Tạo thương hiệu điểm đến "Yên Bái - Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc” (Bài 2): Khác biệt và bền vững

VHO - Yên Bái xác định du lịch là động lực, là một trong những ngành kinh tế quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bởi vậy, tỉnh đã và đang ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch (SPDL) đặc thù, chất lượng, bản sắc, xanh, thân thiện với môi trường để tạo sự khác biệt, bền vững, gắn với lợi ích cộng đồng, góp phần định vị thương hiệu du lịch, đưa Yên Bái trở thành điểm đến không thể thiếu trong hành trình khám phá Tây Bắc của du khách.

Tạo thương hiệu điểm đến

Đoàn Presstrip khảo sát, xây dựng các sản phẩm du lịch mới tại tỉnh Yên Bái

Nâng chất SPDL hiện tại, phát triển SPDL mới

Thời gian qua, Yên Bái đã quan tâm phát huy tài nguyên du lịch bằng nhiều giải pháp hiệu quả, khả thi. Nhiều điểm du lịch, di tích lịch sử, văn hóa được đầu tư, tôn tạo, góp phần đa dạng sản phẩm du lịch của tỉnh. Giám đốc Sở VHTTDL Lê Thị Thanh Bình cho biết: “Yên Bái từng bước xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch khác biệt nhằm tạo sức hút, nhất là đối với SPDL sinh thái, du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm. Hơn nữa, công tác xúc tiến, quảng bá giới thiệu thế mạnh, tiềm năng, thu hút đầu tư phát triển du lịch địa phương cũng được đẩy mạnh”. Cuối tháng 5 vừa qua, tỉnh đã đón đoàn Presstrip khảo sát, xây dựng các sản phẩm du lịch mới tại tỉnh Yên Bái thông qua trải nghiệm hai tour mẫu. Đồng thời tổ chức Hội thảo phát triển SPDL tỉnh Yên Bái năm 2023 để đánh giá những tiềm năng, lợi thế, làm rõ những giải pháp để phát triển du lịch Yên Bái, đặc biệt là phát triển và hoàn thiện các sản phẩm, tour du lịch đặc trưng, riêng biệt và đặc sắc theo hướng rõ sản phẩm, đảm bảo chất lượng, bền vững. 

Anh Đặng Trần Hiếu, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Tâm Đạo, đơn vị đang sở hữu các kênh truyền thông liên quan tới sản phẩm Trà và du lịch Yên Bái chia sẻ những cảm nhận về Yên Bái sau chuyến fresstrip: “Với tôi, cảnh quan kỳ vĩ cùng văn hóa bản địa đặc sắc, Yên Bái dễ dàng làm say đắm bất cứ du khách nào đặt chân đến. Song để thương hiệu du lịch Yên Bái được biết đến nhiều hơn nữa, tôi mong muốn Yên Bái sẽ có các SPDL đặc sắc, có sự kết nối các tour du lịch trong và ngoài tỉnh để giúp du khách có trải nghiệm trọn vẹn nhất khi đến với Yên Bái. Và sau chuyến đi này, tôi chắc chắn một điều rằng, du lịch Yên Bái sẽ là điểm đến không thể thiếu trong hành trình các tour du lịch mà tôi sẽ giới thiệu cho du khách”.

Tạo thương hiệu điểm đến

Du khách thích thú tham gia các trò chơi tại điểm du lịch hồ Thác Bà

Cùng với ngành du lịch, các địa phương trong tỉnh cũng đang nỗ lực đưa mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Được xác định là một trong ba vùng văn hóa đặc sắc của tỉnh Yên Bái, thời gian qua, lãnh đạo huyện Yên Bình đã có nhiều chuyến khảo sát thực tế về công tác triển khai, tái tạo không gian văn hóa cộng đồng dân tộc Tày khu vực sông Chảy; việc xây dựng các tour khám phá và trải nghiệm núi Ngà; du lịch nông nghiệp trên địa bàn các xã, thị trấn của huyện. Bí thư Huyện ủy An Hoàng Linh cho biết: “Để đạt mục tiêu đến năm 2025 đón khoảng 380.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 40.000 lượt, doanh thu từ du lịch đạt 300 tỉ đồng, cùng với xây dựng các SPDL đặc thù, Yên Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng, lợi thế để thu hút mời gọi các tập đoàn. Đồng thời tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, kết nối các điểm đến để hình thành các tour, tuyến du lịch thu hút du khách trong nước và quốc tế”.

Ngoài SPDL đã hình thành, Yên Bái chú trọng phát triển một số SPDL mới, trong đó định hướng và phát triển các sản phẩm du lịch chủ yếu tại bốn vùng du lịch trọng điểm. Nổi bật như: phát triển du lịch sinh thái, sản phẩm khám phá “Âm vang hồ Thác Bà” với các hoạt động vui chơi giải trí dưới nước; tham quan, trải nghiệm tại các làng nghề; phố ẩm thực. Cùng với đó là các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, săn mây; các trò chơi mạo hiểm; phát triển du lịch hiking (loại hình đi bộ đường dài) và du lịch canh nông…

Người dân tham gia và hưởng lợi từ du lịch

Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch đồng bộ, nhất là du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng phù hợp với bản sắc địa phương trên địa bàn tỉnh đã tạo thêm “xung lực” để người dân cùng đầu tư và hưởng lợi từ du lịch. Homestay "Hello Mù Cang Chải" ở xã La Pán Tẩn của chàng trai người Mông Giàng A Dê ở huyện Mù Cang Chải hoạt động hiệu quả đã truyền cảm hứng và làm đổi thay tư duy làm du lịch cho bà con vùng cao. Đến với "Hello Mù Cang Chải", khách du lịch rất thích thú, đặc biệt là du khách người ngoại quốc bởi họ được tham gia trải nghiệm nấu ăn cùng người bản địa, đi bắt cá suối, tham gia cày cấy trên ruộng bậc thang, làm thổ cẩm… Anh Dê cho hay: “Đến nay, homestay đón khoảng 1.300 lượt khách mỗi năm mang lại doanh thu khoảng 650 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho 7 thanh niên thường xuyên và trên 70 người dân bản địa theo thời vụ như xe ôm, hướng dẫn viên, porter. Tôi cũng liên kết các tổ hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông sản như: trồng rau, nuôi gà, lợn, cá, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ các hộ dân trong xã, trong huyện phát triển du lịch cộng đồng để tăng thu nhập”.

Tạo thương hiệu điểm đến

Yên Bái ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng, bản sắc, xanh, thân thiện với môi trường

Cùng với du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng của Yên Bái cũng mang lại hiệu quả rõ rệt, tạo cơ hội cho cộng đồng địa phương có thu nhập trực tiếp từ hoạt động du lịch. Yên Bình đón du khách với màu xanh mướt của những ruộng dưa trên những đảo hồ Thác Bà để du khách tự tay thu hái, thưởng thức ngay trên cánh đồng hoặc cùng lạc vào thiên đường bưởi ở nơi có loại quả đặc sản nức tiếng ở xã Đại Minh; trải nghiệm một ngày làm ngư dân trên hồ Thác; trải nghiệm công việc hái nho ở thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên; khám phá vẻ đẹp hồ và Đầm sen Vân Hội, huyện Trấn Yên… Mô hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái đã đem lại nhiều giá trị tích cực, làm cho các sản phẩm nông nghiệp gia tăng giá trị, tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con nông dân. Đồng thời mang đến cho du khách những trải nghiệm mới mẻ, thú vị. 

Chị Phạm Ngọc Trang, du khách đến từ Hà Nội khi được trải nghiệm hái dưa hấu cùng bà con vùng hồ Thác Bà hào hứng: “Khi đến đây, chúng tôi không chỉ được ngắm cảnh đẹp, hít thở không khí trong lành, cảm nhận được sự bình yên mà còn được hòa mình vào công việc thường ngày của bà con, cũng như ghi lại những khoảnh khắc đẹp của bản thân. Tôi vô cùng ấn tượng”. 

Ông Đào Đức Hiếu, Giám đốc Hợp tác xã Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng cho rằng: “Yên Bái được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều phong cảnh đẹp, đa dạng, còn khá nguyên sơ. Đây chính là lợi thế để chúng tôi khai thác, phát triển du lịch sinh thái. Thực tế, Không gian văn hóa trà Suối Giàng thời gian qua đã thu hút hàng ngàn du khách đến trải nghiệm, nghỉ dưỡng”.

Ưu tiên phát triển SPDL đặc thù, chất lượng, bản sắc, xanh, thân thiện với môi trường để tạo sự khác biệt, bền vững, gắn với lợi ích cộng đồng bước đầu giúp du lịch Yên Bái xác định được từng bước đi vững chắc, tạo cơ sở hướng tới là điểm đến không thể thiếu trong hành trình khám phá Tây Bắc của du khách.

Với điều kiện tự nhiên và giao thông tương đối thuận lợi, hệ thống cơ sở hạ tầng về du lịch của Yên Bái từng bước phát triển với trên 520 cơ sở lưu trú, trong đó có 23 cơ sở lưu trú xếp hạng 1-3 sao; 226 cơ sở homestay trên địa bàn toàn tỉnh; nguồn nhân lực du lịch có gần 8.000 người… đây là nền tảng quan trọng để tỉnh phát triển hệ thống SPDL đặc thù, SPDL chính hấp dẫn.

THANH CHI

Ý kiến bạn đọc