Văn hóa “soi đường” cho báo chí phát triển

VHO- Nền báo chí cách mạng Việt Nam thời gian qua dưới dự lãnh đạo của Đảng luôn vững vàng về bản lĩnh chính trị, tinh thông nghề nghiệp; giữ vững đạo đức nghề nghiệp; nỗ lực phấn đấu phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Những phẩm chất cao quý ấy đã kết tinh thành giá trị văn hóa, được giữ gìn, trao truyền, trở thành niềm tự hào của những người làm báo cách mạng. Có thể nói, văn hóa đã và đang “soi đường” cho sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam.

Văn hóa “soi đường” cho báo chí phát triển - Anh 1

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ VHTTDL và các đại biểu thăm Gian triển lãm của Liên Chi hội Nhà báo Bộ VHTTDL tại Hội Báo toàn quốc năm 2023

Nhiều điểm sáng trong xây dựng văn hóa báo chí

Thời gian vừa qua, hoạt động xây dựng văn hóa báo chí đang được quan tâm và có rất nhiều tín hiệu tích cực. Việc Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” và đưa ra Bộ tiêu chí cơ quan báo chí và văn hóa người làm báo bao gồm 12 điểm, trong đó có 6 điểm cho cơ quan báo chí và 6 điểm cho người làm báo; hay Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, cùng với “10 điều Quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam” được ban hành từ năm 2016 đã thực sự là những “điểm sáng” để định hướng xây dựng văn hóa báo chí. Bên cạnh đó, báo chí đã thể hiện rõ vai trò gương mẫu, đi đầu trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, có đóng góp quan trọng trong hoạt động quảng bá, nâng cao nhận thức của xã hội về việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tinh hoa văn hóa của thế giới...

Nhờ vận dụng luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, tập trung xây dựng văn hóa báo chí, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã có được “nền móng” vững chắc và phát triển rực rỡ. Trong nhiều năm qua, khắc ghi lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn các nhà báo trước khi cầm bút phải tự đặt câu hỏi: “Viết để làm gì?”, “Viết cái gì? Viết cho ai? Viết thế nào?”, đội ngũ những người làm báo đã coi đây là “kim chỉ nam” trong quá trình theo đuổi nghề. Họ luôn quan niệm không vì lợi ích của cách mạng, dân tộc và nhân dân; không vì sự tiến bộ của xã hội; không hướng tới quần chúng nhân dân thì đó không phải là nền báo chí cách mạng.

Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, báo chí là sản phẩm có tính văn hóa do con người tạo ra, đáp ứng nhu cầu thông tin, tuyên truyền, giáo dục... Bản thân tác phẩm báo chí viết ra để phục vụ nhân dân, phục vụ những lý tưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước lựa chọn đều là những tác phẩm chứa đựng tri thức văn hóa. Rồi chính những tác phẩm ấy có tác động ngược trở lại, “hiến kế” xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo.

“Chúng ta đang rất phấn khởi khi được biết, nhiều cơ quan báo chí đã hình thành những giá trị văn hóa, môi trường văn hóa tốt đẹp, những tiêu chuẩn, chuẩn mực đạo đức văn hóa để mỗi cán bộ, phóng viên, người làm báo tự giác thực hiện. Từ đó, chất lượng người làm báo và chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí từng bước được khẳng định, nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp được báo chí lan tỏa tích cực trong xã hội”, nhà báo Hồ Quang Lợi cho biết.

Tuy nhiên, bên cạnh những niềm vui thì vẫn còn đó những điều rất đáng lo ngại. Nhà báo Hồ Quang Lợi cho hay, hiện đang xuất hiện một bộ phận không nhỏ những người làm báo, mang danh báo chí nhưng không dùng nghề để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân mà dùng nghề để vụ lợi; dẫn đến những hành vi vi phạm đạo đức của người làm báo, thậm chí vi phạm pháp luật. Những hành vi này đã làm cho uy tín của báo chí bị suy giảm; hay nói một cách khác là làm tổn thương danh dự của những người làm báo chân chính.

Cảnh báo về tình trạng suy giảm về văn hóa báo chí

Theo nhà báo Hồ Quang Lợi, khi những sự việc đáng tiếc này xảy ra trong hoạt động báo chí, hơn lúc nào hết chúng ta phải lên tiếng cảnh báo tình trạng suy giảm về văn hóa báo chí. Trước tình trạng này, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ TT&TT, Ban Tuyên giáo Trung ương đã có sự phối hợp nhằm tăng cường xây dựng văn hóa báo chí. Công tác xây dựng văn hóa báo chí đang đi theo hướng văn hóa báo chí và đạo đức những người làm báo có sự gắn kết chặt với nhau, là những giá trị cốt lõi mà các cơ quan báo chí và bản thân những người làm báo phải hướng đến.

Thời đại kỹ thuật số với sự lên ngôi của mạng xã hội, thông tin tràn ngập, một số phóng viên, nhà báo có biểu hiện chây ì, không đắm mình vào cuộc sống của nhân dân, không lấy chất liệu từ cuộc sống lao động; làm báo kiểu “salon”, chỉ ngồi trong phòng nhặt thông tin trên mạng, không kiểm chứng. “Làm như vậy là người làm báo đang “bẻ cong” ngòi bút, đánh mất chính mình, gây hậu quả cho xã hội. “Người làm báo tuyệt đối không được phép chạy theo những thông tin thiếu chính xác, không có sự kiểm chứng, nhận thức mỗi câu chữ mình viết ra đều mang sức nặng. Chỉ một thông tin sai sót có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của rất nhiều người. Nguy hại nhất là báo chí không còn giữ được bản chất văn hóa lành mạnh, tiến bộ, ảnh hưởng không tốt đến công cuộc xây dựng văn hóa và con người hiện nay. Khách quan, công tâm, bảo vệ sự thật; lấy cái đẹp, dẹp cái xấu; nêu cao các giá trị văn hoá là những gì người làm báo phải theo đuổi đến cùng trong quá trình làm nghề”, nhà báo Hồ Quang Lợi đặc biệt nhấn mạnh.

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho hay, những tiêu cực trong hoạt động báo chí hiện nay liên quan trực tiếp đến đạo đức nghề nghiệp, một phạm trù quan trọng của văn hóa. Vừa qua, có một bộ phận nhà báo tác nghiệp với những hành vi không chuẩn mực, gắn với việc theo đuổi lợi ích cá nhân, vụ lợi. Đây là hành vi phản văn hóa, để lại hình ảnh xấu. Cách làm nghề như vậy làm tổn thương danh dự của người làm báo chân chính, làm suy giảm uy tín và vai trò của báo chí.

Với PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ông cho rằng có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến những biểu hiện suy thoái nay. Đầu tiên, điều này bắt nguồn từ nguyên nhân khách quan là sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghệ thông tin, đặc biệt là mạng xã hội; sự cạnh tranh không lành mạnh giữa một số cơ quan báo chí, cũng như giữa báo chí và mạng xã hội; sự đòi hỏi thông tin cần phải nhanh, hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của khán giả. Ngoài ra, một số nguyên nhân chủ quan phải thẳng thắn nhìn nhận là nhận thức non kém về chính trị, nghiệp vụ, thiếu kiến thức về pháp luật, thiếu ý thức trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đôi khi vì động cơ vụ lợi dẫn đến sai phạm. Các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, chưa có những biện pháp mạnh để răn đe, xử lý người làm báo vi phạm.

Để phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam với các giá trị văn hóa làm cốt lõi, PGS.TS Bùi Hoài Sơn khẳng định nâng cao nhận thức phải là câu chuyện được làm trước tiên, liên tục: “Các cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo phải có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về văn hóa báo chí. Từ đó, chúng ta mới hình thành nên các hành động cụ thể, tuân thủ tuyệt đối pháp luật để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa báo chí. Bên cạnh đó, mỗi nhà báo, phóng viên... phải trau dồi bản lĩnh chính trị, nghề nghiệp, làm nghề vì lợi ích của đất nước, phụng sự nhân dân. Để làm được điều này, các cơ quan báo chí, những người làm báo phải quán triệt tinh thần xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại; chú trọng kiến tạo không gian, môi trường văn hóa trong hoạt động báo chí. Đúng với câu nói của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Hội Báo toàn quốc năm 2023 rằng: “Mỗi sản phẩm báo chí phải thấm đẫm tính nhân văn, lắng đọng giá trị văn hóa dân tộc, có sức lan tỏa lớn, tạo đồng thuận trong toàn xã hội, phản ánh sâu sắc hiện thực đổi mới vĩ đại của đất nước, quảng bá các giá trị tốt đẹp của văn hóa, đất nước, con người Việt Nam.”

THANH NGỌC - ĐÌNH TOÁN; ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc