Phổ biến giáo dục pháp luật về VHTTDL cho đồng bào dân tộc thiểu số: Ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu

VHO - Phải nói cái đồng bào cần nghe, muốn nghe, không nên nói cái mình muốn nói; phải nói một cách dung dị, ngắn gọn, dễ hiểu, không nói tràng giang đại hải; phải đi từ những câu chuyện đời thường, xung quanh đồng bào, không phải những lý luận hàn lâm... Đó là những điều được đúc rút ra từ Hội thảo khoa học "Thực trạng và giải pháp đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về văn hoá, thể thao, du lịch cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới phía Bắc" được Vụ Pháp chế, Bộ VHTTDL tổ chức ngày 27.6 tại Hà Nội.

Đã có nhiều chuyển biến về cả nội dung và hình thức

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VHTTDL cho biết, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) được quan tâm, chú trọng và tăng cường hơn đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới phía Bắc, những yếu tố đặc thù về đối tượng, vùng miền đã được chỉ đạo điều hành, đồng thời từng bước bảo đảm nguồn lực thực hiện.

Phổ biến giáo dục pháp luật về VHTTDL cho đồng bào dân tộc thiểu số: Ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu - Anh 1

Quang cảnh Hội thảo

Hằng năm, Bộ VHTTDL ban hành Chương trình, Kế hoạch PBGDPL của Bộ, của ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Trong đó có nội dung chỉ đạo, hướng dẫn riêng về PBGDPL đối với đồng bảo vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Căn cứ vào Chương trình, Kế hoạch PBGDPL của ngành, Sở VHTTDL, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch các tỉnh biên giới phía Bắc đã xây dựng Kế hoạch PBGDPL hằng năm của Sở phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Về nội dung, hình thức PBGDPL bước đầu được đổi mới đa dạng, thiết thực, hiệu quả hơn, hướng tới đồng bào các dân tộc thiểu số, biên giới phía Bắc, phát huy vai trò, đặc thù của hoạt động VHTTDL, nhất là lồng ghép PBGDPL trong các hoạt động văn hóa ở cơ sở.

Cụ thể, về nội dung PBGDPL, theo ông Nguyễn Thanh Sơn, để  triển khai chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ và UBND các tỉnh biên giới phía Bắc, các Sở đã ban hành và triển khai kế hoạch công tác PBGDPL tập trung các nội dung về chủ trương, quan điểm, chính sách trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20.5.2021 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị Quyết Đại hội XIII, Đề án "Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch" giai đoạn 2021 - 2025, hướng dẫn thực hiện các quy định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trong cộng đồng dân cư và tuyên truyền để việc xây dựng, thực hiện hương ước đảm bảo các quy định của pháp luật và phát huy vai trò trong đời sống xã hội...

Nhìn chung, đã có sự chuyển hướng nội dung tập trung vào các vấn đề thời sự, vấn đề người dân quan tâm. Nội dung PBGDPL đổi mới, đang dạng, thiết thực, hiệu quả hơn, hướng tới nhiều đối tượng, nhất là khu vực địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh.

Về hình thức PBGDPL, đã chú trọng các hình thức phù hợp với đối tượng, nội dung và điều kiện thực tế như: Tổ chức hội nghị, tập huấn, in tài liệu, cổ động trực quan, thi tìm hiểu pháp luật, đối thoại chính sách, pháp luật, thông tin bảo chí, cung cấp thông tin, giải đáp pháp luật trên cổng/trang thông tin điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng, thiết bị di động và môi trường mạng đảm bảo an ninh, tiết kiệm, hiệu quả.

Phổ biến giáo dục pháp luật về VHTTDL cho đồng bào dân tộc thiểu số: Ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu - Anh 2

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế nêu những kết quả và hạn chế trong công tác PBGDPL

Thông qua hoạt động PBGDPL với nhiều hình thức đa dạng đã tạo điều kiện cho đồng bảo các dân tộc thiểu số vùng biên giới phía Bắc tiếp cận các chính sách pháp luật của trung ương và địa phương trong lĩnh vực ngành VHTTDL, tạo sự chuyển biến về nhận thức trong việc tuân thủ, chấp hành pháp luật của nhân dân.

Với đặc thù vừa là nhiệm vụ, vừa là thế mạnh của ngành VHTTDL, các hoạt động văn hóa, văn nghệ được lồng ghép với các hoạt động PBGDPL được thực hiện cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân.

Phải nói những điều đồng bào cần nghe, muốn nghe

Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng trong công tác PBGDPL, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Sơn, công tác này vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Thể hiện qua việc, một số nội dung, hình thức PBGDPL được tổ chức thực hiện với đồng bào DTTS vùng biên giới phía Bắc còn chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, chưa thực sự phát huy lợi thế, sức mạnh của văn hóa trong PBGDPL, chưa nhân rộng được hình thức PBGDPL có hiệu ứng lan tỏa mạnh để phát huy vai trò chủ động tìm hiểu pháp luật của Nhân dân.

Hoạt động PBGDPL đôi lúc còn mang tính thời sự, nặng về phong trào, chưa gắn kết với thực tiễn, nhu cầu, thời điểm vùng đồng bào DTTS, biên giới phía Bắc; các hình thức PBGDPL theo hướng ứng dụng CNTT hiện đại cho người dân chưa được sử dụng hiệu quả.

Do trình độ dân trí, điều kiện địa lý ở các vùng miền, khu vực là khác nhau, do vậy việc PBGDPL cũng đòi hỏi phải có sự linh hoạt trong triển khai công việc. Tuy nhiên, thực tế không phải đơn vị, địa phương nào cũng linh hoạt khi triển khai PBGDPL, dẫn đến không đạt hiệu quả như mong muốn.

Phổ biến giáo dục pháp luật về VHTTDL cho đồng bào dân tộc thiểu số: Ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu - Anh 3

Đại biểu Hoa Hữu Vân đề cao vai trò của gia đình trong PBGDPL

Cách thức tiếp cận, triển khai các hoạt động PBGDPL chuyên biệt, qua các hoạt động thực tiễn pháp lý của các chủ thể vẫn nặng tính truyền thống, chủ yếu xuất phát từ ý chí, mong muốn từ phía cơ quan quản lý nhà nước để phục vụ nhu cầu quản lý xã hội mà chưa xuất phát từ nhu cầu, mong muốn của người dân, gắn với quyền, nghĩa vụ của các chủ thể trong tình huống, sự kiện pháp lý cụ thể. Việc tiếp cận các hoạt động PBGDPL vẫn còn nặng từ trên xuống, tạo tâm lý trông chờ, thụ động trong công tác PBGDPL của cấp cơ sở.

Phát biểu tại Hội thảo, đại biểu Hoa Hữu Vân, nguyên Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VHTTDL) cho rằng, cần nhắm đến đối tượng đích là hộ gia đình. Bởi vì, đối với đồng bào dân tộc, có đặc điểm là tính cố kết, rất coi trọng gia đình. Mỗi dân tộc có sắc thái riêng, nhưng đều gắn kết với luật tục. Phương thức sản xuất của đồng bào các dân tộc thiểu số phía Bắc gắn liền với nông nghiệp nên các thành viên trong gia đình cùng làm với nhau, chỉ bảo nhau. Do đó, công tác PBGDPL đi từ hộ gia đình, sẽ đạt hiệu quả cao hơn là làm chung chung.

Đại biểu Trần Thị Bích Huyền, Phó vụ trưởng Vụ Văn hoá dân tộc (Bộ VHTTDL) chỉ ra rằng, đối với bà con, chúng ta không tuyên truyền kiểu hàn lâm, chỉ cần nói  trúng và đúng, tất cả thông điệp đều ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu thì sẽ đạt hiệu quả thiết thực.

Bà Huyền cũng cho rằng, việc PBGDPL có thể thông qua nhiều hình thức như việc sử dụng hương ước, quy ước. Bất cứ ai vi phạm hương ước, quy ước, sẽ bị cộng đồng quay lưng, khi nhà có việc sẽ không ai đến, đó là sự trừng phạt rất “đáng sợ”. Đối với lĩnh vực văn hoá, thông qua các mô hình: Mô hình câu lạc bộ văn hoá, văn nghệ, câu lạc bộ bảo tồn văn hoá, văn nghệ dân gian,… các buổi sinh hoạt CLB, sẽ tuyên truyền PBGDPL, đưa chủ trương, đường lối của Đảng và nhà nước đến với bà con. Đối với bà con, phải mưa dầm thấm lâu, không thể đột phá ngay lập tức. Phải đưa pháp luật vào cuộc sống của bà con bằng chính những buổi sinh hoạt cộng đồng.

Phổ biến giáo dục pháp luật về VHTTDL cho đồng bào dân tộc thiểu số: Ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu - Anh 4

Đại biểu Trần Thị Bích Huyền cho rằng cần nói nói trúng, nói đúng

Đồng quan điểm, ông Đỗ Duy Anh, nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) đề cao vai trò của những tiểu phẩm được xây dựng từ chính những câu chuyện thực tế của bà con. Bà con sẽ phấn khởi khi được xem những thước phim về chính mình, về những người xung quanh mình, chứ không phải là xem những câu chuyện đâu đâu.

Để đổi mới công tác PBGDPL về văn hoá, thể thao, du lịch cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới phía Bắc, ông Nguyễn Thanh Sơn nêu ra các nhóm giải pháp cơ bản như: Giải pháp về đổi mới nội dung PBGDPL; giải pháp về đổi mới phương thức PBGDPL; giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác PBGLPL và các giải pháp tổng hợp.

Trong đó, cần biên soạn nội dung PBGDPL phù hợp đối tượng, địa bản, thời điểm...; tiếp tục đa dạng hóa các hình thức PBGDPL phù hợp với nội dung, địa bản, điều kiện thực tiễn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới phía Bắc; nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác PBGDPL, cần củng cố, kiện toàn nhân lực làm công tác PBGDPL ngành, báo cáo viên trung ương, báo cáo viên các cấp địa phương; bố trí nguồn lực ưu tiên, phù hợp; tích hợp, lồng ghép các hoạt động và ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Thanh Sơn, để công tác GDPBPL về văn hoá, thể thao, du lịch cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới phía Bắc đạt hiệu quả cao, cần khuyến khích các hình thức PBGDPL dung dị, đơn giản nhưng sâu sắc và giàu thông điệp, các hình thức truyền thông là thế mạnh của ngành VHTTDL như ca nhạc, phim ảnh, nghệ thuật biểu diễn,…

HOÀNG HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc