Phát triển con người vì mục tiêu chấn hưng văn hóa (Bài cuối): Mục tiêu lớn nhất là người dân hạnh phúc, đất nước mạnh giàu

VHO- Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện cần nhấn mạnh đến vấn đề xây dựng các hệ giá trị cốt lõi làm mục tiêu cho quá trình này. Mục tiêu cuối cùng là người dân hạnh phúc và đất nước hùng cường. Ở đó, chú trọng nhiều hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo; giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào và tự tôn về truyền thống và lịch sử dân tộc; ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của Việt Nam…

Phát triển con người vì mục tiêu chấn hưng văn hóa (Bài cuối): Mục tiêu lớn nhất là người dân hạnh phúc, đất nước mạnh giàu - Anh 1

Văn hóa Việt Nam với lịch sử hàng nghìn năm luôn là sức mạnh trường tồn của dân tộc Ảnh minh họa

 Chăm lo cho đội ngũ cán bộ làm văn hóa là yếu tố quan trọng hàng đầu

Phát triển con người vì mục tiêu chấn hưng văn hóa (Bài cuối): Mục tiêu lớn nhất là người dân hạnh phúc, đất nước mạnh giàu - Anh 2

Sinh thời, Bác Hồ từng nói “cán bộ là gốc của mọi công việc”. Cán bộ tốt thì công việc thành công, và ngược lại. Trong suốt cuộc đời của mình, Người luôn luôn quan tâm đến việc đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ cả về đạo đức và tinh thông nghiệp vụ. Đặc biệt, Bác luôn nhắc nhở tới việc “khéo dùng người”, phải đặt mỗi người vào đúng năng lực, sở trường, điều đó cũng là để tránh cho cán bộ phạm sai lầm, mắc khuyết điểm. Bác dặn: Bố trí cán bộ đúng việc, đúng người là cách phát huy tốt nhất năng lực, sở trường của họ. Điều này là bài học thời sự không bao giờ cũ, đặc biệt với sự phát triển của ngành Văn hóa trong giai đoạn hiện nay. Thực tế, nhiều nơi đã sai lầm khi đặt cán bộ làm văn hóa không đúng người, đúng việc. Bởi, làm văn hóa nhất định phải là người có tư chất văn hóa. Có thể họ không hát hay, sáng tác tốt nhưng bắt buộc phải có tư chất văn hóa thì mới hiểu việc, triển khai công việc trong thực tiễn một cách hiệu quả nhất.

Việc chăm lo, phát triển con người ở bất cứ lĩnh vực nào, trong đó có văn hóa luôn luôn cấp thiết. Chúng ta đang đối mặt với thách thức là một bộ phận không nhỏ cán bộ, viên chức sa vào những biểu hiện suy thoái đạo đức, tư tưởng, cần phải kiên quyết chống lại. Giải pháp là vừa xây dựng những tấm gương tốt, nhân lên những điển hình tiên tiến, vừa đẩy lùi những tiêu cực, suy thoái, từ đó tạo ra một môi trường làm việc lành mạnh, văn hóa cho mọi người. Những phong trào thi đua yêu nước có ý nghĩa quan trọng để thôi thúc con người nói chung, con người làm văn hóa nói riêng luôn khát khao cống hiến, cháy hết mình cho công việc.

Trong công cuộc chấn hưng nền văn hóa dân tộc, các giải pháp đặt ra cần phải đồng bộ. Một mặt, Đảng, Nhà nước phải tăng cường đầu tư cho văn hóa, không chỉ đầu tư về kinh phí mà cả đầu tư về con người. Mặt khác, mỗi cán bộ văn hóa phải làm tròn trách nhiệm của mình, năng động, sáng tạo khi gánh vác trên vai sứ mệnh “soi đường cho quốc dân đi”. Thời gian gần đây, mặc dù chưa được đầu tư nhiều nhưng chúng ta nhận thấy rõ ràng thành quả của toàn ngành Văn hóa, trong đó có thể thấy đội ngũ cán bộ toàn ngành đã hết mình để sáng tạo và cống hiến, bước đầu thu được những kết quả quan trọng, góp phần thay đổi nhận thức xã hội về vai trò, vị trí của văn hóa.

(TS CHU ĐỨC TÍNH, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Đã đến lúc chuyển lý thuyết “đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người” thành hiện thực sinh động

Phát triển con người vì mục tiêu chấn hưng văn hóa (Bài cuối): Mục tiêu lớn nhất là người dân hạnh phúc, đất nước mạnh giàu - Anh 3

Đóng góp vào sự phát triển của đội ngũ làm công tác văn hóa thời gian qua đã được khẳng định, nhưng ngay trong sự phát triển đó cũng đã và đang đặt ra nhiều vấn đề mới, đặc biệt khi văn hóa và người làm văn hóa đứng trước yêu cầu ngày càng cao và phức tạp với nhiều thách thức và cơ hội mới.

Để văn hóa là nguồn lực, động lực của toàn xã hội và từng con người, câu trả lời trước hết nằm ở công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, trọng dụng, đãi ngộ, sàng lọc để phát triển đội ngũ làm công tác văn hóa đủ phẩm chất và năng lực, tri thức và tài năng, đảm đương tốt lĩnh vực mang nhiều đặc thù này trong những năm tới.

Muốn có một quy hoạch cán bộ văn hóa thật khoa học và thực tiễn, việc rà soát đội ngũ và dự báo sự phát triển của văn hóa những năm tới là công việc hết sức cần thiết và công phu. Kết quả của sự rà soát, khảo sát đó sẽ cho ngành Văn hóa những chỉ số quan trọng, có căn cứ thực tiễn về xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa, trong đó đặc biệt là yêu cầu về cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu; về cán bộ chuyên môn trên các lĩnh vực cụ thể; về đội ngũ chuyên gia đầu ngành; về đội ngũ những người trẻ; về các tài năng… Đây là những nội dung mà lâu nay chúng ta còn thiếu và chưa có sự quan tâm đúng mức cần thiết. Cần rà soát toàn bộ hệ thống các trường đào tạo văn hóa, văn nghệ, đổi mới và hiện đại hóa quá trình, nội dung, phương thức đào tạo để trong 5-10 năm tới khắc phục về cơ bản sự thiếu hụt đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa.

Sẽ là nhắc lại, nhưng có lẽ không hề cũ về vấn đề chính sách, chế độ đối với đội ngũ này. Phải chăng cần tiếp tục xóa bỏ một số quan niệm, cách nhìn cũ đã “đóng băng” lâu nay để xây dựng lại, xây dựng mới các chính sách, chế độ đào tạo, bồi dưỡng, chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện để những người hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Đã đến lúc cần chuyển lý thuyết “đầu tư cho văn hóa là đầu

 tư cho phát triển, đầu tư cho con người” thực sự thành hiện thực sinh động trong cuộc sống. 

(GS.TS ĐINH XUÂN DŨNG, Nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương)

Văn hóa làm người là mục tiêu sống còn của phát triển văn hóa

Phát triển con người vì mục tiêu chấn hưng văn hóa (Bài cuối): Mục tiêu lớn nhất là người dân hạnh phúc, đất nước mạnh giàu - Anh 4

Nói đến văn hóa, thực chất là nói đến con người. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, nghĩa là trong tầm nhìn dài hạn hoặc theo lát cắt lịch đại, thì văn hóa làm ra con người, con người là sản phẩm của văn hóa. Nhưng khi được coi là mục tiêu, là động lực của sự phát triển thì văn hóa lại được xem xét trong tầm nhìn ngắn hạn hoặc theo lát cắt đồng đại, nghĩa là văn hóa là sản phẩm sáng tạo của con người. Con người là chủ thể sáng tạo ra văn hóa. Muốn sửa chữa, khắc phục những hạn chế, bất cập của văn hóa thì xuất phát điểm luôn phải bắt đầu từ con người, từ hành vi, hoạt động, kế sách của con người.

Để văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội… thì mục tiêu văn hóa phải được hoạch định ngay từ đầu bên cạnh mục tiêu kinh tế. Các công trình không chỉ sinh lời về kinh tế, không chỉ kiếm ra lợi nhuận mà còn phải bảo vệ được văn hóa, sinh lời về văn hóa và không làm hư hỏng con người.

Hiện nay, văn hóa làm người của “một bộ phận cán bộ, đảng viên”, như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII đã ghi, còn có vấn đề: “Trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý… nhận thức chưa đầy đủ tính chất, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật”. Điều đó là nguyên nhân sâu xa làm tổn hại sự lành mạnh của các quan hệ xã hội, quan hệ giữa người với người, thầy thuốc với người bệnh, thầy giáo với học trò, công an với nhân dân, nhân dân với cơ quan công quyền, cấp trên với cấp dưới…

Trong sự nghiệp phát triển văn hóa, văn hóa làm người bao giờ cũng là mục tiêu sống còn. Nếu văn hóa làm người mờ nhạt hay cực đoan thì xã hội giả dối hoặc bất an. Nếu văn hóa làm người lệch lạc hay méo mó thì xã hội chệch hướng và hỗn loạn. Nếu văn hóa làm người lành mạnh, trung thực thì lẽ phải được tôn trọng, xã hội phát triển bình thường, con người không lo âu vì bất hạnh vô cớ. Người giàu có niềm vui của sự giàu có; người thành đạt có hạnh phúc của sự thành đạt; người lao động bình thường có niềm vui dễ chịu của sự thanh bần, lương thiện.

Nhìn lại lịch sử phát triển hàng nghìn năm của xã hội Việt Nam, có thể thấy khả năng điều tiết của văn hóa Việt Nam ngay từ rất sớm đã tỏ ra là có đủ bản lĩnh và sức mạnh để đề kháng với những tác động tiêu cực từ bên trong và bên ngoài; tấn công lại và chiến thắng mọi cái xấu, cái ác. Trong số các dân tộc Bách Việt miền Nam sông Dương Tử, chỉ có Việt Nam là không bị đồng hóa bởi văn minh Hán dù phải trải qua hơn 1.000 năm Bắc thuộc. Không có ngoại lệ, trong tất cả các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam đều chiến thắng, dù đó là Tần, Hán, Tống, Nguyên, Minh, Thanh hay Pháp, Mỹ... Trong khi cả châu Á không có truyền thống thám hiểm biển cả thì từ rất sớm người Việt Nam đã chinh phục được Biển Đông, làm chủ được Hoàng Sa, Trường Sa, giữ vị trí giao điểm của các luồng văn minh. Việt Nam xưa nay luôn là mảnh đất dừng chân lập nghiệp và hội tụ của nhiều tôn giáo, nhiều phương thức sống, nhiều dạng văn minh. Văn minh Đông Sơn, văn minh Sa Huỳnh, văn minh Đại Việt từ Đinh, Lê đến tận thế kỷ XX trong tương quan với các nền văn minh, văn hóa bên ngoài, đương thời đều không thua kém bao nhiêu về trình độ phát triển.

Với nền văn hóa có bề dày truyền thống như vậy, các thế hệ con người Việt Nam hôm nay chắc chắn không hề thiếu những phẩm chất thông minh và sáng tạo, dũng cảm và bản lĩnh, hiếu học và cần cù, khoan dung và nhân hậu… cần thiết cho sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Và chắc chắn đó là những cơ sở để tin rằng văn hóa và con người Việt Nam đã có đủ điều kiện, tiềm năng và sức mạnh để thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước mà Đại hội Đảng XIII đã xác định.

(GS.TS HỒ SĨ QUÝ, Ủy viên Hội đồng khoa học Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam)

Xác định rõ các hệ giá trị kỳ vọng hay thực tiễn để thực hiện hiệu quả

Phát triển con người vì mục tiêu chấn hưng văn hóa (Bài cuối): Mục tiêu lớn nhất là người dân hạnh phúc, đất nước mạnh giàu - Anh 5

Việc xây dựng con người Việt Nam toàn diện những năm gần đây đã được đề cao, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9.6.2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước cũng nhấn mạnh hơn về việc phát triển con người (trước đây chủ yếu là phát triển văn hóa). Gần 10 năm thực hiện Nghị quyết này, việc triển khai cũng đã được lồng ghép trong các hoạt động của Bộ VHTTDL cũng như các ngành Y tế, Giáo dục, Khoa học công nghệ, Pháp luật, Báo chí…

Kết quả rất khó đong đếm, tuy nhiên, về cơ bản, các chỉ số con người của Việt Nam theo đánh giá của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Báo cáo Hạnh phúc thế giới của Mạng lưới Giải pháp Phát triển bền vững (Liên Hợp Quốc) đều tăng lên, như: Chỉ số hạnh phúc, năng lực đổi mới sáng tạo, tuổi thọ… Những vấn đề liên quan đến đạo đức xã hội có rất nhiều biến chuyển qua chiến dịch “đốt lò” của Tổng Bí thư. Trong văn hóa, nghệ thuật cũng có nhiều tác phẩm được giải, có tác phẩm điện ảnh trong nước doanh thu cao hơn phim “bom tấn” nước ngoài, đời sống nghệ thuật biểu diễn cũng được cải thiện rất nhiều, âm nhạc cũng vươn ra thị trường quốc tế, các thành tích thể thao cũng được nâng lên. Tất cả những điều đó cho thấy chúng ta đã phát triển cả về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực thẩm mỹ…

Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 hiện nay, việc xây dựng con người Việt Nam toàn diện cần gắn với chuyển đổi số, văn hóa số, cuộc sống số, công dân số, xã hội số… Môi trường văn hóa trên Internet đặt ra những thách thức mới, yêu cầu mới nên một số mục tiêu cũng cần bổ sung, đáp ứng nhu cầu phát triển. Sau một quá trình thực hiện, cũng cần phải sơ kết, tổng kết, đánh giá xem những mục tiêu, nhiệm vụ mà mình đặt ra có thực hiện được không, cần phải điều chỉnh như thế nào, cần giải pháp gì để đạt được những mục tiêu ấy. Nếu không sẽ chỉ là nói suông, không đi đôi với làm. Những con số đề ra thì rất đẹp nhưng khi thực hiện lại không như mong muốn. Dần dần như thế sẽ đánh mất niềm tin của người dân, của thế hệ trẻ, dẫn đến những mục tiêu tốt đẹp, lý tưởng cao cả, động cơ trong sáng của chúng ta không thực hiện được, thậm chí phản tác dụng.

Hiện nay, chúng ta đang tập trung 4 hệ giá trị là Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Tuy nhiên, cần phải xác định đó là các hệ giá trị kỳ vọng hay thực tiễn để có những giải pháp thực hiện hiệu quả. Ở các nước, họ đưa ra các giá trị đang hiện hữu, đang tồn tại nhưng cũng đưa ra các giá trị lý tưởng, kỳ vọng để phấn đấu đạt tới. Việc thực hiện các hệ giá trị này là cả một quá trình lâu dài, được lồng ghép ở trong nhiều hoạt động. Các hệ giá trị chúng ta đang xây dựng đã cố gắng đưa ra các giá trị chuẩn mực để xây dựng con người Việt Nam toàn diện. Tuy nhiên, các hệ giá trị này thiên về đạo đức, trí tuệ, là những giá trị cốt lõi chứ chưa chú trọng nhiều về thể lực, thẩm mỹ… Vì thế, đây là những giá trị cũng cần được ưu tiên để xây dựng con người Việt Nam toàn diện, có trí tuệ, bản lĩnh, thể lực tốt, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

(GS.TS TỪ THỊ LOAN, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam)

 

PHƯƠNG ANH - NGUYỄN ANH

Ý kiến bạn đọc