Không có chuyện “lạm phát” danh hiệu

VHO- Bộ VHTTDL đang đăng tải Dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và của Bộ VHTTDL để xin ý kiến rộng rãi nhân dân. Dự thảo Nghị định đưa ra một số nội dung mới, trong đó, bên cạnh các nghệ sĩ biểu diễn là đối tượng xét tặng danh hiệu như lâu nay, hai đối tượng được mở rộng là “Nhạc sĩ sáng tác” và “Nhiếp ảnh gia”.

Không có chuyện “lạm phát” danh hiệu - Anh 1
 

 Đối với nhiều nghệ sĩ, danh hiệu Nhà nước trao tặng là sự ghi nhận những nỗ lực cống hiến và cũng là động lực cho chặng đường phía trước Ảnh: TRẦN HUẤN

Bộ VHTTDL nêu quan điểm chỉ đạo, Dự thảo Nghị định được xây dựng trên cơ sở đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và quy định tại một số văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành. Đặc biệt, sẽ không để xảy ra nỗi lo tăng “lượng” giảm “chất”, nói cách khác là “lạm phát” danh hiệu như dư luận lo lắng.

Mở rộng đối tượng, có lo “lạm phát”?

Ban soạn thảo cho biết, Dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT được xây dựng thay thế Nghị định số 89/2014/NĐ-CP và Nghị định số 40/2021/NĐ-CP của Chính phủ, nhằm hoàn thiện, khắc phục những vấn đề còn bất cập, mang lại cơ sở pháp lý đầy đủ hơn trong việc xét tặng danh hiệu cho người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật.

Dự thảo Nghị định được xây dựng trên cơ sở đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và quy định tại một số văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành như: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, bản quyền tác giả; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của nội dung dự thảo Nghị định trong hệ thống pháp luật và các văn bản là căn cứ pháp lý.

Được xây dựng trên cơ sở bám sát quy định của Luật Thi đua, khen thưởng 2022 và kế thừa các quy định đang phù hợp với thực tiễn công tác xét tặng các danh hiệu về đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ quy định tại hai Nghị định số 89, Nghị định số 40, dự thảo Nghị định bổ sung thêm đối tượng “Người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật”. Đây là đối tượng mới được quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 66 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022.

Để quy định xét tặng danh hiệu đối với đối tượng “Người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật” phù hợp với từng loại hình của từng chuyên ngành, Bộ VHTTDL đã có công văn số 1033 gửi 9 hội văn học nghệ thuật Trung ương, báo cáo và cung cấp một số nội dung liên quan đến đối tượng “Người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” thuộc lĩnh vực chuyên ngành, trong đó đề xuất cụ thể về đối tượng, tiêu chuẩn và cách tính thời gian hoạt động đặc thù.

Theo đó, 6/9 hội nghề nghiệp không đề xuất “Người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” để xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT gồm: Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam; 3 hội đề xuất gồm: Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam (cho tác giả kịch bản múa), Hội nhạc sĩ Việt Nam (nhạc sĩ sáng tác và phối khí), Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh, giảng viên giảng dạy nhiếp ảnh và người sáng tác).

Theo Ban soạn thảo, sau quá trình thảo luận, các thành viên thống nhất về một số đối tượng chưa phù hợp. Cụ thể, “Tác giả kịch bản múa” và “Nhạc sĩ phối khí” không phải là tác giả sáng tạo độc lập của tác phẩm VHNT; “Giảng viên giảng dạy nhiếp ảnh” thuộc đối tượng xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”; đối tượng “Nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh” thuộc đối tượng xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về VHNT.

Bên cạnh đó, việc đề xuất cách tính thời gian của 3 Hội đều chưa phù hợp, thiếu tính chặt chẽ, chung chung và chưa lượng hóa được tiêu chuẩn “tác phẩm xuất sắc có giá trị cao về nội dung tư tưởng và nghệ thuật được công chúng yêu thích đón nhận”.

Như vậy, theo dự thảo Nghị định được đăng tải xin ý kiến, có hai đối tượng được mở rộng xét tặng là “Nhạc sĩ sáng tác” và “Nhiếp ảnh gia”. Điểm mới này đang tạo ý kiến nhiều chiều, bên cạnh sự ủng hộ, tán thành thì cũng có ý kiến băn khoăn với nỗi lo “lạm phát” danh hiệu.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, Trưởng ban Soạn thảo khẳng định, hành lang pháp lý về xét tặng các danh hiệu trong thời gian qua, bên cạnh hiệu quả thực tế, cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế. Để bảo đảm sự chính xác, khách quan, minh bạch thì điều đầu tiên là cần làm rõ về cách tiếp cận, tiêu chí, tiêu chuẩn xét tặng với những người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, làm căn cứ để triển khai trong thực tiễn. Quan điểm xây dựng dự thảo Nghị định là trên cơ sở đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và quy định tại một số văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành. Đặc biệt, sẽ không để xảy ra nỗi lo tăng “lượng” giảm “chất”, nói cách khác là “lạm phát” danh hiệu như dư luận lo lắng.

Không có chuyện “lạm phát” danh hiệu - Anh 2

 “Nhạc sĩ sáng tác” là một trong hai đối tượng được mở rộng tại Dự thảo Nghị định (ảnh minh họa)

Đảm bảo tính thống nhất, không bỏ sót tài năng

Việc mở rộng hai đối tượng xét tặng danh hiệu là “Nhạc sĩ sáng tác” và “Nhiếp ảnh gia” hiện đang được xin ý kiến trong dự thảo Nghị định sửa đổi. Nhằm đảm bảo tính khách quan, chặt chẽ, tới đây, Bộ VHTTDL sẽ tổ chức Hội nghị đánh giá tác động về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT; Hội nghị - Hội thảo lấy ý kiến góp ý về hồ sơ dự thảo Nghị định tại khu vực phía Bắc (Hà Nội) và phía Nam (TP.HCM). Trong đó có nội dung đề xuất cách tính thời gian hoạt động VHNT đối với đối tượng “Nhạc sĩ sáng tác” và “Nhiếp ảnh gia” cho chính xác và phù hợp, nếu đáp ứng đủ các điều kiện và tiêu chuẩn của danh hiệu NSND, NSƯT.

Với quan điểm và nguyên tắc đảm bảo tính thống nhất của các quy định pháp luật, Nghị định sửa đổi được xây dựng trên cơ sở bám sát thực tiễn, không bỏ sót tài năng có nhiều cống hiến cho nền VHNT nước nhà.

Xung quanh những ý kiến liên quan đến việc mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Việc mở rộng đối tượng NSND, NSƯT nhằm bao quát, ghi nhận đóng góp của các nghệ sĩ đối với lĩnh vực VHNT, để “không ai bị bỏ lại phía sau” trong phong trào thi đua, khen thưởng, phù hợp với bối cảnh phát triển VHNT trong tình hình mới, từ đó động viên sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, trở thành động lực lớn góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị trên mặt trận VHNT, giúp chúng ta bảo vệ đất nước bằng sức mạnh tinh thần từ VHNT.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng nhấn mạnh, các danh hiệu Nhà nước phong tặng nhằm tôn vinh đóng góp của văn nghệ sĩ đối với nền VHNT của đất nước nói riêng, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung. Đảng, Nhà nước ta luôn khuyến khích, trân trọng các văn nghệ sĩ có đóng góp đối với sự nghiệp VHNT nước nhà, để từ đó lan tỏa những giá trị quan trọng của đất nước.

Mỗi mùa xét tặng Giải thưởng, danh hiệu những năm gần đây, bên cạnh những dấu ấn thì còn có một số ý kiến tranh luận trái chiều, gợi lên băn khoăn trong dư luận. Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT nhằm siết chặt quy trình, quá trình xét tặng các danh hiệu với tinh thần khách quan, minh bạch và không bỏ sót những tài năng, tên tuổi được công chúng ghi nhận. 

 Hành lang pháp lý về xét tặng các danh hiệu trong thời gian qua, bên cạnh hiệu quả thực tế, cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế. Để bảo đảm sự chính xác, khách quan, minh bạch thì điều đầu tiên là cần làm rõ về cách tiếp cận, tiêu chí, tiêu chuẩn xét tặng với những người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, làm căn cứ để triển khai trong thực tiễn. Quan điểm xây dựng dự thảo Nghị định là trên cơ sở đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và quy định tại một số văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành. Đặc biệt, sẽ không để xảy ra nỗi lo tăng “lượng” giảm “chất”, nói cách khác là “lạm phát” danh hiệu như dư luận lo lắng.

(Thứ trưởng Bộ VHTTDL TRỊNH THỊ THỦY)

 BẢO ANH

Ý kiến bạn đọc