Phát triển con người vì mục tiêu chấn hưng văn hóa (Bài 2): Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển

VHO- Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đến nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam toàn diện: Đảng ta khẳng định, con người là chủ thể, giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; đồng thời, phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới...

Phát triển con người vì mục tiêu chấn hưng văn hóa (Bài 2): Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển - Anh 1

 Đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới

Trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; chú trọng mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, văn hóa và kinh tế; xây dựng văn hóa trong Đảng và trong hệ thống chính trị; xây dựng văn hóa công chức, văn hóa công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ, chú trọng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Văn hóa và con người là động lực cho sự phát triển bền vững

Nhấn mạnh “văn hóa - con người là những nhân tố đảm bảo sự phát triển bền vững của Việt Nam”, GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng KH&ĐT (ĐHQG Hà Nội) cho biết: “Để có thể biến văn hóa thành nguồn lực, điều quan trọng là phải đổi mới tư duy nhận thức một cách căn bản, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa, đồng thời đánh giá đúng và thấy hết khó khăn khi khai thác nguồn lực văn hóa”.

GS Vũ Minh Giang cho rằng, trước hết đó là những trở ngại về thói quen, tập tính và hạn chế của cư dân nông nghiệp khi bước vào thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, mà một trong những nhược điểm lớn nhất, gây nhiều hậu quả tai hại là không có thói quen nhìn xa, là tâm lý “ăn xổi”. Mà suy cho cùng, thói quen này là biểu hiện của tàn dư lịch sử. Nếu không có nhận thức thật sâu sắc để có biện pháp khắc phục hữu hiệu thì đây là một cản trở lớn cho sự phát triển. Vì trong thời đại ngày nay, người ta trù liệu cho sự phát triển trước ít nhất vài chục năm.

Cần nhìn nhận khách quan là sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, nhận thức về văn hóa đã được nâng lên rõ rệt, có sự chuyển biến từ trung ương đến địa phương. GS Vũ Minh Giang phân tích: Trước đây, chúng ta thừa nhận về nguyên lý tầm quan trọng của văn hóa nhưng những nhận thức đó chưa đủ sâu nên dường như phát triển văn hóa chỉ là việc của cơ quan quản lý văn hóa. Hiểu như thế là chưa đầy đủ vì Bác Hồ đã từng nói: Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhắc đi nhắc lại điều này: Văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn.

“Tôi nhớ có hình ảnh rằng, nếu chúng ta coi một quốc gia với tất cả những gì nó có để phát triển ổn định và bền vững thì nó giống như một ngôi nhà với các trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Ngôi nhà ấy cần phải có mái nhà, đó là thể chế, là hệ thống chính trị. Nền móng của tòa nhà ấy là văn hóa. Cho nên, các “ngôi nhà” thường không giống nhau, nước này khác

 nước kia, châu lục này khác châu lục kia, nước giàu khác nước nghèo... Với ánh chiếu tầm quan trọng của văn hóa ấy thì mặc dù nhận thức của chúng ta đã được nâng lên, chuyển biến rất rõ nhưng chưa đi vào chiều sâu. Nghị quyết của địa phương vẫn nêu quan tâm đến văn hóa nhưng vẫn chỉ phát động thế thôi chứ hồn cốt văn hóa thế nào, phát huy ra sao thì vẫn chưa tìm ra, chưa làm được và có những chỗ văn hóa chưa thực sự được quan tâm, đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”, GS Vũ Minh Giang nhấn mạnh.

Vẫn trong câu chuyện về văn hóa với nhiều nỗi niềm, trăn trở, GS Vũ Minh Giang cho rằng: “Trong chính trị có văn hóa chính trị, trong kinh doanh có văn hóa kinh doanh... vì thế, con người Việt Nam hoặc của địa phương nào cũng có tố chất bên trong. Xây dựng đất nước, xây dựng địa phương phải bắt nguồn từ chính con người của vùng đất ấy. Có những thời gian chúng ta ồ ạt ra nước ngoài học tập. Đi về ai cũng ồ à: “Thái Lan có cái này hay lắm. Nhật cũng có cái kia hay lắm”. Nhưng cái hay đó là của người ta. Mình có thể đi để biết thế giới phát triển như thế nào nhưng không thể bê nguyên cái hay của người ta về áp dụng ở nước mình được. Cũng không có nước nào dạy chúng ta cách để vượt qua họ. Người Việt Nam rất linh hoạt, tiếp biến giỏi nhưng nếu kỷ luật cứng như Nhật Bản chưa chắc đã thành công. Cuối cùng phải là con người. Người lãnh đạo phải tìm ra điều đó, cốt cách đó để điều hành đúng…”.

GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cũng khẳng định: Văn hóa là con người! Mọi thứ tạo nên và xuất phát từ con người, do vậy, con người cần được coi trọng, được đặt lên hàng đầu, cần đưa tất cả về giá trị thực của nó, đúng với những gì nó có trong mỗi cá nhân. Tạo cho con người bình đẳng trước mọi cơ hội để họ phát triển và từ thực lực khả năng của họ. Đặt họ đúng vị trí trong cuộc sống, họ được nhìn nhận một cách khách quan, công bằng. Có như vậy sẽ tạo nên động lực mạnh mẽ cho họ. Và như thế sẽ không còn chuyện chạy theo bằng cấp, danh hiệu, chức danh hay những thành tích ảo, tạo nên những “hàng giả”, “hàng nhái”, thiếu chất lượng trong xã hội.

“Để làm tốt những điều đó, kỷ cương, phép nước, pháp luật phải được đề cao, tôn trọng, thực hiện nghiêm minh. Rõ ràng, những đại án chống tham nhũng do Đảng ta tiến hành thời gian gần đây đã làm nức lòng người dân cả nước. Khi kỷ cương được tôn trọng, công minh thì mọi người đều bình đẳng trước pháp luật như một động lực khuyến khích người ta dám nghĩ, dám làm vì đã được pháp luật bảo vệ. Không còn sợ bị bóp méo, bị áp lực “không trong sáng” từ một số kẻ thực thi biến chất. Như thế, động lực này sẽ khơi dậy sự sáng tạo cho con người”, GS.TS Lê Hồng Lý cho hay.

Theo ông, quan trọng hơn là từ đó tạo nên một xã hội lành mạnh, minh bạch, kỷ cương, có một môi trường tốt cho tất cả các cơ hội phát triển. Một môi trường như vậy sẽ tạo được tính chính danh của mỗi con người ở vị trí của mình, ngăn chặn được những tham vọng quyền lực, sự tham lam về đồng tiền, vật chất làm lóa mắt con người, đẩy họ đến những việc làm bất chính. GS.TS Lê Hồng Lý cũng đề cập đến vấn đề hết sức quan trọng hiện nay là văn hóa làm gương của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các vị trí cao cấp. Thực tế cho thấy, thượng bất chính - hạ tắc loạn, nếu người đứng đầu không làm gương thì sẽ không tạo được sự nể phục, kính trọng đối với cấp dưới. Bản thân họ không gương mẫu thì mọi lời nói, việc làm đều không có giá trị trước cấp dưới. “Việc mất uy tín của người đứng đầu là một phần, song đau đớn hơn là niềm tin của nhân dân vào tổ chức và rộng ra là niềm tin vào Đảng, Nhà nước bị phai nhạt thì nguy hiểm biết chừng nào! Văn hóa làm gương của người đứng đầu được coi trọng thì không chỉ người lãnh đạo ấy được cấp dưới yêu mến, quý trọng mà còn là động lực mạnh mẽ cho cấp dưới sẵn sàng đem hết trí tuệ ra để xây dựng và phát triển cơ quan, đất nước.

Hiểu động lực và sức mạnh nội sinh dưới góc độ văn hóa ở trong mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta sẽ thấy, bất kể lĩnh vực nào đều có thể chỉ ra, khơi dậy động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa. Và hiểu thế để mỗi ngành, mỗi lĩnh vực phát huy được tối đa những động lực văn hóa trong bối cảnh riêng của ngành mình. Văn hóa không chỉ ở trong vị Bộ trưởng Bộ VHTTDL mà ở trong tất cả các Bộ trưởng. Và văn hóa không chỉ ở những người đứng đầu các Bộ, ngành mà còn ở trong tất cả mọi người, trong toàn xã hội. Có như thế mới thấy được động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước.

“Vì vậy, ngay từ bây giờ, việc chúng ta xây dựng nên các hệ giá trị, từ hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trở nên vô cùng cần thiết. Có thể khẳng định, quốc gia nào không quan tâm, không nỗ lực để có được sức mạnh nội sinh của mình bằng chính nguồn lực rất quan trọng là văn hóa và con người thì quốc gia đó sẽ ở lại phía sau. Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm thích hợp để chúng ta hình thành nên các hệ giá trị và tập trung nguồn lực, tập trung giáo dục, tập trung văn hóa cho việc hình thành, triển khai các hệ giá trị này”, GS.TS Lê Hồng Lý đặc biệt nhấn mạnh.

Phát triển con người vì mục tiêu chấn hưng văn hóa (Bài 2): Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển - Anh 2

 Chương trình nghệ thuật của Việt Nam mang tên “Dòng chảy bất tận” tại EXPO 2020 (Dubai)

Khích lệ sáng tạo giá trị văn hóa mới

Một trong những điều quyết định sự thành công trong sự nghiệp phát triển, đưa đất nước đi tới phồn vinh là phải khơi dậy khát vọng của cả dân tộc, đặc biệt là giới trẻ như tinh thần Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Theo GS Vũ Minh Giang, cần coi giáo dục văn hóa, lịch sử cho mọi tầng lớp từ lãnh đạo đến nhân dân, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên như một nhiệm vụ mang tầm chiến lược. Khát vọng sẽ dẫn tới tự tin và có thể biến những gì mình có thành lợi thế, thành sức mạnh. Ông cho rằng, trong thời kỳ hội nhập, văn hóa không chỉ là tài sản để cất giữ, để tự hào mà phải được coi là “sức mạnh mềm” của đất nước để có thể mở rộng hợp tác và cạnh tranh bình đẳng trên trường quốc tế. Đẩy mạnh ngoại giao văn hóa không chỉ để quảng bá, giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra thế giới mà phải có tính toán dài hơi và hiệu quả, trong đó đặc biệt coi trọng thế mạnh của con người Việt Nam, khích lệ sáng tạo những giá trị văn hóa mới.

GS Vũ Minh Giang lấy ví dụ, show diễn thực cảnh lớn nhất Việt Nam Ký ức Hội An với 500 diễn viên những ngày đầu rất chật vật để duy trì, không được ủng hộ ngay, nhưng đến giờ cũng đã có lợi nhuận thu về và quan trọng là đã trở thành một sản phẩm văn hóa, đủ sức hấp dẫn, góp phần thu hút khách quốc tế đến Hội An.

Chúng ta đang nói nhiều đến câu chuyện “công nghiệp văn hóa”, biến văn hóa thành tài nguyên có thể khai thác, có quy trình khai thác, tạo ra các sản phẩm văn hóa đủ sức hấp dẫn, đem lại lợi nhuận, góp phần xây dựng đất nước và địa phương. Chẳng hạn, Hà Nội có nhiều di tích; di sản vật thể, phi vật thể nhưng việc phát huy “sức mạnh mềm”, làm sống dậy các di tích, di sản này rất hạn chế. Trận đánh Ngọc Hồi - Đống Đa đã đập tan mộng xâm lược của quân Thanh, giữ vững nền độc lập dân tộc, khẳng định nghệ thuật quân sự tuyệt vời của nghĩa quân Tây Sơn, đặc biệt là tài cầm quân thiên tài của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ. Nhưng đến giờ chúng ta chỉ còn Gò Đống Đa và địa danh đó, và Hà Nội một năm tổ chức giỗ trận một lần rất to vào ngày mồng 5 Tết rồi 364 ngày còn lại hương lạnh khói tàn. Thay vì như thế, tại sao chúng ta không xây dựng các sản phẩm văn hóa xung quanh sự kiện này? Ví dụ tái tạo trận đánh bằng một loại hình nghệ thuật nào đó, nhưng chúng ta chưa thực sự quyết tâm làm điều này.

“Việt Nam là một quốc gia có nền văn hiến lâu đời và rực rỡ, có truyền thống dựng nước và giữ nước vô cùng vẻ vang. Lịch sử đã để lại cho chúng ta một truyền thống hào hùng và vô vàn những di tích, di sản quý giá, đồ sộ. Tuy nhiên bấy lâu nay, chúng ta mới dừng ở mức bảo tồn, trân trọng giữ gìn và tôn tạo bằng những khoản kinh phí hạn chế. Chưa có nhiều lắm các giải pháp khoa học, với quyết tâm chính trị để biến những di sản đó thành tài nguyên văn hóa tham gia vào công cuộc phát triển đất nước. Tôi cho rằng, đây chính là thời cơ chúng ta phải tận dụng để những mong muốn đó, khát vọng cao quý đó biến thành sự thực”, GS Vũ Minh Giang kỳ vọng.

 

 Thực tế cho thấy, thượng bất chính - hạ tắc loạn, nếu người đứng đầu không làm gương thì sẽ không tạo được sự nể phục, kính trọng đối với cấp dưới. Bản thân họ không gương mẫu thì mọi lời nói, việc làm đều không có giá trị trước cấp dưới. Việc mất uy tín của người đứng đầu là một phần, song đau đớn hơn là niềm tin của nhân dân vào tổ chức và rộng ra là niềm tin vào Đảng, Nhà nước bị phai nhạt thì nguy hiểm biết chừng nào! Văn hóa làm gương của người đứng đầu được coi trọng thì không chỉ người lãnh đạo ấy được cấp dưới yêu mến, quý trọng mà còn là động lực mạnh mẽ cho cấp dưới sẵn sàng đem hết trí tuệ ra để xây dựng và phát triển cơ quan, đất nước.

(GS.TS LÊ HỒNG LÝ, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam)

 

 PHƯƠNG ANH - NGUYỄN ANH

 (Còn nữa)

Ý kiến bạn đọc