Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi: Cần có nhiều hơn những tác phẩm báo chí xuất sắc về Văn hóa, Thể thao và Du lịch

VHO- “Lâu nay, có nhiều nhà báo, nhiều cơ quan báo chí dành sự quan tâm đặc biệt trong khai thác những khía cạnh, đề tài về Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” lần đầu tiên được Bộ VHTTDL tổ chức có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thôi thúc, khuyến khích các nhà báo, những cây bút sắc sảo đầu tư, tiếp tục cho ra đời các tác phẩm xuất sắc về những lĩnh vực này”, trao đổi cùng Văn Hóa, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi: Cần có nhiều hơn những tác phẩm báo chí xuất sắc về Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Anh 1

 Tại Hội Báo toàn quốc tháng 3.2023, Báo Văn Hóa đã đoạt giải khuyến khích bìa báo Tết ấn tượng, Liên Chi hội Nhà báo Bộ VHTTDL đoạt giải C gian trưng bày Tết ấn tượng. Cũng trong Hội báo lần này, phóng viên Trần Huấn (Báo Văn Hóa) đoạt giải Nhất cuộc thi sáng tác nhanh với chủ đề “Những khoảnh khắc đẹp của Hội Báo toàn quốc 2023” do Liên Chi hội nhà báo Báo Nhân Dân tổ chức. Trong ảnh: Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi thăm Gian trưng bày Liên Chi hội Nhà báo Bộ VHTTDL tại Hội Báo. Ảnh: TRẦN HUẤN

 

 P.V: Đến hẹn lại lên, kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2023), ngày hội của những người làm báo Việt Nam lại diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động, trong đó hoạt động nghề nghiệp lớn nhất là Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVII năm 2022. Xin ông đánh giá về chất lượng Giải thưởng năm nay?

- Nhà báo Nguyễn Đức Lợi: Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVII đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi, nhiệt tình của các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo trong cả nước. Không chỉ thu hút số lượng tác phẩm hùng hậu, Giải Báo chí quốc gia năm nay có rất nhiều tác phẩm chất lượng tốt. Hầu hết các tác phẩm bám sát thực tiễn, tính thời sự cao, đi vào các điểm nóng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng... Nhiều tác phẩm được đầu tư công phu, có tính phát hiện, phản biện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước; đề xuất nhiều giải pháp kiến tạo, cách làm hay, có sức lan tỏa. Nhiều tác phẩm được đầu tư công phu cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện, gần gũi, sinh động và hấp dẫn người đọc.

Cũng như các mùa giải trước, đề tài và nội dung của các tác phẩm báo chí dự thi phản ánh toàn diện mọi mặt của đời sống xã hội. Đặc biệt, khoảng cách bằng chất lượng giữa các tác phẩm báo chí địa phương, kể cả ở vùng sâu, vùng xa so với các cơ quan báo chí trung ương ngày càng thu hẹp rõ nét. Có thể nói đây là một mùa giải thành công khi có sự tham gia đông đảo, rộng khắp, đồng đều và chất lượng. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nhận thấy một bức tranh đa dạng của các thể loại báo chí dự thi, nhiều tác phẩm thuộc các loại hình báo chí hiện đại như Long Form, Mega Story, Infographic… được thực hiện rất công phu, ấn tượng, được Hội đồng giám khảo đánh giá cao. Nhiều cơ quan báo chí đã cập nhật những xu thế đổi mới, tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại, đưa thông tin lên các hạ tầng, nền tảng truyền thông khác nhau để tăng khả năng tiếp cận cho độc giả; từng bước thực hiện chuyển đổi số báo chí, theo kịp xu hướng hiện đại của báo chí thế giới.

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Báo chí đã thông tin, tuyên truyền đậm nét, có chiều sâu về nội dung này; đồng thời rất đa dạng, phong phú trong hình thức thể hiện về những chỉ đạo, điều hành của Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát, công tác điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19, đẩy nhanh tốc độ phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Công tác xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực… được thể hiện sâu sắc, chất lượng trong nhiều tác phẩm.

Đáng chú ý là ngày càng xuất hiện nhiều hơn những tác phẩm báo chí về chủ đề văn hóa. Chúng ta thấy trong Giải thưởng Báo chí quốc gia năm nay, nhiều tác phẩm chất lượng phản ánh, phân tích về nội dung triển khai Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về văn hóa cũng như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021. Những quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực văn hóa ngày càng được chuyển tải nhiều hơn trên các tác phẩm báo chí, nhận được sự đồng thuận cao từ nhân dân: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”, “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”…

  Đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa tương xứng với tuyên truyền về kinh tế, chính trị, xã hội

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi: Cần có nhiều hơn những tác phẩm báo chí xuất sắc về Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Anh 2

… Tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí, qua đó giúp chấn chỉnh những “lệch chuẩn” về đạo đức nghề nghiệp, thúc đẩy giá trị nhân văn trong hoạt động báo chí. Bảo vệ lợi ích chính đáng của hội viên trong thực thi nhiệm vụ, đồng thời xử lý nghiêm những vi phạm, nhất là lợi dụng báo chí để đi ngược lại mục tiêu, lý tưởng của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…

Đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa tương xứng với tuyên truyền về kinh tế, chính trị, xã hội, nhất là 6 nhiệm vụ và 4 nhóm giải pháp mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021…

(Trích phát biểu của Thủ tướng Chính phủ PHẠM MINH CHÍNH tại cuộc thăm, làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 13.6.2023)

Trong những mùa giải trước đây, tỉ lệ tác phẩm viết về văn hóa không nhiều, thậm chí hiếm hoi. Đến mùa giải năm nay, chúng ta có thể ghi nhận tần suất lớn hơn, chất lượng cao hơn của các tác phẩm báo chí về văn hóa không, thưa ông?

- Một điều thể hiện rất rõ là hàm lượng văn hóa trong các tác phẩm báo chí đã được các nhà báo, các cơ quan báo chí quan tâm khai thác, đề cập nhiều hơn. Như tôi đã nói, những quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 đã được báo chí khai thác, chuyển tải qua những bài viết đa dạng về thể loại, hấp dẫn về nội dung, mang đậm hơi thở cuộc sống ở các vùng, miền.

Đặc biệt, trong năm qua, các cơ quan báo chí, các nhà báo đã hưởng ứng mạnh

 mẽ phong trào thi đua mà Ban Tuyên giáo, Bộ TT&TT và Hội Nhà báo Việt Nam phát động về xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và trong đội ngũ những người làm báo. Nội dung này cũng được thể hiện rõ qua những tác phẩm có chủ đề về văn hóa; thể hiện qua các khía cạnh về hoạt động văn hóa, hành vi văn hóa, các sự kiện văn hóa, quan điểm về văn hóa. Chúng ta thấy sự xuất hiện ngày càng đa dạng hơn các tác phẩm đề cập về thực trạng hệ thống thiết chế văn hóa, về đời sống văn hóa, thị trường nghệ thuật… và lớn hơn, bao trùm hơn là những vấn đề về chấn hưng văn hóa, về phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong sự phát triển bền vững của đất nước. Nhiều tác phẩm chất lượng về văn hóa dự thi Giải thưởng Báo chí quốc gia, được chọn vào các vòng trong và một số tác phẩm xuất sắc đã được trao giải thưởng.

 Báo chí là diễn đàn rộng lớn, mạnh mẽ của nhân dân trên mặt trận tu tưởng, chính trị, văn hóa

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi: Cần có nhiều hơn những tác phẩm báo chí xuất sắc về Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Anh 3

… Tôi mong rằng, toàn thể đội ngũ nhà báo chúng ta tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm báo chí là vũ khí sắc bén, công cụ đắc lực của Đảng, là tiếng nói của Nhà nước và là diễn đàn rộng lớn, mạnh mẽ của nhân dân trên mặt trận tư tưởng, chính trị, văn hóa, bằng sự tìm tòi, khám phá, sáng tạo của những người viết sử trung thành, trung thực, nhân văn, bằng những tác phẩm báo chí xuất sắc, góp phần đấu tranh loại bỏ cái sai, cái xấu, bảo vệ cái đúng, cái tốt, vì sự nghiệp chung của đất nước, của nhân dân; phổ biến những kinh nghiệm tốt, bài học hay, biểu dương, tôn vinh và lan tỏa, nhân rộng những nhân tố mới và những điển hình tiên tiến...

(Trích phát biểu của Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ tại cuộc gặp Chủ tịch Quốc hội với các cơ quan báo chí, ngày 16.6.2023)

Tại buổi thăm và làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, báo chí cần đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa tương xứng với tuyên truyền về kinh tế, chính trị, xã hội. Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tiếp tục định hướng như thế nào về nội dung này, thưa ông?

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng như trong những phát biểu, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt trong phát biểu gần đây của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam đã một lần nữa nhấn mạnh vấn đề cần đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa trong các tác phẩm báo chí cũng như trong mọi hoạt động của báo chí. Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh quan điểm: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Trong thời gian qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã chú trọng, dành thời lượng, dung lượng đáng kể nhằm triển khai các quan điểm của Đảng về văn hóa vào cuộc sống. Trên nhiều tờ báo đều có các chuyên mục, chương trình chuyên sâu về văn hóa. Những giải thưởng báo chí danh giá, quy mô cũng đã tôn vinh nhiều tác phẩm báo chí chất lượng cao về văn hóa. Trong hành vi, hoạt động tác nghiệp của báo chí, các phóng viên cũng chú trọng yếu tố văn hóa nhiều hơn.

Nhìn lại, phải nói rằng, trong một thời gian dài chúng ta dành nhiều sự quan tâm đặc biệt đến phát triển kinh tế, đời sống xã hội, dân sinh và một phần nào đó còn lơ là việc tuyên truyền về nội dung văn hóa. Văn hóa luôn là yếu tố cực kỳ quan trọng, cần thiết trong cuộc sống của mỗi con người và trong sự vận hành của một xã hội. Hội Nhà báo Việt Nam thường xuyên khuyến khích, định hướng, đồng hành cùng các hoạt động nhằm thúc đẩy, động viên các cơ quan báo chí, các nhà báo tăng cường hàm lượng tác phẩm về những chủ đề này. Khẩu hiệu Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI cũng đặc biệt nhấn mạnh yếu tố về văn hóa: Xây dựng, phát triển nền báo chí cách mạng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. Với tư cách là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, chúng tôi kêu gọi, khuyến khích các tổ chức hội cũng như các hội viên của Hội Nhà báo Việt Nam thực sự quan tâm và quan tâm nhiều hơn đến văn hóa. Báo chí là tấm gương phản ánh xã hội, trong đó văn hóa có vai trò nền tảng quan trọng.

Xin trân trọng cảm ơn ông! 

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi: Cần có nhiều hơn những tác phẩm báo chí xuất sắc về Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Anh 4
 

Đáng chú ý là ngày càng xuất hiện nhiều hơn những tác phẩm báo chí về chủ đề văn hóa. Chúng ta thấy trong Giải thưởng Báo chí quốc gia năm nay, nhiều tác phẩm chất lượng phản ánh, phân tích về nội dung triển khai Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về văn hóa cũng như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021. Những quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực văn hóa ngày càng được chuyển tải nhiều hơn trên các tác phẩm báo chí, nhận được sự đồng thuận cao từ nhân dân: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”, “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”…

(Nhà báo NGUYỄN ĐỨC LỢI)

 Năm 2022, lần đầu tiên Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan liên quan tổ chức Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch”. Ông có suy nghĩ gì về tầm quan trọng của Giải thưởng này trong bối cảnh hiện nay?

Văn hóa, Thể thao và Du lịch là bức tranh tổng hòa của nhiều lĩnh vực quan trọng trong đời sống xã hội. Trong đó, văn hóa, thể thao là nền tảng tinh thần; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Chúng ta đang rất cần những tác phẩm báo chí xuất sắc, xứng tầm về các lĩnh vực này.

Thực tế lâu nay có nhiều nhà báo, nhiều cơ quan báo chí đã dành sự quan tâm đặc biệt trong khai thác những khía cạnh, đề tài về Văn hóa, Thể thao và Du lịch . Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch” lần đầu tiên được Bộ VHTTDL tổ chức vì vậy có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng nhu cầu thực tế của các nhà báo, đồng thời thôi thúc, khuyến khích những cây bút sắc sảo đầu tư, tiếp tục cho ra đời các tác phẩm xuất sắc về các lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch . Giải thưởng cũng sẽ góp phần vào việc chúng ta tác động, khuyến khích để phát triển những lĩnh vực quan trọng này trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, bởi tính chất đặc thù nên số lượng tác phẩm về văn hóa, thể thao và du lịch lọt vòng sâu của Giải báo chí quốc gia hay một số giải báo chí lớn khác chưa nhiều. Vì vậy, việc phát động một Giải báo chí mới, chuyên về Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt ra những kỳ vọng sẽ có nhiều tác phẩm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của ngành cũng như hấp dẫn độc giả. Những tác phẩm chất lượng dự thi Giải thưởng này cũng có thể là một nấc trung gian để các cơ quan báo chí lựa chọn, tham gia Giải báo chí quốc gia và những giải thưởng báo chí khác.

Về phía Hội Nhà báo Việt Nam, với tư cách là đơn vị đồng tổ chức, chúng tôi sẽ tích cực đồng hành cùng Bộ VHTTDL trong các vấn đề liên quan đến công tác tổ chức, quy trình và chấm chọn các tác phẩm về Văn hóa, Thể thao và Du lịch , tìm kiếm những tác phẩm xuất sắc để trao thưởng, vinh danh.

PHƯƠNG ANH (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc