Phát triển công nghiệp văn hóa ở TP.HCM: Kỳ vọng vào Nghị quyết mới

VHO- Trong mấy ngày họp Quốc hội vừa qua, một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri cả nước là thảo luận Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Trong những cơ chế, chính sách đặc thù, tôi đặc biệt quan tâm đến những vấn đề liên quan đến văn hóa.

Phát triển công nghiệp văn hóa ở TP.HCM: Kỳ vọng vào Nghị quyết mới - Anh 1

 Lễ hội âm nhạc TP.HCM (HOZO) là một thương hiệu mới, tạo ra một trải nghiệm hoàn toàn mới

Điều này không chỉ hẳn liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của tôi, mà thực sự TP.HCM chính là trung tâm năng động nhất về văn hóa của đất nước, nhất là các ngành công nghiệp văn hóa như điện ảnh, âm nhạc, sân khấu, thời trang...

Giải quyết nút thắt quan trọng

Chính sự hấp dẫn và năng động của thành phố này khiến cho tương lai của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam có thể được quyết định ở chính mảnh đất thành đồng. Cơ chế, chính sách đột phá, cởi mở, mang tính thí điểm cho TP.HCM sẽ là cơ hội tốt để chúng ta thử nghiệm, lan rộng những điển hình hay, ví dụ tốt cho các tỉnh, thành khác giúp ích cho sự phát triển văn hóa, công nghiệp văn hóa cho nước nhà.

TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, đã gặp nhiều khó khăn trong thời gian gần đây. Quý I năm 2023, tăng trưởng kinh tế của TP.HCM chỉ ở mức 0,7%, kéo theo tăng trưởng kinh tế của cả nước chậm lại, đạt 3,32%. Thực trạng này không chỉ khiến người dân thành phố quan tâm mà người dân cả nước cũng băn khoăn, trăn trở. Để vượt qua những thách thức này và tận dụng tiềm năng phát triển, việc ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế và chính sách đặc thù phát triển là vô cùng cấp thiết. Điều này không chỉ đúng trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, mà còn đúng cả trong lĩnh vực văn hóa.

Năm 2022, Kết luận tại Hội thảo Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ ra những điểm nghẽn và thách thức trong việc phát triển văn hóa ở cả nước nói chung và ở TP.HCM nói riêng. Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh việc tháo gỡ vưỡng mắc từ thể chế, chính sách sẽ tạo động lực mới cho sự phát triển văn hóa, trong đó cần áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công - tư cho lĩnh vực văn hóa. Việc ban hành Nghị quyết với điều riêng cho áp dụng phương thức đối tác công – tư lần này đã thể hiện sự quyết tâm, hành động quyết liệt của Quốc hội, đồng hành với thành phố trong việc giải quyết nút thắt quan trọng này. Bằng cách hợp tác với các đối tác tư nhân, thành phố có thể tận dụng được tài chính, chuyên môn và kinh nghiệm từ các nhà đầu tư để thúc đẩy phát triển văn hóa một cách hiệu quả, xứng tầm với vị trí đầu tàu, năng động của TP.HCM .

Phát triển công nghiệp văn hóa ở TP.HCM: Kỳ vọng vào Nghị quyết mới - Anh 2

Đường sách Nguyễn Huệ, TP.HCM là không gian sáng tạo của đông đảo người dân

Áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công - tư sẽ giúp tháo gỡ những điểm nghẽn

Bên cạnh đó, chúng ta đều biết rằng, TP.HCM là trung tâm năng động nhất cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Năm 2019, các ngành công nghiệp văn hóa chiếm tỷ lệ 3,88% GRDP của thành phố. Năm 2020, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, các ngành công nghiệp văn hóa vẫn đóng góp 36.732 tỉ đồng, chiếm 3,54% tổng GRDP của thành phố.

Các ngành công nghiệp âm nhạc, điện ảnh, thời trang đã phát triển mạnh mẽ tại đây. TP.HCM có số doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực văn hóa có khoảng 17.670 doanh nghiệp, chiếm khoảng 7,74% số doanh nghiệp của toàn thành phố, trong đó có khoảng 100 không gian sáng tạo, 56 rạp, cụm rạp chiếu phim, gồm 5 doanh nghiệp dẫn đầu và nắm giữ 98% thị phần chiếu phim Việt Nam, doanh thu năm 2020 đạt 6.732 tỉ đồng, đóng góp khoảng 0,35% cho GRDP của thành phố. Lễ hội Âm nhạc quốc tế TP.HCM “Hò dô” (HOZO) lần đầu tổ chức năm 2019 đã là một thương hiệu mới, tạo ra một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt đối với âm nhạc Việt Nam... Vì thế, không phải ngẫu nhiên khi trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, TP.HCM đã được chọn là một trong ba trung tâm công nghiệp văn hóa quan trọng.

Chúng ta kỳ vọng rằng, khi Nghị quyết được thông qua, các đối tác tư nhân sẽ đóng góp tài chính và kỹ thuật vào các dự án phát triển thể thao và văn hóa, giúp thành phố nâng cao chất lượng và đa dạng hóa hoạt động trong lĩnh vực này. Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư giúp tăng cường sự liên kết giữa công và tư, từ đó thúc đẩy phát triển bền vững của TP.HCM . Theo đó, đối tác công - tư có thể đóng góp vào việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Các nhà đầu tư tư nhân có thể hỗ trợ việc tu bổ, tôn tạo, và phát huy các di tích lịch sử, công trình kiến trúc cổ, và các truyền thống văn hóa đặc biệt của thành phố. Điều này giúp duy trì và phát triển nhận thức văn hóa, tạo điểm đến hấp dẫn cho du khách và góp phần vào tăng cường nhận thức về giá trị văn hóa của cộng đồng.

Đối tác công - tư cũng có thể hỗ trợ việc phát triển các hoạt động nghệ thuật và giáo dục văn hóa. Các nhà đầu tư tư nhân có thể tài trợ cho các chương trình hội thảo, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, và các khóa học đào tạo về văn hóa. Điều này không chỉ tạo cơ hội cho các nghệ sĩ và nhà văn ở thành phố, mà còn đóng góp vào việc tăng cường nhận thức về văn hóa, sáng tạo cho cộng đồng. Bên cạnh đó, đối tác công - tư có thể hỗ trợ việc khuyến khích sự sáng tạo và phát triển công nghiệp văn hóa. Các nhà đầu tư tư nhân có thể đầu tư vào các không gian sáng tạo, các trung tâm nghệ thuật và các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Từ đó tạo cơ hội cho các nghệ sĩ, nhà thiết kế, và các doanh nghiệp văn hóa phát triển và khai thác tiềm năng văn hóa của thành phố. Cuối cùng, việc áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công - tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa sẽ mở ra cơ hội để thành phố hợp tác với các đối tác quốc tế, từ đó truyền bá giá trị văn hóa đặc sắc của thành phố ra thế giới, nhất là ở cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế để thu hút vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý nhằm phát triển các dự án thể thao và văn hóa tại TP.HCM, góp phần xây dựng hình ảnh văn hóa đặc sắc, năng động của thành phố cũng như của đất nước.

Để tạo thuận lợi cho phát triển văn hóa nói chung, các ngành công nghiệp văn hóa ở TP.HCM nói riêng, tôi nghĩ, Nghị quyết cũng có thể tạo thêm đột phá bằng cách thêm các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa vào Danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược. Điều này sẽ giúp các dự án đầu tư công nghiệp văn hóa được hưởng ưu đãi nhiều hơn nữa, tạo điều kiện triển khai thành công Chiến lược và lan tỏa thông điệp văn hóa sáng tạo, đáng sống của thành phố sang các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác của thành phố.

Như vậy, chúng ta có thể nhận thấy rằng, Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế và chính sách đặc thù phát triển TP.HCM rất quan trọng để đưa địa phương này vượt qua khó khăn và tận dụng tiềm năng phát triển. Việc áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công - tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa, thêm các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa vào Danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược, sẽ giúp tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển văn hóa và thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa. Đây là bước tiến quan trọng để TP.HCM trở thành một trung tâm văn hóa và kinh tế phát triển bền vững, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và tạo điểm tựa vững chắc cho sự phát triển của cả nước. 

 Việc áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công - tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa, thêm các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa vào Danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược, sẽ giúp tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển văn hóa và thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa.

 PGS.TS BÙI HOÀI SƠN

Ý kiến bạn đọc