Khánh Hòa: Tổ chức lễ hội dân gian xứng tầm để thu hút du khách

VHO-“Sở VHTT tỉnh phải nhanh chóng phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, tìm giải pháp để nâng tầm Lễ hội Cầu ngư thành lễ hội riêng biệt, xứng tầm, để thu hút du khách. Đây là hoạt động nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, du khách và thể hiện được những nét văn hóa đặc trưng của người dân miền biển Khánh Hòa”.

Đó là chỉ đạo của ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa tại buổi họp tổng kết Chương trình Festival Biển Nha Trang 2023 mới đây.

Khánh Hòa: Tổ chức lễ hội dân gian xứng tầm để thu hút du khách - Anh 1

Nghi thức trong Lễ hội Cầu ngư diễn ra tại Khánh Hòa

“Việc tái hiện Lễ hội Cầu ngư với thời gian ngắn, không gian hẹp tại chương trình Festival Biển Nha Trang 2023 là chưa xứng tầm, chưa có sự tương tác, gắn kết giữa những người trình diễn với khán giả. Cần phải tổ chức Lễ hội Cầu ngư thành một lễ hội thật quy mô để gia tăng tính quảng bá, trở thành một sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng của Khánh Hòa để thu hút người dân, du khách đến hàng năm”, ông Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh.

Ngoài Lễ hội Cầu ngư, ông Nguyễn Tấn Tuân còn đề nghị các Sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh nghiên cứu tổ chức Lễ hội Yến sào Khánh Hòa tương xứng, có quy mô rộng để quảng bá thương hiệu yến sào đến người dân du khách trong nước và quốc tế. “Lễ hội Yến sào được Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa phối hợp với các Sở, ngành tổ chức hàng năm, nhưng chưa tương xứng nên cần tổ chức lễ hội quy mô lớn hơn, để quảng bá đến người dân trong nước và quốc tế”, ông Nguyễn Tấn Tuân nói.

Khánh Hòa: Tổ chức lễ hội dân gian xứng tầm để thu hút du khách - Anh 2

Hò Bá Trạo trong Lễ hội Cầu Ngư

Lễ hội Cầu ngư mang đậm chất văn hóa dân gian vùng biển, hàng năm khi vào mùa biển mới, ngư dân vùng biển Khánh Hòa và các tỉnh Duyên hải miền Trung tổ chức lễ hội. Theo đó, Lễ hội Cầu ngư diên ra vào khoảng thời gian sau Tết Nguyên đán, khi bước vào mùa biển mới, nhằm tạ ơn thần Nam Hải (cá voi) đã phù trợ cho ngư dân trong những chuyến ra khơi, tưởng nhớ các bậc tiền nhân, đồng thời cầu quốc thái dân an, mong được mùa trong vụ biển mới.

 Phần quan trọng nhất của Lễ hội Cầu ngư là nghi thức cúng tế tại lăng thờ thần Nam Hải. Chủ trì nghi thức này gồm có 4 ông: chánh tế, bồi tế, tả ban và hữu ban cùng 4 học trò lễ dâng rượu và đèn. Lễ hội Cầu ngư mở đầu bằng rước thần Nam Hải về lăng. Kết thúc lễ hội là lễ cúng Tống Na, tức tiễn thần đi. Lễ hội Cầu ngư là một hoạt động văn hóa mang tính tín ngưỡng trong đời sống tâm linh của người dân vùng biển, đặc biệt là vùng duyên hải Nam Trung Bộ, bắt nguồn từ tục thờ thần Nam Hải.  Tháng 6.2014, Lễ hội Cầu ngư ở Khánh Hòa đã được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Khánh Hòa: Tổ chức lễ hội dân gian xứng tầm để thu hút du khách - Anh 3

[EasyDNNGallery|143446|Width|800|Height|600|position||resizecrop|False|lightbox|False|title|False|description|False|redirection|False|LinkText||

Lễ hội Cầu ngư trên đường phố Nha Trang

Ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sờ VHTT tỉnh Khánh Hòa, cho biết: Lễ hội Cầu ngư và tục thờ thần Nam Hải đã thể hiện được nét đẹp văn hóa dân gian của cư dân miền biển. Lễ hội này còn hội tụ các loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống, diễn xướng dân gian như: Hát Bộ, hò Bá Trạo, múa Siêu và các trò chơi dân gian tạo thành một bức tranh sinh động, đa sắc của ngày hội làng biển. Hơn thế nữa, các tuồng tích, trò diễn được trình diễn trong lễ hội này đều là những vốn quý được nhân dân Nam Trung Bộ sáng tạo, trao truyền và gìn giữ bao đời nay.

Lễ hội Cầu ngư được tái hiện dưới hình thức tế lễ, trò diễn dân gian, các loại hình nghệ thuật truyền thống và cũng từ đó nó trở thành chiếc nôi, nguồn sữa nuôi dưỡng vốn văn hóa dân gian, truyền thống của miền đất Nam Trung Bộ nói chung và Khánh Hòa nói riêng, góp phần tạo nên nền tảng để xây dựng bản sắc văn hóa miền đất Nam Trung Bộ.

XUÂN HƯỚNG

Ý kiến bạn đọc