Nhiều phát hiện quan trọng về Đàn Nam Giao thời Tây Sơn

VHO- Sau thời gian tiến hành khai quật khảo cổ giai đoạn 2 di tích quốc gia núi Bân (phường An Tây, TP Huế), các nhà khoa học đã tiếp tục phát hiện nhiều dấu tích quan trọng liên quan đến Đàn Nam Giao dưới triều Tây Sơn.

Nhiều phát hiện quan trọng về Đàn Nam Giao thời Tây Sơn - Anh 1

 Hố khai quật phía Tây di tích núi Bân (phường An Tây, TP Huế)

Phát hiện khác biệt, độc đáo

Đợt khảo cổ lần này được Bộ VHTTDL cho phép Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam phối hợp với Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai. Với diện tích hơn 219m2, đoàn khảo cổ đã tiến hành đào 7 hố ở các mặt hướng Nam, Tây, Tây Bắc, Bắc, Đông Bắc, Đông Nam của di tích núi Bân, cùng với mở thêm 2 hố ở tầng 3 chạy qua trung tâm đàn tế. Qua đó, đã xuất lộ thêm nhiều dấu tích về các đoạn móng bờ kè, bậc cấp, đường ta luy, các dấu vết chân đế Đàn Nam Giao triều Tây Sơn…

Ông Nguyễn Ngọc Chất, Phó trưởng phòng Nghiên cứu - sưu tầm, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết: “Kết quả nghiên cứu, khai quật, với diễn biến địa tầng và những vết tích nền móng kiến trúc được làm xuất lộ đã đem đến những nhận thức mới, có giá trị trong việc xác định quy mô, kết cấu nguyên gốc của đàn tế thời Tây Sơn ở núi Bân. Kết quả đó đã góp phần xác nhận núi Bân chính là nơi lập đàn tế trời đất, lên ngôi Hoàng đế của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ, đồng thời cũng là nơi xuất phát điểm của cuộc hành binh thần tốc, táo bạo, bất ngờ tiêu diệt 29 vạn quân Thanh xâm lược”.

Nhiều phát hiện quan trọng về Đàn Nam Giao thời Tây Sơn - Anh 2

 Hiện trường khai quật khảo cổ giai đoạn 2 di tích quốc gia núi Bân

Chiều ngày 16.6, tại TP Huế, Hội nghị báo cáo sơ bộ của đợt khảo cổ giai đoạn 2 tại núi Bân cũng đưa ra các kết luận về kỹ thuật xây dựng, quy mô, kết cấu, niên đại xây dựng đàn tế… Do thời gian gấp gáp, núi Bân được tiến hành ban xẻ, tạo thành ba tầng đàn có hình nón cụt. Vì bề mặt núi có nhiều vị trí bị lõm hụt, không được bằng phẳng, vì vậy đã được bồi đắp bằng đất laterite, đất sét vàng thuần hoặc lẫn sỏi cuội nhỏ và đá dăm, đầm kỹ tạo mặt phẳng. Ở phần chân đế đàn, đa số đều được xắn thẳng, tạo thành các cạnh đế, những vị trí bị lõm hụt được xếp bó đá hoặc gạch vỡ tận dụng để tạo thành bó móng vòng quanh chân đế.

“Kết quả khai quật lần thứ hai, với diện tích khai quật được mở rộng (hơn 200m2) cùng diễn biến địa tầng và vết tích kè móng xuất lộ đã đem đến những nhận thức mới, xác định rõ ràng hơn quy mô, kết cấu của đàn tế tại núi Bân. Trong đó, điểm khác biệt, độc đáo chính là đế đàn hình bát giác, chưa từng gặp đối với các loại hình đàn tế giao trên thế giới”, ông Nguyễn Ngọc Chất nhấn mạnh.

Về cơ bản, đàn tế có 3 tầng hình nón cụt xếp chồng lên nhau, phần đế đàn được ban xẻ, xắn thành góc, cạnh. Ngoài những cạnh đàn là vách núi đá tự nhiên, nhiều vị trí được xây xếp, bổ sung bằng gạch, đá, tạo thành mặt bằng hình bát giác với mỗi cạnh dài từ 32-33m. Điều này khác với nhận định ban đầu của đợt khảo cổ giai đoạn 1 năm 2022 cho rằng chân đế Đàn Nam Giao thời Tây Sơn ở núi Bân có hình vuông.

 Những dấu tích bó móng, kè đá và gạch xuất lộ, đặc biệt là gạch tìm thấy trong các hố đào, qua giám định đã xác định được tính chất, niên đại của hiện vật trong khung thế kỷ XVIII. Gạch ở đây có kích thước và màu sắc hoàn toàn tương đồng với các loại gạch bó móng kiến trúc tìm thấy tại các đền, phủ thời Chúa Nguyễn và các công trình kiến trúc xây dựng giai đoạn đầu triều nhà Nguyễn tại Huế. Những di vật này, bên cạnh việc trưng bày, giới thiệu về vật liệu tham gia xây dựng đàn tế, còn có ý nghĩa quan trọng trong việc đối sánh tư liệu, phục vụ hiệu quả cho công tác nghiên cứu, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích thời Tây Sơn trên vùng đất Phú Xuân - Huế.

Nhiều phát hiện quan trọng về Đàn Nam Giao thời Tây Sơn - Anh 3

 

    Hố khai quật khu vực phía Đông

Xây dựng hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt

Núi Bân là di tích hiếm hoi còn lại của triều Tây Sơn trên vùng đất Huế, là nơi diễn ra những sự kiện lịch sử quan trọng và oai hùng, gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp và tên tuổi của Anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Năm 1988, Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL) đã xếp hạng núi Bân là Di tích lịch sử quốc gia. Đến năm 2008, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đầu tư tôn tạo cùng với việc xây dựng khu tưởng niệm với điểm nhấn là tượng đài Quang Trung cùng không gian cảnh quan… nhằm tạo thành một công viên văn hóa và điểm nhấn về du lịch ở trục phía Tây của TP Huế. TS Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế (nguyên Giám đốc Sở VHTT tỉnh) thông tin: “Năm 2007, trước khi triển khai làm tượng đài Quang Trung tại núi Bân, Sở đã trình UBND tỉnh về việc xây dựng một phòng trưng bày về triều Tây Sơn trong khuôn viên khu tưởng niệm. Sau một năm triển khai dự án, UBND tỉnh cho rằng chưa có nguồn tư liệu và hiện vật nên “cắt” hạng mục này. Theo tôi, khi tiếp tục tu bổ, chỉnh trang không gian di tích núi Bân thì cũng cần có một nơi để trưng bày các giá trị về triều đại Tây Sơn”.

Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh giá trị quan trọng của di tích núi Bân, đặc biệt trong các đợt khai quật khảo cổ vừa qua. Những giá trị đó xứng đáng để xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận núi Bân là Di tích quốc gia đặc biệt.

Nhiều phát hiện quan trọng về Đàn Nam Giao thời Tây Sơn - Anh 4

Các loại gạch xuất lộ tại các hố khai quật, có niên đại trong khung thế kỷ XVIII

TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia thông tin: Với di tích núi Bân, phạm vi và quy mô khai quật khảo cổ, nghiên cứu có giới hạn trên tổng diện tích thực của di tích, song đội ngũ cán bộ trong đoàn khai quật đã rất cố gắng và tìm được các thông tin, kết quả quý giá; trên cơ sở đó, nhận diện bước đầu bình đồ, diện mạo của di tích này. “Nhìn ở góc độ di sản Huế, di tích núi Bân rất giá trị, đặc biệt trong triều đại Tây Sơn lại càng quý. Khảo cổ học thời Tây Sơn không có nhiều, chúng tôi cũng chưa khai quật khảo cổ di tích nào về triều Tây Sơn. Chính vì thế, những kết quả trong các đợt khảo cổ núi Bân cần được tiếp tục nghiên cứu sâu để bảo tồn, phát huy hiệu quả. Quá trình nghiên cứu cũng như xây dựng hồ sơ, chúng tôi cũng mong muốn có những đóng góp với Thừa Thiên Huế để cùng tôn vinh di sản này”, TS Nguyễn Văn Đoàn khẳng định.

Theo các chuyên gia, Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế cần sớm chuẩn bị tư liệu, xây dựng hồ sơ xin công nhận núi Bân là Di tích quốc gia đặc biệt. Để làm tốt công tác quy hoạch và xây dựng hồ sơ, cần triển khai tốt việc khảo sát, đánh giá hiện trạng sử dụng đất, cơ sở hạ tầng khu vực lập quy hoạch (bao gồm toàn bộ diện tích các khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích). Đồng thời, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và rà soát các chủ trương, chính sách, quy hoạch, dự án của TP Huế có tác động đến việc triển khai quy hoạch di tích; xác định ranh giới khu vực bảo vệ 1, 2; kiến nghị về điều chỉnh mở rộng khu vực bảo vệ di tích để phù hợp với thực tế quản lý và phát huy giá trị di tích. Định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững, tổ chức các sự kiện văn hóa, lịch sử gắn với di tích và không gian cảnh quan. Quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan, xác định các hạng mục di tích cần được bảo quản, tu bổ, phục hồi và mức độ bảo quản, tu bổ, phục hồi…; khảo sát định hướng xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại di tích; dự báo tác động môi trường và đề xuất các biện pháp bảo vệ môi trường… 

 Kết quả nghiên cứu, khai quật, với diễn biến địa tầng và những vết tích nền móng kiến trúc được làm xuất lộ đã đem đến những nhận thức mới, có giá trị trong việc xác định quy mô, kết cấu nguyên gốc của đàn tế thời Tây Sơn ở núi Bân. Kết quả đó đã góp phần xác nhận núi Bân chính là nơi lập đàn tế trời đất, lên ngôi Hoàng đế của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ, đồng thời cũng là nơi xuất phát điểm của cuộc hành binh thần tốc, táo bạo, bất ngờ tiêu diệt 29 vạn quân Thanh xâm lược.

(Ông NGUYỄN NGỌC CHẤT, Phó trưởng phòng Nghiên cứu - sưu tầm, Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

 SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc