Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định đất đa mục đích, tạo cơ sở pháp lý cho thí điểm chính sách hợp tác công tư trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa, thể thao

VHO-Hôm nay 21.6, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV tiếp tục chương trình làm việc với phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Góp ý cho dự thảo Luật, nhiều đại biểu mong muốn, dự thảo Luật cần bổ sung những quy định để tạo chính sách hợp tác công tư trong lĩnh vực giáo dục, văn hoá, thể thao; cần có quỹ đất cho cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình…

Góp ý cho dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) đánh giá cao dự án Luật lần này đã được lấy ý kiến nhân dân, nghiên cứu, tổng hợp, tiếp thu và giải trình nghiêm túc. Đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng đây là một dự án luật có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung khó, phức tạp, tác động lớn tới đời sống Nhân dân. Trong quá trình tiếp thu các chính sách, điều chỉnh một số nội dung trong bối cảnh chúng ta chưa đánh giá tác động được nhiều, cho nên đại biểu đề nghị cần phải tiếp tục nghiên cứu.

Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định đất đa mục đích, tạo cơ sở pháp lý cho thí điểm chính sách hợp tác công tư trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa, thể thao - Anh 1

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đánh giá cao dự thảo Luật

Góp ý cụ thể cho dự thảo Luật, đại biểu Mai Hoa đề cập tới Điều 216 quy định về đất sử dụng đa mục đích. Tại khoản 2, đại biểu đề nghị bổ sung vào Điểm c, đất xây dựng công trình sự nghiệp kết hợp sử dụng vào mục đích công cộng và dịch vụ. “Tôi cho rằng việc bổ sung loại đất đa mục đích này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc thí điểm thực hiện chính sách hợp tác công tư trong các lĩnh vực sự nghiệp giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, y tế, khoa học và công nghệ. Ở khoản 3 dự thảo luật quy định yêu cầu việc sử dụng đất đa mục đích phải bảo đảm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định. Tôi đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể rõ hơn”, đại biểu tỉnh Đồng Tháp nói.

Cũng góp ý cho dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) góp ý vào Điều 10 quy định về phân loại đất. Theo đại biểu, tại điểm d khoản 2 dự thảo Luật quy định "đất xây dựng công trình sự nghiệp gồm xây dựng cơ sở xã hội", nêu như vậy là rất chung chung. “Tôi đề nghị cần rà soát cụ thể hóa nội hàm "cơ sở xã hội", tránh sự tùy nghi trong quá trình tổ chức thực hiện. Ngoài ra, để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với nhu cầu thực tế, tôi đề nghị bổ sung thêm cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình và cơ sở cai nghiện ma túy, vì lý do: Điều 35 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) quy định về cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình để thực hiện việc chăm sóc, tư vấn, bố trí nơi tạm lánh, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho người bị bạo lực gia đình và trẻ em, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình”, đại biểu Thanh Cầm nói.

Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định đất đa mục đích, tạo cơ sở pháp lý cho thí điểm chính sách hợp tác công tư trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa, thể thao - Anh 2

Toàn cảnh phiên họp

Cũng theo đại biểu, điểm c khoản 2 Điều 36 Luật Phòng, chống ma túy có quy định "cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật". Việc có quỹ đất cho những cơ sở này là cần thiết, góp phần vào việc bảo vệ, thực hiện quyền con người, góp phần thực hiện mục tiêu xã hội của các loại hình cơ sở. Tương tự như vậy, tại Điều 79 thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích công cộng, đề nghị bổ sung vào điểm d khoản 2 hai loại hình cơ sở là: Cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình và cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện.

Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định đất đa mục đích, tạo cơ sở pháp lý cho thí điểm chính sách hợp tác công tư trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa, thể thao - Anh 3

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm góp ý cho dự thảo Luật

Đại biểu tỉnh Tiền Giang cũng cho rằng, quy định về việc nhà nước khuyến khích đầu tư vào sử dụng đất ở Điều 9 có quy định 5 trường hợp là chưa bao quát hết và cũng chưa rõ được chính sách về việc nhà nước sẽ khuyến khích đầu tư vào sử dụng đất ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội để thực hiện xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm trường hợp này vào diện được Nhà nước khuyến khích đầu tư vào sử dụng đất.

Đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng) góp ý vào điểm b Khoản 2 Điều 120 có quy định "sử dụng đất thương mại, dịch vụ để hoạt động du lịch là trường hợp được thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê". Tuy nhiên, theo đại biểu, cụm từ "hoạt động du lịch" cần phải được làm rõ, cụ thể hơn. Bởi vì, theo giải thích từ ngữ được quy định tại khoản 3 Điều 3 và tại Chương V của Luật Du lịch năm 2017 quy định cụ thể về hoạt động du lịch, các loại hình kinh doanh du lịch và hoạt động kinh doanh du lịch, như lữ hành, vận chuyển, cơ sở lưu trú và các loại hình dịch vụ du lịch khác như ăn uống, mua sắm, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe cho thấy hoạt động du lịch có phạm vi và nội hàm khá rộng. Do đó, cần phải làm rõ và cụ thể khái niệm hoạt động du lịch để thuận lợi, rõ ràng và khả thi khi áp dụng luật trong thực tiễn.

THU SÂM; ảnh: QUỐC HỘI

Ý kiến bạn đọc