Nhân ngày gia đình bàn chuyện gia phong

VHO- Từ gia đình bắt đầu bằng chữ gia, tức là nhà; gia là nhà, quốc là nước. Hiếm có khái niệm nào có nhiều chữ ghép, nhiều “phụ gia” như chữ gia, có thể kể đến gia tộc, gia tiên, gia thế, gia pháp, gia huấn, gia giáo, gia đạo, gia phong... Nội hàm của mỗi khái niệm trên có cái riêng, nhưng tất cả đều nhằm vào việc xác định một khu vực, một phẩm tính, một gắn kết chung, đó là gia đình.

 Gia đình trong lịch sử là gia tộc, gia tiên thể hiện qua gia phả. Gia đình trong những quy ước của sự gắn kết, thành văn hoặc bất thành văn, đó là gia huấn, gia giáo, gia đạo. Khi trong gia đình mọi nề nếp, mọi quy ước đã được tuân thủ qua rất nhiều đời và gây được tiếng vang, tiếng thơm trong công luận thì đó là gia phong.
Gia phong là sự kết tinh những truyền thống ưu tú của một dòng họ qua rất nhiều đời; và sức tỏa rộng của nó đã làm nên những nền tảng tinh thần, văn hóa, đạo đức cho xã hội.
Gia phong - nếp nhà, đó là một cách nói gọn những truyền thống tốt đẹp của một gia hệ. Từ rất xưa, trong cộng đồng cư dân Việt đã xuất hiện những gia tộc, gia hệ gắn với tên tuổi các danh nhân văn hóa, lịch sử dân tộc, được người đời nhìn vào một cách ngưỡng mộ, đem lại vinh dự, hãnh diện không chỉ cho các thành viên là con cháu nhiều đời, mà thậm chí, còn cho tất cả những ai là… đồng hương, trước hết là trong các đơn vị làng, xã hoặc phủ, huyện. Ví dụ như họ Ngô Thì ở Tả Thanh Oai; họ Phan Huy ở Sài Sơn; họ Trần ở Nam Định; họ Vũ, Võ ở Hải Dương... Với xứ Nghệ thì đó là họ Nguyễn Tiên Điền ở Nghi Xuân; họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu - Can Lộc; họ Hoàng Xuân ở Yên Hồ - Đức Thọ; họ Hồ ở Quỳnh Lưu; họ Nguyễn Sinh ở Nam Đàn; họ Cao Xuân ở Diễn Châu; họ Đặng ở Thanh Chương; họ Nguyễn Đức ở Nghi Lộc; họ Nguyễn Khắc, Hà Huy ở Hương Sơn...
Những dòng họ lớn đã làm nên gương mặt văn hóa cho cả một vùng. Trong các mối liên kết giữa các dòng họ qua kênh dẫn giáo dục là quan hệ thầy trò, hoặc kênh dẫn hôn nhân - dựng vợ gả chồng (môn đăng hộ đối), các gương mặt văn hóa của một vùng, và rộng ra là cả một khu vực được xác định, góp phần làm nên gương mặt chung của văn hóa dân tộc.
Mỗi dòng họ được khởi phát từ một người thành đạt, rồi từ đó mà lan tỏa, sinh sôi. Hoàng Giáp Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm (1707-1775), thân phụ Nguyễn Du, giữ chức Tể tướng 15 năm dưới triều Lê Hiển Tông. Ông có đến 8 người vợ với cả một hệ thống con cháu, gồm nhiều chi trưởng, thứ, để lại trên quê hương xứ Nghệ câu ca: “Bao giờ Ngàn Hống hết cây/ Sông Rum hết nước họ này mới hết quan”.
Cao Xuân Dục (1842-1923) là Thượng thư Bộ Học, Cơ mật viện đại thần, Thái tử Thiếu bảo, Đông Các đại học sĩ, một trong “tứ trụ triều đình” triều Duy Tân (1907-1916), có 7 vợ, 22 con (trong đó có 8 con trai); và con trai trưởng Cao Xuân Tiếu cũng có đến 6 vợ, 20 con (8 con trai). Từ sự “sum suê” ấy của đại gia tộc, con cháu nhà họ Cao có mặt ở khắp nơi, chuyển sang thời Tây học vẫn có sự nối dài những gương mặt nổi tiếng như Giáo sư Cao Xuân Huy (1900-1983)...
Do truyền thống đại gia đình với các quan hệ gia tộc, dòng họ gắn với nơi cư trú mà tạo nên mối quan hệ làng và nước. Có làng rồi mới có nước. Từ làng đến nước, từ đồng hương (cùng quê) đến đồng bào (cùng một bọc trứng Âu Cơ) mà truyền thống yêu nước của dân tộc Việt trong hàng ngàn năm đã được xây dựng để chống lại mọi âm mưu đồng hóa và xâm lược của phương Bắc; và mỗi làng trở thành một pháo đài trong ba cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc thế kỷ XX. Chính từ mối gắn kết sâu sắc này mà lãnh tụ Hồ Chí Minh đã khẳng định rất sớm chân lý: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công, ngay từ năm 1945, xem đó là nguyên nhân số 1 cho thành công của sự nghiệp cách mạng.
Một truyền thống lâu dài, lâu đời như thế của sự gắn nối gia đình với làng nước, với đất nước đã làm nên sức mạnh tinh thần vĩ đại của dân tộc qua bao thử thách của lịch sử. Hiểu như vậy để thấy thực trạng tan vỡ của gia đình, sự rã rời của các quan hệ xã hội như hôm nay là đáng lo, đáng sợ biết chừng nào!
Trở lại vấn đề gia phong, không phải đến bây giờ mới là lúc cần được chấn hưng từ các đơn vị gia đình. Hãy từ gia đình mà tái dựng nên sự bình ổn, bình yên cho xã hội. Và phải lấy làm mừng, trong nhiều năm gần đây, sự khôi phục lại nề nếp thờ phụng tổ tiên, hoạt động của các dòng họ, lập các hội đồng hương, gây quỹ động viên con em học tập, khuyến khích người giàu đóng góp cho quê hương..., tất cả, theo suy nghĩ của tôi, đó chính là một phản ứng tự vệ chính đáng và cần thiết để khơi lại những nguồn mạch trong trẻo của đạo lý, vốn ẩn chứa rất sâu trong tâm thức mọi người dân Việt. Sau các hội, lễ lớn nhỏ của cộng đồng là giỗ, tết riêng cho từng gia đình, từng dòng họ. Hội, lễ ồn ào, tốn kém với nhiều mục tiêu tốt xấu, hay dở lẫn lộn; còn giỗ chạp, tết nhất là thành tâm, là tận hiến của những thành viên có chung nguồn cội. Từ gia đình, gia tộc đến gia phong - đó là con đường chấn hưng lại những nền tảng đạo đức đã và đang bị thương tổn do sự thiếu chủ động trước những chấn động mới trong nền kinh tế thị trường đang đi vào hội nhập ngày càng sâu và rộng. 

GS PHONG LÊ 

Ý kiến bạn đọc