“Sức mạnh mềm” nơi miền biên viễn

VHO- Vào đúng dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2023) chúng tôi nhận được tin vui, loạt 5 bài Văn hóa còn thì dân tộc còn đăng trên Báo Văn Hóa nhận giải C Giải báo chí quốc gia lần thứ XVII năm 2022.

“Sức mạnh mềm” nơi miền biên viễn - Anh 1

 Phóng viên Thúy Hà tác nghiệp tại thôn Tha, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang

Mặc dù giải thưởng còn rất khiêm tốn nhưng nó là động lực, động viên chúng tôi tiếp tục phấn đấu để có kết quả cao hơn trong những mùa giải tới. Kết quả nhỏ nhoi nhưng qua đó cũng đã ghi nhận những nỗ lực của phóng viên. Đặc biệt không thể không nói đến sự định hướng của lãnh đạo Bộ VHTTDL và Ban Biên tập, sự hỗ trợ của đồng nghiệp, nhân viên trong cơ quan và chính quyền, người dân ở địa phương, nơi chúng tôi tác nghiệp.

Còn nhớ, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào tháng 11 năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”. Thông điệp mang giá trị căn cốt này thực sự cần ăn sâu, bám rễ trên nhiều vùng miền của đất nước trong sự nghiệp phát triển văn hóa. Trên cơ sở được định hướng, chúng tôi quyết định chọn đề tài: “Văn hóa còn thì dân tộc còn” để thực hiện tuyến bài của mình.

Đề tài nhanh chóng được thông qua. Chúng tôi lấy làm cảm kích khi Ban Biên tập lần đầu tiên điều hẳn một chiếc ô tô “xịn” nhất của cơ quan cùng với sự vận dụng các chế độ, chính sách tối ưu nhất để hỗ trợ nhóm phóng viên. Cùng với đó sự hỗ trợ, chia sẻ của các đồng nghiệp, nhân viên trong Tòa soạn.

Cách đây đúng một năm, những ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7.2022, tôi và phóng viên Thu Trang bắt đầu hành trình tác nghiệp tại các tỉnh miền núi phía Bắc (Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang). Hai nữ phóng viên cùng lái xe không quen đường vẫn quyết tâm theo lịch trình dự kiến. Trên hành trình, một phần vì giao thông các tỉnh miền núi còn quá khó khăn, phần vì thời tiết vùng núi cao khắc nghiệt, phóng viên Thu Trang liên tục xin dừng nghỉ vì quá say xe, không thể đi tiếp.

Còn nhớ, trên đường xuyên rừng già từ Hà Giang sang Tuyên Quang chúng tôi gặp trận lũ lớn, sạt lở, mưa tối trời, điện thoại mất sóng, không có nhà dân, mấy chị em động viên nhau nếu có vấn đề gì phải thật bình tĩnh để xử lý. Rất may, hơn 4 tiếng trong rừng, cuối cùng chúng tôi cũng đến được trung tâm huyện Lâm Bình (Tuyên Quang). Lại có những hôm phải nhờ người dân nấu ăn vì không có hàng quán, ngủ nhờ nhà cán bộ làm văn hóa của huyện Vị Xuyên (Hà Giang) hoặc đi bộ đường rừng mấy cây số để thăm di tích ở huyện Nguyên Bình (Cao Bằng)… Những kỷ niệm đó, chắc chắn chúng tôi không thể quên trong cuộc đời làm báo của mình. Cũng từ những chuyến đi thực tế đó, chúng tôi càng có thêm nhiều hiểu biết về các vùng đất, về cuộc sống của đồng bào ở vùng biên viễn xa xôi của Tổ quốc.

Tất cả những nhân vật chúng tôi đã gặp trong chuyến đi này như Bí thư Đảng ủy xã Đàm Thủy (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) Lương Văn La, Trưởng thôn Lô Lô Chải (Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) Sình Dìn Gai, Nghệ nhân Ưu tú Đinh Văn Thức (xã Vũ Minh, huyện Nguyên Bình), cô gái dân tộc Dao Bàn Thị Huyền (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) hay Trưởng thôn Đặng Văn Háu (Xà Phìn, xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang); Phó chủ tịch UBND huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang) Nguyễn Văn Hiền… đều chung suy nghĩ, chung khát vọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vì “văn hóa là hồn cốt dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn” như lời của Tổng Bí thư.

Khi đi thực tế để thực hiện tuyến bài ở các tỉnh miền núi phía Bắc (Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang), chúng tôi đã tận mắt chứng kiến nhiều câu chuyện rất đỗi thiết thực với mong muốn hiện thực hóa điều căn cốt: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Tinh thần tiên phong, nỗ lực từ những “người con của Đảng” đã mang lại luồng sinh khí mới, diện mạo mới trên những miền đất xa xôi; góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, nhân lên “sức mạnh mềm” văn hóa để từng bước xóa bỏ hủ tục, đói nghèo, lạc hậu, đánh thức những vùng đất, hướng đến một tương lai tươi sáng.

“Sức mạnh mềm” nơi miền biên viễn - Anh 2

 Phóng vin Thu Trang cùng cc em nhỏ ngo<><>n tọ<>c Dao xã Vũ Minh, huyện Nguyn Bình, tỉnh Cao Ba<>

Trên những vùng đất biên cương, nơi địa đầu Tổ quốc như xã Đàm Thủy (Trùng Khánh, Cao Bằng), Lũng Cú (Hà Giang), chúng tôi đã được gặp những đảng viên luôn tâm huyết, nỗ lực với công tác xây dựng và phát triển Đảng; nặng lòng với việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số. Ở nơi giáp biên này, ý nghĩa của “sức mạnh mềm” văn hóa cùng thông điệp “Văn hóa là bản sắc dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Văn hóa mất thì dân tộc mất” được quán triệt và triển khai một cách sâu sắc, cụ thể và thiết thực nhất bởi chính những nỗ lực không mệt mỏi từ những người con của Đảng.

Ở những huyện miền núi còn nhiều khó khăn như Nguyên Bình (Cao Bằng), chúng tôi được gặp gỡ nhiều tấm gương đảng viên vì yêu mến những giá trị văn hóa ngàn đời của dân tộc mà tận tâm, tận sức cống hiến. Những lớp học, câu lạc bộ bảo tồn được thành lập đã tạo nên điểm sáng trong hoạt động lưu giữ, bảo tồn và truyền dạy những tinh hoa, bản sắc vô giá đó, góp phần gắn kết và hình thành sức mạnh cộng đồng, truyền lửa tình yêu cội nguồn cho thế hệ trẻ.

Thắp lên ánh sáng cho những vùng đất còn nhọc nhằn, những đảng viên mà chúng tôi đã gặp ở Xà Phìn, một thôn vùng cao thuộc xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang; thôn Nặm Đăm (xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) đều là những tấm gương nhiệt huyết, hết lòng vì sự phát triển của cộng đồng. Phát huy vai trò tiên phong của Đảng, những đảng viên ưu tú đã gương mẫu trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, đẩy lùi hủ tục, xóa đói giảm nghèo, khơi dậy ước mơ cháy bỏng về xây dựng cuộc sống mới trên nền tảng văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Hiện thực hóa khát vọng “nở hoa trên đá”, trong quá trình thực hiện loạt bài tại xóm Hoài Khao (xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình); thôn Tha (xã Phương Độ, Hà Giang); xã Đông Hà (huyện Quản

 Bạ, tỉnh Hà Giang), chúng tôi may mắn được chứng kiến những khởi sắc, sự thay da đổi thịt của nhiều vùng đất mà trước đây chỉ là những thung lũng đá, những ngọn đồi trọc heo hút, hay những ngôi làng người dân tộc có đến hơn 90% hộ nghèo. Những đổi thay không ngờ ấy bắt nguồn từ chính những định hướng, Nghị quyết của Đảng và vai trò tuyên truyền, vận động, dẫn dắt cộng đồng của các Chi bộ Đảng, của từng đảng viên gương mẫu trên những vùng đất này.

Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, hành trình của những người dân Việt Nam ở nhiều địa phương không chỉ mang đến sự đổi thay trên mỗi vùng đất mà còn góp phần níu giữ, lan tỏa bản sắc văn hóa của từng dân tộc. Chúng tôi bắt gặp ở những công dân ấy, từ vùng biên viễn đến nơi thâm sơn cùng cốc không phải những điều to tát mà thật mộc mạc, đơn sơ, với tâm niệm phải bằng mọi giá giữ gìn “tấm căn cước” của dân tộc, đó là văn hóa truyền thống. Câu chuyện và những tấm gương chúng tôi ghi nhận tại huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang cho thấy nhiều trăn trở, tâm tư của những lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương về vấn đề đầu tư cho văn hóa; để văn hóa là nền tảng tinh thần, động lực cho sự phát triển.

Những câu chuyện, nhân vật điển hình mà chúng tôi được gặp, được chuyển tải tinh thần và nhiệt huyết của họ đến với bạn đọc đều cùng “gặp nhau” ở niềm trăn trở, với câu hỏi phải làm sao để giữ gìn “biên giới mềm” văn hóa trong cuộc sống hiện đại hôm nay. Trong những chia sẻ chân tình ấy, những tấm gương đảng viên, cán bộ làm văn hóa ở các địa phương đều bộc bạch, điều tâm niệm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: “Văn hóa còn thì dân tộc còn” chính là vấn đề cốt lõi hôm nay trên những mảnh đất giàu bản sắc này. Lời phát biểu của Tổng Bí thư đã tạo nên cuộc chấn hưng văn hóa. Để từ đó, mỗi chúng ta quán triệt sâu sắc, toàn diện và đồng bộ hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Với chúng tôi, những vất vả của chuyến đi càng thổi bùng lên ngọn lửa yêu nghề báo và muốn tận tâm, tận lực cống hiến cho tình yêu đó. 

 Nhận “hat trick” giải thưởng từ một chuyến đi

Tuyến 5 bài Văn hóa còn thì dân tộc còn trên Văn Hóa (từ ngày 19 - 26.9.2022): Biên giới mềm nơi miền biên viễn; Vì yêu nên tận sức cống hiến; Thắp sáng những vùng đất; Khát vọng nở hoa trên đá; Để văn hóa là nền tảng tinh thần, động lực phát triển đã đoạt giải C Giải báo chí toàn quốc lần thứ XVII năm 2022).

Trước đó, tuyến bài Văn hóa còn thì dân tộc còn cũng đã đoạt giải Khuyến khích Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ VII - năm 2022.

Mới đây, tác phẩm báo chí Địa chỉ đỏ lưu dấu chân Người được sáng tác từ chuyến đi thực tế nói trên cũng đã đoạt Giải báo chí tỉnh Cao Bằng lần thứ nhất năm 2023.

 THÚY HÀ

Ý kiến bạn đọc