Thụy Sĩ hỗ trợ phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam

VHO- Phiên họp tham vấn xây dựng văn kiện Dự án Thụy Sĩ vì sự Phát triển Bền vững tại Việt Nam (ST4SD) do Cục kinh tế Liên Bang Thụy Sĩ (SECO) tài trợ vừa diễn ra tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh).

Thụy Sĩ hỗ trợ phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam - Anh 1

Các đại biểu tham dự phiên họp tham vấn xây dựng văn kiện Dự án Thụy Sĩ vì sự Phát triển Bền vững tại Việt Nam (ST4SD)

Dưới sự chủ trì của lãnh đạo Tổng cục Du lịch, đại diện SECO, Giám đốc Dự án ST4SD, phiên họp thu hút hơn 50 chuyên gia, nhà nghiên cứu du lịch, các cơ quan quản  lý nhà nước về du lịch ở Trung ương, địa phương đến dự và cho ý kiến, bao gồm các thành viên Tổ công tác xây dựng văn kiện dự án của TCDL, đại  diện một số Vụ, đơn vị của TCDL, thành viên nhóm công tác Dự án ST4SD, đại diện cơ  quan quản lý du lịch, hiệp hội du lịch một số tỉnh, thành phố dự kiến sẽ triển khai dự án  như: Cần Thơ, Đồng Tháp, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Hà Giang, các chuyên gia du lịch và các đối tác có liên quan. 

Dự án này sẽ được thực hiện từ năm 2023-2027. Hiện nay, đang trong giai đoạn chuẩn bị hoàn thiện Dự án (từ tháng 4- 9.2023). Helvetas Việt Nam cùng với Trung tâm Phát triển Kinh tế nông thôn (CRED) với tư cách là các đơn vị được giao triển khai thực hiện dự án đang phối hợp với Tổng cục Du lịch (TDCL-VNAT)  xây dựng Văn kiện dự án trình Lãnh đạo Bộ VHTTDL phê duyệt. Dự án được đề xuất vào thời điểm quan trọng với ngành Du lịch Việt Nam khi Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam và Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 mới được phê duyệt. Bên cạnh đó, Dự án cũng có thể hỗ trợ giải quyết những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với ngành Du lịch Việt Nam.

Khi thực hiện, Dự án ST4SD sẽ củng cố tính bền vững và toàn diện của ngành Du lịch Việt Nam thông qua ba kết quả tổng thể: Hỗ trợ cấp quốc gia trong việc tích hợp được nhu cầu ngành vào công tác xây dựng và triển khai các chính sách công thông qua kênh đối thoại công tư; xây dựng và phát triển chương trình đào tạo quản trị du lịch cho đối tượng trung và cao cấp với kinh nghiệm đến từ các chuyên gia hàng đầu Thụy Sĩ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành; và hỗ trợ các điểm đến địa phương theo hướng quy hoạch và phát triển sản phẩm bền vững.

Thụy Sĩ hỗ trợ phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam - Anh 2

Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại phiên họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhấn mạnh, đây là hỗ trợ kịp thời trong bối cảnh ngành Du lịch Việt Nam đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch Covid-19. Đồng thời, hoan nghênh Chính phủ Thụy Sĩ đã quyết định hỗ trợ cho ngành Du lịch Việt Nam thông qua dự án Phát triển du lịch bền vững (ST4SD).

Ông Hà Văn Siêu cho biết, Thụy Sĩ là đất nước có ngành Du lịch phát triển và nổi tiếng hàng đầu thế giới, có nhiều cảnh quan, tài nguyên du lịch tương đồng với Việt Nam như: du lịch núi, du lịch nông thôn… Các cơ sở đào tạo du lịch tại Thụy Sỹ được biết đến là những trường đào tạo kỹ năng nghề uy tín, được nhiều du học sinh quốc tế lựa chọn học tập về các ngành như quản trị khách sạn, quản trị nhà hàng và chế biến, du lịch và lữ hành,… trong đó có nhiều du học sinh Việt Nam đang theo học.

Phó Tổng cục trưởng kỳ vọng, thông qua dự án này, bằng sự tài trợ của Chính phủ Thụy Sĩ, kinh nghiệm quản lý và phát triển du lịch tiên tiến, trình độ đào tạo cao sẽ được chuyển giao cho ngành Du lịch Việt Nam. Dự án sẽ được thực hiện theo đúng thủ tục của Nghị định số 20/2023/NĐ-CP ngày 04.5.2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 114/2021/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của Nhà tài trợ nước ngoài. Và theo quy định của Nghị định, dự án sẽ thực hiện theo hình thức “Nhà tài trợ nước ngoài trực tiếp quản lý toàn bộ chương trình, dự án”.

Dự án ST4SD có mục tiêu hỗ trợ xây dựng chính sách và quy hoạch phát triển du lịch bền vững phù hợp với tình hình thực tế du lịch Việt Nam. Thông qua dự án, doanh nghiệp và những người dân địa phương trực tiếp làm du lịch có cơ hội nâng cao nhận thức, bồi dưỡng năng lực. Đồng thời, hướng tới việc thay đổi ứng xử trong việc bảo vệ, quản lý và góp phần xây dựng môi trường sinh thái đa dạng hơn. Dự án cũng tập trung phát triển các mô hình kinh doanh, sản phẩm du lịch bền vững. Qua đó, dự án hướng tới phát triển du lịch bền vững, toàn diện, tuần hoàn và gắn với bảo tồn thiên nhiên và nâng cao đời sống của người dân.

Thụy Sĩ hỗ trợ phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam - Anh 3

Toàn cảnh phiên họp tham vấn xây dựng văn kiện Dự án Thụy Sĩ vì sự Phát triển Bền vững tại Việt Nam (ST4SD)

Các đại biểu dự họp tập trung vào việc làm rõ nội dung các công việc và cách thức triển khai trong 4 năm để đạt được mục tiêu chính của Dự án là đóng góp vào sự phát triển bền vững ngành Du lịch Việt Nam; tạo ra sinh kế mới cho cộng đồng địa phương; đóng góp vào việc phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu bao trùm này, dự án tập trung vào việc triển khai để đạt được kết quả của 3 hợp phần chính sau: Hợp phần 1: Tăng cường năng lực phát triển du lịch bền vững thông qua việc hỗ trợ kỹ thuật trong việc xây dựng các chính sách, kế hoạch hành động và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch bền vững. Hợp phần thứ 2: Tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo du lịch được lựa chọn ở Việt Nam bằng việc cùng các chuyên gia hàng đầu Thuỵ Sĩ/quốc tế và Việt Nam xây dựng các chương trình đào tạo nhắm đến đối tượng quản lý trung và cao cấp trong ngành Du lịch. Hợp phần thứ 3: Khuyến khích các điểm đến và doanh nghiệp du lịch áp dụng  các giải pháp bền vững hơn trong hoạt động và đầu tư, xây dựng thương hiệu điểm đến và doanh nghiệp du lịch bền vững, có trách nhiệm với môi trường và xã hội. 

Trên cơ sở kết quả phiên họp, các thành viên dự án ST4SD tiếp tục phối hợp với  Tổng cục Du lịch hoàn chỉnh nội dung dự thảo Văn kiện Dự án, dự kiến trình Lãnh đạo Bộ VHTTDL thông qua vào đầu tháng 7.2023.

Helvetas Việt Nam và CRED là các đơn vị đã có nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai các dự án về phát triển du lịch, phát triển cộng đồng, tạo sinh kế cho người dân địa phương thông qua các chương trình hỗ trợ kỹ thuật về nông nghiệp, xuất khẩu, xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững ở các khu vực nông thôn, miền núi Việt Nam. Đồng  hành cùng Helvetas Việt Nam và CRED trong Dự án này là 2 đối tác lớn về du lịch của Thụy Sỹ gồm: Trường đại học Lausanne (EHL Hospitality Hotel Business and  Management School), cơ sở đào tạo hàng đầu và lâu đời nhất trên thế giới về quản lý khách sạn, du lịch; Trường đại học về nghệ thuật và khoa học ứng dụng Lucerne (HSLU), đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong việc tư vấn chính sách, quản lý điểm đến và  hỗ trợ phát triển du lịch ở nhiều quốc gia trên thế giới.

BẢO AN

Ý kiến bạn đọc