Đông Nam Bộ: Chưa phát huy được giá trị văn hóa, lịch sử để phát triển du lịch

VHO- Đó là nhận định của các chuyên gia, nhà quản lý văn hóa - du lịch tại hội thảo khoa học “Khai thác tiềm năng và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử để phát triển du lịch bền vững vùng Đông Nam Bộ”, do Học viện Chính trị khu vực II (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức tại TP.HCM ngày 14.6 vừa qua.

Đông Nam Bộ: Chưa phát huy được giá trị văn hóa, lịch sử để phát triển du lịch - Anh 1

 Cần khai thác tài nguyên văn hóa, lịch sử vùng Đông Nam Bộ để phát triển du lịch bền vững

 Đông Nam Bộ bao gồm TP.HCM và các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, là vùng đất địa linh nhân kiệt, là cái nôi của phong trào cách mạng nên đã để lại rất nhiều di tích lịch sử - cách mạng, lịch sử văn hóa. Trong đó có nhiều di tích được xếp hạng cấp quốc gia, cấp quốc gia đặc biệt. Đây cũng là vùng đất có nhiều tộc người sinh sống như người Mạ, người Stieng, người Cơ ho, người Hoa, người Tày, người Nùng... Vì vậy, tạo nên bức tranh đa màu sắc về văn hóa, tộc người, tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội, làng nghề.

Theo TS Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị khu vực II, Đông Nam Bộ có hệ thống tài nguyên văn hóa (vật thể, phi vật thể) vô cùng phong phú, đa dạng, có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Giai đoạn 2020-2022, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ đã đón trên 73,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó hơn 3 triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, nhìn chung việc phát huy các giá trị văn hóa để phát triển du lịch ở Đông Nam Bộ thời gian qua vẫn chưa tương xứng với những giá trị văn hóa mà vùng đất này sở hữu. Thậm chí, trong quá trình khai thác, một số nơi còn để lại nhiều hệ lụy đe dọa đến sự phát triển bền vững; du lịch vùng vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển.

ThS Hứa Huy Hoàng nhấn mạnh rằng, thực tiễn phát triển ngành du lịch đã cho thấy, mối quan hệ chặt chẽ giữa văn hóa dân tộc và du lịch, theo đó xu hướng du lịch văn hóa rất phù hợp với tiềm năng, định hướng phát triển hiện nay. “Có thể thấy, giữ gìn được các giá trị văn hóa, những lễ hội, phong tục tín ngưỡng sẽ tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc, có sức hút lớn với khách du lịch. Mặt khác, hoạt động du lịch cũng là cầu nối hữu hiệu giúp quảng bá, phát huy giá trị di sản, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, từ đó giới thiệu hình ảnh, văn hóa cư dân bản địa, đồng bào dân tộc tới du khách trong nước và bạn bè quốc tế”, chuyên gia phân tích.

TS Nguyễn Minh Trí, Sở Du lịch TP.HCM chia sẻ, gần đây, thực hiện chủ trương của Thành ủy TP.HCM về xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị bố trí một khu vực thiết kế, trưng bày các tài liệu, hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh với mục đích chủ yếu để giáo dục truyền thống cho cán bộ, đoàn viên, hội viên, chưa thể phát triển thành một điểm đến hấp dẫn phục vụ du lịch. Việc tổ chức chương trình du lịch gắn với các điểm đến trong không gian văn hóa Hồ Chí Minh bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn một số hạn chế nhất định. Có thể thấy các thiết chế văn hóa, cộng đồng gắn với cuộc đời và sự nghiệp Hồ Chí Minh còn ít.

Cạnh đó, hoạt động tại các không gian văn hóa Hồ Chí Minh chưa thật sự phong phú, chủ yếu là hoạt động dâng hương tưởng niệm, tham quan trưng bày, chưa có nhiều hoạt động trải nghiệm, thưởng thức các chương trình nghệ thuật gắn với quá trình hoạt động của Hồ Chí Minh. Thời gian hoạt động của các điểm đến như Bảo tàng Hồ Chí Minh, Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ yếu tập trung trong khung giờ hành chính cũng hạn chế phần nào lượng khách đến tham quan. Sự kết nối giữa các điểm đến thuộc không gian văn hóa Hồ Chí Minh với các điểm đến du lịch khác để hình thành một chương trình du lịch với nhiều điểm đến, mang lại trải nghiệm độc đáo cho du khách vẫn còn thiếu.

Chuyên gia cho rằng, cần phát huy và đẩy mạnh tính sáng tạo, đột phá trong việc nhận diện các điểm nhấn văn hóa và khai thác tài nguyên văn hóa để phát triển du lịch bền vững ở vùng Đông Nam Bộ. “Trong bối cảnh các địa phương vùng Đông Nam Bộ có nhiều nét tương đồng về văn hóa thì cần phải có những góc nhìn đột phá, sáng tạo gắn với chuyên môn sâu mới có thể nhận diện những điểm nhấn văn hóa ở một địa phương và tiến hành khai thác các tài nguyên này một cách hiệu quả. Cạnh đó, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch có chiều sâu. Thay vì phát triển đa dạng và xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa theo “chuỗi” - liên kết nhiều sản phẩm để kéo dài tour, dẫn tới du khách “cưỡi ngựa xem hoa”, cần để cho du khách có thể cảm nhận và thấm đẫm những giá trị chiều sâu của văn hóa địa phương”, ThS Vũ Thị Quý bày tỏ.

Cũng theo các nhà nghiên cứu, song song với việc bảo tồn các giá trị truyền thống. Nhà nước và chính quyền địa phương cần quan tâm đầu tư hạ tầng du lịch và chú trọng nguồn nhân lực phát triển du lịch. 

THUỲ TRANG

Ý kiến bạn đọc