Toạ đàm "Phẩm chất, năng lực của phóng viên, biên tập viên ở tạp chí lý luận chính trị"

VHO – Nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 – 21.6.2023), ngày 15.6 tại Hà Nội, Chi hội Nhà báo Tạp chí Cộng sản phối hợp với Liên Chi hội Nhà báo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Phẩm chất, năng lực của phóng viên, biên tập viên ở tạp chí lý luận chính trị”.

Toạ đàm

Tọa đàm khoa học với chủ đề “Phẩm chất, năng lực của phóng viên, biên tập viên ở tạp chí lý luận chính trị”

Tọa đàm với sự tham dự của hơn 100 đại biểu, là các nhà báo lão thành, đại diện các cơ quan quản lý báo chí, phóng viên, biên tập viên của Tạp chí Cộng sản, các tạp chí lý luận chính trị thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các ban Đảng Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật…

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh, trong bài viết “Đôi điều suy nghĩ về làm tạp chí lý luận chính trị của Đảng”, đăng trên Tạp chí Cộng sản, tháng 8.2003, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người từng có gần 30 năm công tác tại Tạp chí Cộng sản, viết: “Nghề làm báo là nghề cao quý, nhưng vô cùng gian khổ, khó khăn. Làm báo hằng ngày đã rất khó, nhưng phải thừa nhận rằng làm báo lý luận lại càng khó”. Vì vậy, “phải làm sao để vừa có phẩm chất chính trị vững, có đạo đức nghề nghiệp tốt, vừa có đủ trình độ, năng lực nghiên cứu và biên tập được, viết bài được, nhất là nghiên cứu và biên tập những vấn đề lý luận và thực tiễn mà cuộc sống đặt ra”. Bài báo là cẩm nang quý cho những người làm công tác lý luận nói chung, tạp chí lý luận chính trị nói riêng.

“Bên cạnh những phẩm chất, năng lực chung của người làm báo, người làm tạp chí lý luận chính trị còn cần những tố chất, năng lực riêng. Đó là sự am hiểu sâu sắc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, am tường lý luận, sâu sát thực tiễn, có năng lực nghiên cứu, có bản lĩnh chính trị vững vàng; luôn cố gắng lớn, quyết tâm cao, phải say nghề, yêu nghề thì mới cho ra những bài biên tập, bài viết có chất lượng. Đó còn là phải nắm vững tính lý luận; và tính chính trị là hai mặt cơ bản trong chức năng của tạp chí lý luận chính trị, là việc hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích của mình... Đội ngũ nhà báo tạp chí lý luận chính trị phải thật sự là chiến sĩ cách mạng, trung thành với Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng; phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, chẳng những không hoang mang, dao động, không chịu ảnh hưởng của những luận điệu sai trái mà phải có ý thức tấn công quyết liệt với những luận điểm sai trái, thù địch đó; đồng thời cũng phải tấn công quyết liệt với những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của chính bản thân…", PGS.TS Phạm Minh Tuấn nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Phạm Minh Tuấn, sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế đã và đang xuất hiện nhiều vấn đề mới cả về lý luận và thực tiễn, cần được nghiên cứu, xử lý và giải quyết kịp thời. Trong bối cảnh đó, đội ngũ cán bộ làm báo nói chung, làm báo lý luận chính trị nói riêng phải có nhiều phẩm chất, năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ. Họ cần am hiểu sâu sắc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; am tường lý luận, sâu sát thực tiễn; có năng lực nghiên cứu, có bản lĩnh chính trị vững vàng; luôn cố gắng lớn, quyết tâm cao, phải say nghề, yêu nghề...

Với gần 20 bài tham luận và nhiều ý kiến phát biểu, trong đó có những chia sẻ của các nhà báo giàu kinh nghiệm như nhà báo lão thành Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; PGS.TS Nguyễn Thắng Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị; nhà báo Ngô Minh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng…, các tham luận và ý kiến tại tọa đàm tập trung vào những nhóm vấn đề như: Làm rõ những yêu cầu về phẩm chất và năng lực đối với đội ngũ phóng viên, biên tập viên các tạp chí lý luận chính trị; Đánh giá thực trạng phẩm chất, năng lực của đội ngũ nhà báo các tạp chí lý luận chính trị thời gian qua; Nhận diện, phân tích những mặt được, mặt hạn chế đã và đang đặt ra cùng nguyên nhân của những mặt được và hạn chế đó.

Tại Tọa đàm, nhiều ý kiến cũng cho rằng, bối cảnh mới hiện nay đặt ra nhiều cơ hội và thách thức, những yêu cầu về phẩm chất, năng lực của đội ngũ phóng viên, biên tập viên các tạp chí lý luận chính trị sẽ thay đổi như thế nào. Do đó, cần có giải pháp gì để khắc phục những điểm hạn chế còn tồn tại, để từ đó nâng cao năng lực, phẩm chất, có được đội ngũ phóng viên, biên tập viên công tác tại các tạp chí lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

MINH HÀ

Ý kiến bạn đọc