạo, thực hành nghệ thuật, nhiều họa sĩ, nhà nghiên cứu khẳng định sự cần thiết của việc tôn trọng yếu tố gốc bên cạnh quá trình tìm hiểu, thu thập, chọn lọc thông tin…

Để giá trị văn hóa truyền thống được tiếp biến và sáng tạo - Anh 1

 Họa sĩ Xuân Lam trang trí chú Gấu Buddy với những họa tiết gốm sứ Ảnh: VICAS

Tại tọa đàm “Ứng dụng chất liệu văn hóa trong sáng tạo nghệ thuật”, Giám đốc VICAS Art Studio, TS Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, “con người có thể khai thác những giá trị vô tận trong quá trình sống, trong đó có các giá trị văn hóa, nghệ thuật. Tuy nhiên, ở mỗi thời điểm, tác phẩm tạo tác được đồng ý là mới song phải phù hợp với thị hiếu, thẩm mỹ, nhu cầu người tiêu dùng đương đại”.

Quá trình tương tác, thực hiện các dự án nghệ thuật tranh dân gian, cổ vật và văn hóa Việt mà họa sĩ Xuân Lam từng tham gia đã một phần chứng minh điều đó. Triển lãm “Vẽ lại tranh dân gian” (2017) là thực tế sống động cho quá trình anh sử dụng chất liệu văn hóa dân gian trong sáng tạo nghệ thuật đương đại. Cụ thể, ở dự án này, anh cho biết đã làm khác bằng vẽ tay với chất liệu chì, giữ lại hầu hết phần tạo hình theo nguyên bản gốc của nghệ nhân. “Tôi chỉ thêm các lớp sáng tối, tạo khối để bản vẽ có chiều sâu và sinh động hơn. Sau đó, đưa vào máy tính và dùng các kỹ thuật đồ họa để xử lý màu sắc. Nét vẽ chì trên giấy sẽ có một độ nhám và thô ráp, thể hiện khía cạnh truyền thống, thủ công. Các mảng màu kỹ thuật số rực rỡ mềm mại và sắc nét, biểu trưng cho sự hiện đại của công nghệ. Việc giữ lại các bố cục gốc sẽ khiến người xem hôm nay thấy được sự quen thuộc, trong khi đó các chi tiết thêm vào và hòa sắc mới sẽ đem lại cảm giác lạ lẫm”, Xuân Lam chia sẻ.

Theo Xuân Lam, mỗi dự án nghệ thuật cần có cách tiếp cận khác nhau dựa vào mục đích của nó. Khi ứng dụng các chất liệu văn hóa trong sáng tác, anh luôn xác định đi từ yếu tố gốc, ví dụ cuộc thi trang trí nghệ thuật Gấu Buddy do Đại sứ quán Đức tổ chức, trên phiên bản thô của Gấu Buddy với phong cách cứng cáp, mạnh mẽ vốn có của phong cách Đức, anh điểm xuyết các nét mềm mại, uyển chuyển của người Việt. Hay “Mâm ngũ quả” bằng gốm sứ, tác phẩm trên đó có các họa tiết cổ của Hà Lan, Việt Nam để tôn vinh nền nông nghiệp và nghề thủ công của hai quốc gia... “Tìm tư liệu và ý tưởng, sau đó phác thảo rồi sáng tạo, sao cho sản phẩm ấy được công chúng đón nhận. Giống như khi tôi thực hiện tác phẩm phù điêu “Tuần lễ thời trang phố Cổ”, sự kết hợp giữa yếu tố thời trang và tác phẩm tranh dân gian Hàng Trống ngay giữa không gian phố cổ, với hình ảnh những đứa trẻ chân quê tò mò với những chiếc kén, cái tổ khi mà những món đồ chơi điện tử vẫn chưa phổ biến. Đó hẳn là hình ảnh đáng quý mà giờ đây chúng ta hiếm khi gặp lại, nó trở thành ý tưởng khá thú vị cho người xem hôm nay”, Xuân Lam chia sẻ.

Có cơ duyên phối hợp cùng Xuân Lam thực hiện một số dự án với Đại sứ quán Đức và Italia trong việc thúc đẩy, trao đổi văn hóa nghệ thuật, TS Nguyễn Thị Thu Hà cho biết đã giải đáp được nhiều câu hỏi mà chị và các nhà nghiên cứu văn hóa đặt ra nhiều năm nay. Đó là, khi bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, chúng ta cố gắng bảo tồn những gì, và làm thế nào để các giá trị văn hóa đó trở nên tốt đẹp đối với thế hệ đương đại? “Làm việc với các nghệ sĩ trong khoảng 5 năm gần đây, chúng tôi nhận ra rằng, các sáng tạo mới chính là phản hồi của các nghệ sĩ trẻ đúng với mục tiêu mà các nhà nghiên cứu văn hóa đặt ra. Tác phẩm của Xuân Lam và nhiều nghệ sĩ thực hành đã cho thấy cùng một chất liệu, thể loại nhưng họ đã bằng nhiều con đường khác nhau, biến các giá trị văn hóa theo cách người đương đại hướng tới”.

Nhiều nghệ sĩ đương đại đang tận dụng nguyên liệu đầu vào trong sáng tạo, giống như khi vẽ một bức tranh từ chỗ phải có màu, có nền rồi có phong cách. “Thực hành sáng tạo hiện nay đang sử dụng các chất liệu văn hóa dân gian, chất liệu bản địa như là nguồn nhiên liệu đầu vào, còn chế ra sản phẩm gì, sử dụng phương tiện gì là biểu thị của hàng trăm, hàng ngàn phương thức. Chưa kể công nghệ kỹ thuật số, phương thức thực hành liên ngành, đa ngành… Chỉ cần nắm vững nguyên tắc tôn trọng giá trị văn hóa truyền thống, nối dài các giá trị, giữ vững nó để tiếp diễn phù hợp”, TS Nguyễn Thị Thu Hà cho biết. Bà cũng lưu ý, trong thực hành, sáng tạo văn hóa, nếu lựa chọn văn hóa dân gian, văn hóa truyền thống làm mục tiêu cho các sáng tác, mặc dù thực hiện tổng thể hay một phần tác phẩm, người thực hiện không thể dễ dãi, mà cần nghiên cứu dữ liệu nghiêm túc tại thư viện, bảo tàng, viện nghiên cứu, trung tâm lưu trữ…; thu thập, chọn lọc thông tin; ý thức tôn trọng bản quyền, sở hữu trí tuệ của cá nhân, tập thể và cộng đồng. Càng cụ thể hóa thông tin sẽ càng tránh các xung đột và mâu thuẫn trong quá trình sáng tạo.

Tiếp cận các chất liệu văn hóa khi sáng tạo tác phẩm mới, Xuân Lam chú ý đến nguồn gốc phiên bản, tác phẩm của anh hoàn thành khi đã “xem kỹ trích lục chéo, ghi chú cụ thể hoặc tìm kiếm ngược; tìm hiểu chất liệu văn hóa từ nhiều nguồn. Văn hóa đến từ nhiều thành tố khác nhau, do đó có vô vàn cơ hội để ta khai thác mà không giới hạn phương tiện hay cách thức nào. Từ hàng triệu triệu lựa chọn, mỗi nghệ sĩ thực hành sẽ phải có cách riêng để tạo ra lợi thế cạnh tranh khác biệt của mình, để giá trị văn hóa được tiếp biến và sáng tạo”.

 QUANG MINH

Ý kiến bạn đọc