Chàng trai Dao Tiền bỏ phố về quê làm du lịch

VHO- Từng có một công việc ổn định tại Hà Nội, song Bàn Sỹ Thủy (sinh năm 1997) ở thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái, huyện Na Hang (Tuyên Quang) vẫn quyết tâm trở về khởi nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương. Với ý chí và nỗ lực không ngừng, chàng trai người Dao Tiền là tấm gương thanh niên điển hình phát triển mô hình nông trại chăn nuôi, trồng trọt kết hợp với du lịch trải nghiệm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chàng trai Dao Tiền bỏ phố về quê làm du lịch - Anh 1

 Anh Bàn Sỹ Thủy tự tay chăm chút cho homestay của mình

 Bỏ phố về quê

Tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam năm 2020, Bàn Sỹ Thủy chọn ở lại Hà Nội để làm ăn sinh sống. Anh tìm được công việc theo đúng chuyên ngành Quản lý đất đai với mức lương 20 triệu đồng/ tháng. Công việc ổn định, mức lương đáng mơ ước, nhưng Thủy vẫn đau đáu với suy nghĩ “nên tiếp tục ở lại thành phố hay về quê khởi nghiệp từ con số 0”. Thế rồi, chàng trai trẻ đã quyết định khăn gói về quê. Ngày trở về, bố mẹ anh không vui, vì “học hành bài bản để thoát ly khỏi cảnh chân lấm tay bùn, bây giờ quay lại điểm xuất phát ban đầu là sao?”.

Thủy xin bố mẹ cải tạo 1 ha đất đồi hoang rồi âm thầm lên ý tưởng, thực hiện. Có sẵn ít tiền tích góp được khoảng 200 triệu đồng, Thủy vay mượn thêm người thân, họ hàng để khởi nghiệp. Ban đầu, anh cải tạo lại đất trong vườn nhà. “Đất nhà tôi ở đồi Đòn, đến đó đường bé lắm, phải mở đường thì mới phát triển được. Thế là tôi tự làm đường, con đường từ đường bê tông của xã vào khu đất dài 2 km được hoàn thành sau hơn 2 tháng san lấp, dài gấp 4 lần đường đi trước kia. Cũng chính con đường đó đã giúp tôi thực hiện được ý tưởng của mình”, Thủy kể.

Sau khi cải tạo xong đất, còn chút vốn ít ỏi là 50 triệu đồng, anh mua gia súc, gia cầm về thả. Để có thức ăn sạch cho đàn vật nuôi, Thủy trồng thêm chuối, rau rừng tạo thức ăn xanh, bổ sung thêm cám gạo, cám ngô gia tăng chất lượng thịt. Tuy nhiên, khởi đầu ý tưởng du lịch sinh thái của anh không mấy suôn sẻ. Dịp Tết Nguyên đán năm 2022, đàn gia súc bị chó cắn chết gần một nửa. Anh suy sụp tưởng như không gắng gượng nổi. Giữa lúc đó, cha mẹ lại mở lòng và đồng hành cùng con trai làm lại. Đó là niềm hạnh phúc không thể đong đếm, là động lực lớn để anh gây dựng cơ ngơi.

Chàng trai Dao Tiền bỏ phố về quê làm du lịch - Anh 2

 Khách du lịch chụp ảnh lưu niệm tại homestay nhà anh Thủy

Du lịch trải nghiệm kết hợp với nông nghiệp sinh thái

Bàn Sỹ Thủy chia sẻ, ngay từ đầu làm mô hình này, anh đã nghĩ sẽ phải kết hợp với làm du lịch, chọn vật nuôi là những đặc sản tiêu biểu của vùng cao. Bên cạnh chăn nuôi, anh trồng thêm hoa lê, hoa mận: “Nhà sẵn có 100 gốc mận và trên 150 gốc lê, tới đây tôi sẽ mua thêm những gốc lê cổ thụ trồng ở trang trại nhà mình. Lê cổ ăn không ngon nhưng cành thấp, hoa đẹp, nếu làm phong cảnh để chụp ảnh thì vô cùng quyến rũ, có sức hút với du khách. Tôi cũng đang huấn luyện lũ gà, chỉ cần gõ kẻng sẽ từ trên đồi về chuồng. Trứng gà tôi cho đẻ tự nhiên, khách du lịch đến đây, nhìn hình ảnh này, được đi nhặt trứng trên đồi, được ngắm hoa lê, hoa mận… hẳn sẽ rất thích thú”.

Hơn nữa, nhận thấy quê hương Na Hang mình ngày càng phát triển về du lịch, khách đến tham quan nhiều hơn, tháng 9.2021, homestay Mắc Cọp của Thủy bắt đầu đi vào hoạt động sau quãng thời gian xây dựng. Để cải tạo lại khuôn viên, anh thuê thêm một phần đất bên cạnh nhà xây dựng homestay theo phong cách truyền thống của người Dao Tiền để đón khách. Đến nay, sau gần 2 năm đi vào hoạt động, homestay Mắc Cọp ngày càng được nhiều người biết đến, lượng khách đến tham quan ngày một đông hơn vì sức hấp dẫn trong từ văn hóa của người Dao Tiền. Thủy cho hay, khách đến đông nhất vào mùa lúa chín (tháng 9-10) và mùa hoa lê (tháng 2-3) hằng năm. Những dịp cuối tuần, homestay luôn kín phòng. “Ngày đông khách, tôi phải thuê thêm người làm với mức lương trung bình từ 200.000 - 300.000 đồng/người/ ngày. Khách càng đông, càng phải thuê thêm nhiều nhân lực, thế là từ đây, văn hóa - du lịch đã tạo ra kế sinh nhai cho bà con”, Thủy chia sẻ.

Những ngày này, mặc dù thời tiết vào hạ oi bức, nhưng thôn Khâu Tràng khí hậu lúc nào cũng mát mẻ, đem lại cho du khách cảm giác dễ chịu. Đây cũng là một trong những điểm thu hút du khách mỗi khi ghé thăm homestay. Vừa dẫn khách đi tham quan vườn mận, lê cổ thụ của gia đình, anh Thủy vừa kể, ban ngày khách có thể “săn mây” vào sáng sớm, sau đó đi tham quan các điểm du lịch xung quanh. Tối đến khách cùng với bà con Dao Tiền quây quần bên ánh lửa, cùng nhau hát điệu hát Páo Dung và nhảy những vũ điệu truyền thống.

Tận dụng mạng xã hội, Thủy thường xuyên đăng tải những hình ảnh đẹp về homestay để nhiều người biết đến. Bên cạnh đó, anh còn làm clip YouTube và TikTok để quảng bá sản vật quê hương, nhờ đó, sản phẩm do anh và bà con làm ra bán được nhiều trên thị trường hơn. Hơn 3 năm rời phố trở về quê, Thủy đã có thể kết luận quyết định này là đúng đắn. Về quê dù vất vả hơn, nhưng anh lại được gần với gia đình, có cơ hội phát triển du lịch cho quê hương. “Trước mắt, tôi dự định duy trì ổn định số gia súc và các giống cây đang trồng, sau này có vốn sẽ thuê thêm đất để mở rộng trang trại. Thời gian tới, tôi sẽ phát triển mạnh hơn mảng du lịch, đầu tư chỉnh trang thêm homestay để đón khách. Cùng với đó, tôi mong có thể thành lập đội văn nghệ trình diễn những nét văn hóa đặc sắc của người Dao Tiền để du khách hiểu hơn về đời sống của đồng bào nơi đây”, anh Thủy chia sẻ về dự định sắp tới. 

 MINH KHÔI

Ý kiến bạn đọc