Về việc “Hơn 65.000 cổ vật chất đống trong kho” ở Cà Mau

VHO - Tại văn bản số 4771/VPCP-KGVX ngày 28.6.2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao UBND tỉnh Cà Mau xem xét thông tin báo chí phản ánh về việc “Hơn 65.000 cổ vật chất đống trong kho”; sớm có biện pháp giải quyết tháo gỡ.

Trước đó, báo VnExpress điện tử ngày 9.6.2023 có bài viết "Hơn 65.000 cổ vật chất đống trong kho", trong đó thông tin: Cà Mau hiện chưa có tòa nhà để lưu trữ, bảo quản bài bản các cổ vật, hiện vật, tư liệu lịch sử. Bảo tàng tỉnh thành lập từ năm 1997 nhưng trụ sở hiện đặt tạm ở cơ quan cũ của Hội Nông dân tỉnh.  Bởi vậy, hàng chục nghìn cổ vật của Bảo tàng tỉnh Cà Mau phải chất đống trong kho, việc bảo quản gặp khó khăn do đơn vị thiếu nơi cất giữ. Giám đốc Bảo tàng cho biết, dự án Bảo tàng Cà Mau đã được tỉnh lên kế hoạch từ lâu nhưng trì hoãn do vướng quy hoạch, đất đai, kinh phí.

Về việc này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao UBND tỉnh Cà Mau xem xét thông tin báo chí phản ánh, sớm có biện pháp giải quyết tháo gỡ; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Về việc “Hơn 65.000 cổ vật chất đống trong kho” ở Cà Mau - Anh 1

Bài phản ánh trên Báo Văn Hoá

Liên quan đến nội dung này, Báo Văn Hoá cũng đã có bài viết: Gần 66.000 hiện vật quý hiếm ở Cà Mau không có bảo tàng để bảo quản, trưng bày: Cấp thiết cần có Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa (số ra ngày 14.6.2023) phản ánh, mặc  dù đang sở hữu gần 66.000 hiện vật, nhưng có một điều khó tin là trong bao nhiêu năm qua, tỉnh Cà Mau vẫn chưa có công trình bảo tàng đúng nghĩa để bảo quản, nghiên cứu, trưng bày và phát huy giá trị các cổ vật quý hiếm này tới công chúng.

Theo tìm hiểu của phóng viên Văn Hoá, dự án Bảo tàng Cà Mau đã được tỉnh lên kế hoạch từ lâu nhưng lại bị trì hoãn. Từ khoảng năm 2012, tỉnh đã xây dựng kế hoạch và thậm chí đã có cuộc thi thiết kế công trình nhà bảo tàng, sau đó cũng đã có kết quả. Tuy nhiên, vì nhiều lý do như vướng quy hoạch đất đai, đặc biệt là kinh phí nên tới nay vẫn chưa thể triển khai được.

Trong báo cáo mới đây của UBND tỉnh Cà Mau gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực di sản văn hóa cho biết, những năm qua, kinh phí thực hiện cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước, các chương trình mục tiêu quốc gia… Do nguồn lực của tỉnh còn nhiều khó khăn nên việc bố trí kinh phí đầu tư cho các hoạt động này nhìn chung còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, nhiều di tích đang xuống cấp, chưa được đầu tư đúng mức. Chia sẻ với Văn Hóa, ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở VHTTDL Cà Mau cho rằng, rất cần thiết khôi phục Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, đặc biệt là đầu tư thiết chế cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao. Riêng tại tỉnh Cà Mau, nhu cầu cấp thiết hiện nay là cần có một công trình bảo tàng. Đây chính là không gian chứa đựng những tư liệu, hiện vật, hình ảnh có giá trị về lịch sử, văn hóa, về điều kiện tự nhiên, địa hình, đời sống cư dân qua từng thời kỳ…

Đây cũng là thực trạng chung đối với các tỉnh, thành trên toàn quốc. Đặc biệt, các di tích văn hoá, thiết chế văn hoá, thể thao… của nhiều tỉnh, thành đã xuống cấp trầm trọng, trong khi nguồn vốn của địa phương eo hẹp, nguồn vốn Trung ương hầu như không đáng kể. Bởi vậy, nếu không có Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa thì không thể giải quyết gốc rễ vấn đề đã tồn tại dai dẳng hàng bao năm nay trên phạm vi toàn quốc.

TÙNG QUANG

Ý kiến bạn đọc