Hành trình 30 năm của Di sản Huế

VHO- UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức chương trình kỷ niệm 30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993-2023) và 20 năm Nhã nhạc cung đình Huế (2003-2023) được UNESCO vinh danh. Đây là hai di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được công nhận.

Hành trình 30 năm của Di sản Huế - Anh 1

 Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trao Cờ thi đua của Chính phủ cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

 Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, sự giúp đỡ tích cực của UNESCO cùng cộng đồng quốc tế, công cuộc bảo tồn Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực và đang từng bước được hồi sinh. Hàng trăm công trình di tích được phục hồi, trùng tu, tôn tạo, trong đó có nhiều công trình có giá trị tiêu biểu như: Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Thế Miếu, Điện Kiến Trung…

Đối với Nhã nhạc, nhiều giá trị cơ bản cốt lõi đã được nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn và phát huy. Theo đánh giá của UNESCO, công cuộc bảo tồn Di tích Cố đô Huế hiện đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Đặc biệt, việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy giá trị, làm đòn bẩy quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực, trọng tâm là kinh tế du lịch, dịch vụ.

Theo bà Miki Nozawa, quyền Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, Quần thể Di tích Cố đô Huế là một trong những khu di tích được bảo tồn hiệu quả nhất cả về mặt cấu trúc cũng như các hạng mục di sản phi vật thể khác. Cố đô Huế chính là một điển hình thành công tại Việt Nam và trong khu vực.

Phát biểu tại chương trình kỷ niệm, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: “Với việc Quần thể Di tích Cố đô Huế - Di sản Văn hóa đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới và 10 năm sau đó là Nhã nhạc Cung đình Huế đã mở đường đưa những di sản văn hóa Việt Nam từng bước hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, khẳng định với thế giới rằng: Văn hóa Việt Nam là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Việt Nam là một quốc gia giàu có về văn hóa và có tiềm năng để phát triển mạnh ngành công nghiệp, dịch vụ văn hóa”.

Hành trình 30 năm của Di sản Huế - Anh 2

 Chương trình nghệ thuật tại lễ kỷ niệm 30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế và 20 năm Nhã nhạc được UNESCO ghi danh

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, ông Nguyễn Xuân Thắng đã biểu dương những nỗ lực và thành quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế, những người đã và đang thực hiện xuất sắc trọng trách trực tiếp bảo vệ, giữ gìn và phát huy những tài sản văn hóa vô giá của dân tộc.

“Kế thừa và tiếp nối những thành quả to lớn và rất đáng tự hào đó, chúng ta cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của giá trị văn hóa, sức mạnh con người trong phát triển Thừa Thiên Huế; quán triệt Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị để hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung, phát triển văn hóa và con người Huế nói riêng, đẩy mạnh sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại Cố đô Huế; bám sát nguyên tắc xử lý hài hoà mối quan hệ giữa gìn giữ, bảo tồn và phát huy, phát triển, khai thác để tạo ra những giá trị kinh tế đi đôi với phát triển bền vững. Đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá để lan tỏa các giá trị biểu trưng của di sản vùng đất Cố đô Huế. Tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển văn hóa, con người, phát triển có trọng tâm, trọng điểm để tạo sự bứt phá của một số ngành công nghiệp văn hóa, dịch vụ văn hóa có tiềm năng, thế mạnh to lớn của tỉnh Thừa Thiên Huế”, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh. 

THÙY AN

Ý kiến bạn đọc