Những dấu ấn đột phá nửa nhiệm kỳ của ngành VHTTDL (Bài 4): Nâng cao uy tín, vị thế của thể thao Việt Nam trên trường quốc tế

VHO- Trong các chỉ đạo với ngành Thể thao, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng luôn nhấn mạnh, Thể thao Việt Nam phải phát triển dựa trên hai trụ cột là thể thao thành tích cao và thể thao phong trào, phải chuyển đổi tư duy từ làm nhà nước về thể thao sang quản lý nhà nước về thể thao. Chính chỉ đạo quyết liệt ấy cùng sự nỗ lực của toàn ngành đã mang lại kết quả ngọt ngào và những thành công hơn mong đợi.

Những dấu ấn đột phá nửa nhiệm kỳ của ngành VHTTDL (Bài 4): Nâng cao uy tín, vị thế của thể thao Việt Nam trên trường quốc tế - Anh 1

 Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thăm, động viên tinh thần thi đấu của Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 ở Campuchia (tháng 5.2023)

 Thể thao cho mọi người phát triển sâu rộng

Báo cáo trước Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trong chuyến thăm, động viên tinh thần thi đấu của Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Thể thao Việt Nam luôn phát triển dựa trên hai trụ cột là thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao; mỗi lĩnh vực là tiền đề để bổ sung cho nhau, thúc đẩy, tương tác để từ thể thao phong trào làm bệ đỡ cho thể thao thành tích cao, chúng ta có thể phát hiện ra nhiều tài năng và từ thể thao thành tích cao với những VĐV tiêu biểu sẽ quay trở lại, tạo sự hưng phấn, kích thích sự phát triển của thể thao phong trào.

Đây chính là phương châm hành động mà Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chỉ đạo xuyên suốt và được Thể thao Việt Nam thực hiện đầy hiệu quả, mang lại nhiều kết quả tích cực. Trong hơn hai năm qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng cùng sự quyết tâm và nỗ lực phấn đấu của toàn ngành, các lĩnh vực hoạt động TDTT đều đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó phong trào thể thao cho mọi người ngày càng phát triển. Với 35,6% số người tập luyện thể thao thường xuyên và 26,7% số gia đình tập luyện TDTT thường xuyên trên cả nước trong năm 2022 đã phản ánh rõ nét việc người dân đang ngày càng quan tâm đến TDTT.

Năm 2022, phong trào thể dục thể thao quần chúng tiếp tục phát triển sâu, rộng trên địa bàn cả nước. Toàn ngành tiếp tục triển khai cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào “Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa”, phong trào “Xây dựng thôn, bản, xã, phường văn hóa, gia đình văn hóa” và “Chương trình xây dựng nông thôn mới” trong tất cả các đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, công nhân, công chức, viên chức, nông dân, lực lượng vũ trang, người khuyết tật…

Nhắc đến những kết quả nổi bật của thể thao quần chúng không thể không kể đến vai trò quản lý, hướng dẫn các ngành, địa phương tổ chức Đại hội TDTT các cấp tiến tới Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022 của Bộ VHTTDL. Đã có 9.374 xã, phường, thị trấn; 681 quận, huyện tổ chức Đại hội TDTT các cấp; 62 địa phương tổ chức Đại hội thể thao cấp tỉnh. Các môn thi đấu trong Đại hội đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia hưởng ứng. Những ngày diễn ra Đại hội đã thực sự là sự kiện thể thao trọng đại của toàn tỉnh, là ngày hội sôi nổi, hữu ích của toàn dân.

Đặc biệt Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 9 thành công rực rỡ được xem là dịp quan trọng để Thể thao Việt Nam rà soát lực lượng chuẩn bị cho SEA Games, Asian Games và Olympic. Đây cũng là Đại hội được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, tại địa điểm đăng cai chính là Quảng Ninh và 10 tỉnh, thành khác gồm Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình, Vĩnh Phúc. Đại hội có sự tham gia của khoảng 10.000 VĐV, tham gia thi đấu 43 môn thể thao đã thành công tốt đẹp, thực sự trở thành ngày hội của nhân dân tại các địa phương đăng cai.

Những dấu ấn đột phá nửa nhiệm kỳ của ngành VHTTDL (Bài 4): Nâng cao uy tín, vị thế của thể thao Việt Nam trên trường quốc tế - Anh 2

 Thể thao Việt Nam phải phát triển dựa trên hai trụ cột là thể thao thành tích cao và thể thao phong trào. Trong ảnh: Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; hưởng ứng ngày chạy Olympic và giải Vô địch Việt dã đã được triển khai khắp các tỉnh, thành

Ấn tượng về 2 kỳ SEA Games thành công hơn mong đợi

Thành công của thể thao Việt Nam thời gian qua còn ghi dấu ấn đậm nét bằng hai kỳ SEA Games được tổ chức liên tiếp trong hai năm 2022 và 2023. Thông thường các kỳ Đại hội sẽ diễn ra theo chu kỳ hai năm/lần nhưng do đại dịch, SEA Games 31 đã phải lùi thời gian tổ chức sang năm 2022 và SEA Games 32, diễn ra chỉ một năm sau đó. Thế nhưng bằng sự cố gắng nỗ lực, thể thao Việt Nam đã ghi dấu ấn rực rỡ tại 2 kỳ Đại hội đáng nhớ.

Tháng 5.2022, tiết trời nóng bức của mùa hè Hà Nội bỗng dịu mát như những ngày giữa thu, khiến các cuộc tranh tài tại SEA Games 31 diễn ra đầy thuận lợi. Sau gần hai năm mệt mỏi đối phó với đại dịch, nhiều quốc gia còn chưa mở cửa nhưng bạn bè 10 quốc gia khu vực Đông Nam Á đã đến với vòng tay rộng mở của Việt Nam cùng những nụ cười thân thiện, mến khách và hệ thống khách sạn phục vụ đẹp nhất trong các kỳ Đại hội. Trong lịch sử 31 kỳ Đại hội Thể thao khu vực, chưa kỳ nào nước chủ nhà phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức từ đại dịch chưa từng có trong lịch sử loài người như SEA Games 31. Đã có những thời điểm dịch bệnh căng thẳng, một số địa điểm dự định tổ chức thi đấu SEA Games trở thành bệnh viện dã chiến. Khi ấy không ai nghĩ được rằng Việt Nam sẽ có thể tổ chức SEA Games 31.

Nhưng vượt qua muôn vàn khó khăn, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, hàng loạt công tác chuẩn bị cho Đại hội vẫn được Bộ VHTTDL phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiến hành theo tinh thần ứng phó linh hoạt với đại dịch. Với công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, đại dịch đã làm cho tiến độ sửa chữa, nâng cấp của các công trình bị chậm trễ nhưng lãnh đạo Bộ VHTTDL đã có nhiều cuộc họp, nhiều chuyến kiểm tra, khảo sát đánh giá thực trạng để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Vì thế sau nhiều nỗ lực chúng ta mới có thể có được một trường bắn đẹp, hiện đại hàng đầu khu vực Đông Nam Á, được các nước đánh giá cao. Với sân vận động quốc gia Mỹ Đình và Cung thể thao dưới nước - hai công trình trọng điểm thuộc sự quản lý của Bộ VHTTDL, việc sửa chữa, nâng cấp được các lãnh đạo Bộ VHTTDL giám sát chặt chẽ, đủ tiêu chuẩn phục vụ Đại hội. Bên cạnh việc chuẩn bị về cơ sở vật chất, các công tác khác về lễ tân, khánh tiết, tuyển chọn tình nguyện viên cũng được Bộ VHTTDL phối hợp với các đơn vị gấp rút tiến hành.

Có thể thấy rằng, việc chuẩn bị tổ chức một Đại hội thể thao lớn nhất khu vực trong điều kiện bình thường đã khó, khi ấy Việt Nam lại tổ chức trong điều kiện dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp lại càng khó khăn hơn. Để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Trưởng BTC SEA Games 31 Nguyễn Văn Hùng và Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương, Phó Trưởng ban thường trực BTC SEA Games 31 đã có các cuộc họp giao ban hằng tuần, thậm chí là nhiều lần trong một tuần với các Tiểu ban. Tổng cục TDTT vài tháng trước Đại hội luôn sáng đèn tới tận đêm khuya bởi các cán bộ thuộc các bộ môn, các tiểu ban miệt mài làm việc, bất kể ngày nghỉ.

Có thể nói trước muôn vàn khó khăn khi phải chuẩn bị tổ chức SEA Games trong trạng thái bình thường mới, nhưng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ VHTTDL, sự đồng lòng của người dân, cuối cùng chúng ta đã kiểm soát khống chế được đại dịch và tổ chức thành công Đại hội. Ông Dato Sieh Kokchi, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Olympic Malaysia đánh giá, điểm nhấn của SEA Games 31 là nước chủ nhà đã tổ chức thành công và an toàn Đại hội trong điều kiện dịch bệnh. Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo các ban, bộ, ngành, các địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, chuẩn bị tốt về hệ thống cơ sở vật chất. Đặc biệt đây là kỳ SEA Games không chỉ ghi dấu ấn về công tác tổ chức mà còn ghi đậm dấu ấn về chuyên môn bằng chiến thắng thuyết phục của chủ nhà Việt Nam. Chúng ta đã dẫn đầu bảng tổng sắp của Đại hội, bỏ xa các nước ở phía sau với 205 HCV, 125 HCB và 116 HCĐ.

Trong các chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng về quá trình Thể thao Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 32, một nội dung luôn được nhấn mạnh, đó là Thể thao Việt Nam hãy lấy thành công của SEA Games 31, là tiền đề, là động lực để thi đấu thành công tại SEA Games 32. Và việc chuẩn bị cho SEA Games 32 cũng được Bộ trưởng nhấn mạnh là dịp để chúng ta chuẩn bị liên thông cho các đấu trường lớn là Asian Games và Olympic. Đây cũng là kỳ Đại hội được dự báo đầy khó khăn khi chúng ta thi đấu trên sân khách trong khi hàng loạt môn, nội dung thế mạnh không có trong chương trình thi đấu. Bên cạnh đó, chúng ta cũng chỉ có một năm chuẩn bị thay vì chu kỳ hai năm như các kỳ Đại hội trước. Thế nhưng với khí thế, tinh thần của SEA Games 31 cùng quá trình chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, bằng quyết tâm của các HLV, VĐV, thể thao Việt Nam đã ghi dấu ấn bằng hàng loạt thành tích vượt trội. Với 136 HCV, 105 HCB, 118 HCĐ, Đoàn Thể thao Việt Nam đã có mặt ở vị trí đầu tiên trên bảng tổng sắp, khẳng định vị trí dẫn đầu khu vực, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Sự thành công của hai kỳ SEA Games liên tiếp đã nâng cao vị trí, uy tín của Thể thao Việt Nam trên trường quốc tế, khẳng định thể thao Việt Nam đang phát triển đúng hướng từ những chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng.

Tận dụng nguồn lực quốc tế để phát triển

Cũng trong hơn hai năm qua, nhờ các hoạt động hợp tác quốc tế được tăng cường, sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã mở ra cơ hội để thể thao Việt Nam tận dụng được nguồn ngoại lực trong phát triển. Bộ trưởng đã có nhiều cuộc tiếp xúc, thương thảo quan trọng để tận dụng ngoại lực cho thể thao Việt Nam. Theo đánh giá của giới chuyên môn, các thỏa thuận đạt được sau buổi đàm phán của Bộ trưởng có ý nghĩa quan trọng trong việc cải thiện, nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam. Chẳng hạn như ở môn Bơi, việc được FINA hỗ trợ đưa các HLV giỏi sang đào tạo cho các HLV Việt Nam sẽ giúp chúng ta khắc phục được tình trạng thiếu thầy giỏi. Từ chỗ có được các thầy giỏi, chúng ta sẽ đào tạo thêm được nhiều VĐV giỏi, có thể vươn tới các đấu trường xa hơn tại châu lục và thế giới. Với thỏa thuận đạt được về việc FINA tài trợ cho bốn VĐV tập huấn tại các nước phát triển, các chuyên gia đánh giá điều này sẽ mở ra cơ hội cải thiện thành tích cho thể thao Việt Nam khi các VĐV được tập huấn trong một môi trường đỉnh cao. FINA tài trợ kinh phí tập huấn cũng sẽ giúp cho thể thao Việt Nam đỡ được một phần nỗi lo về kinh phí khi nguồn lực đầu tư còn hạn hẹp.

Làm việc với Công ty TNHH Asong Invest, đối tác chiến lược của Quỹ chiến lược thể thao quốc tế ISF tại Việt Nam, Bộ trưởng đã thương thảo thành công để Ủy ban Olympic Việt Nam ký biên bản hợp tác với Asong Invest trong đó có nội dung treo thưởng cho các VĐV Việt Nam. Theo đó, nếu VĐV Việt Nam đoạt huy chương tại Olympic 2024 diễn ra tại Paris, Pháp từ ngày 26.7 đến 11.8.2024, sẽ được thưởng 1 triệu USD cho HCV, 500.000 USD cho 1 HCB và 200.000 USD cho 1 HCĐ.

Phía đối tác còn hỗ trợ đưa các VĐV Việt Nam sang Hàn Quốc tập huấn cũng như đưa một số đội tuyển Hàn Quốc sang tập huấn tại Việt Nam, nhằm tăng cường trao đổi thể thao quốc tế và các hoạt động quản lý khác. Các bên sẽ tiến hành trao đổi các nhà lãnh đạo, quản lý, chuyên gia và cán bộ trong ngành thể dục thể thao về các lĩnh vực giáo dục thể thao, quản lý thể thao, thể thao bền vững và phát triển cơ sở hạ tầng thể thao...

 THU SÂM; ảnh: QUÝ LƯỢNG

(Còn nữa)

Ý kiến bạn đọc