Góp ý dự thảo Nghị định xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT khu vực phía Nam: Siết chặt nhưng cần tính trường hợp đặc thù

VHO- Bộ VHTTDL vừa tổ chức Hội nghị đánh giá tác động về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) và Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT khu vực phía Nam.

Góp ý dự thảo Nghị định xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT khu vực phía Nam: Siết chặt nhưng cần tính trường hợp đặc thù - Anh 1

 Nhạc công là những người trực tiếp diễn tấu, cống hiến thầm lặng cả đời mà không có giải thưởng, danh hiệu gì để tôn vinh (ảnh minh họa)

 Hội nghị đã nhận được nhiều góp ý chất lượng, có giá trị, bên cạnh đó cũng có những ý kiến cần phải trao đổi làm rõ. Trên cơ sở đó, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Nghị định theo hướng khoa học, khả thi, hiệu quả, bám sát thực tế để tôn vinh những người xứng đáng, đồng thời vẫn phải đảm bảo các quy định.

Nhiều đề xuất chưa phù hợp

Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ VHTTDL) Nghiêm Thị Thanh Nguyệt cho biết, Dự thảo được xây dựng trên cơ sở bám sát quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và kế thừa các quy định đang phù hợp với thực tiễn công tác xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Đáng chú ý, dự thảo Nghị định bổ sung thêm đối tượng mới là “Người sáng tạo tác phẩm VHNT” (được quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 66 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022).

Bà Nguyệt thông tin thêm, Bộ VHTTDL nhận được Công văn của 9/9 Hội VHNT chuyên ngành Trung ương, trong đó chỉ có 3 hội đề xuất bổ sung đối tượng là: “Tác giả kịch bản múa” của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam; “Nhạc sĩ sáng tác và phối khí” của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và “Nghệ sĩ sáng tác, Nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh, Giảng viên giảng dạy nhiếp ảnh” của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.

Ban soạn thảo đã họp, thảo luận và thống nhất rằng có một số đối tượng chưa phù hợp: “Tác giả kịch bản múa” và “Nhạc sĩ phối khí” không phải là tác giả sáng tạo độc lập của tác phẩm VHNT; “Giảng viên giảng dạy nhiếp ảnh” thuộc đối tượng xét danh hiệu NGND, NGƯT; “Nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh” thuộc đối tượng xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về VHNT.

Cách tính thời gian hoạt động nghệ thuật cho đối tượng “Người sáng tạo tác phẩm VHNT” của cả 3 hội đều chưa phù hợp, thiếu tính chặt chẽ. Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam đề xuất cách tính thời gian giống như đối tượng hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Trong khi đó, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đề xuất theo thời gian công bố tác phẩm giống điều kiện xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về VHNT. Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đề xuất tính từ thời điểm được kết nạp vào Hội VHNT các địa phương hoặc Hội Nhiếp ảnh các tỉnh, thành phố và có tối thiểu 7 năm là Hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cũng không phù hợp.

Về đề xuất cụ thể hóa tiêu chí “tác phẩm xuất sắc có giá trị cao về nội dung tư tưởng và nghệ thuật được công chúng yêu thích đón nhận”, theo Ban soạn thảo, các đề xuất của 3 Hội đều mang tính chung chung, chưa lượng hóa được tiêu chuẩn cụ thể.

Đề xuất thêm “Soạn giả”, “Nhạc công”

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến bàn thảo tập trung vào nội dung mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu trong Dự thảo cũng như các tiêu chí về quy đổi huy chương, để không bỏ sót đối tượng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ sĩ trong việc xét danh hiệu, kịp thời tôn vinh, động viên những người sáng tạo nghệ thuật.

Đại diện Hội VHNT tỉnh Vĩnh Long nêu ý kiến, Nghị định này có giao Hội VHNT các địa phương thành lập Hội đồng để xét ở cấp cơ sở, nhưng chỉ đề cập hai đối tượng mới là “Nhạc sĩ sáng tác” và “Nhiếp ảnh gia”. Theo vị này, ở lĩnh vực sân khấu Cải lương, cụ thể là những “Soạn giả” rất xứng đáng để đưa vào xét tặng danh hiệu.

NSND Giang Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam bày tỏ không đồng tình với việc đưa đối tượng mới gọi là “sáng tạo văn hóa” để xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. “Tôi đề nghị chúng ta xem xét kỹ “Nhạc sĩ sáng tác” khác “Nhạc công” biểu diễn như thế nào? Nhạc sĩ sáng tác đã được Đảng và Nhà nước phong tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” rồi thì không cần thiết đưa vào xét danh hiệu này nữa. Chúng ta cần quan tâm đến lực lượng nhạc công tại các đơn vị chuyên nghiệp, không chuyên và cơ sở. Họ là những người trực tiếp diễn tấu, cống hiến thầm lặng cả đời mà không có giải thưởng, danh hiệu gì để tôn vinh”, ông Giang Mạnh Hà nhấn mạnh.

Về tiêu chuẩn xét danh hiệu NSƯT, đối với trường hợp đặc biệt, Dự thảo quy định xét cho “Cá nhân là giảng viên các trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, đào tạo nhiều thế hệ sinh viên tham gia đạt giải thưởng cao tại các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp quốc gia, quốc tế và vẫn đang tham gia hoạt động biểu diễn nghệ thuật”. Ông Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, TP.HCM nêu ý kiến: “Đối với nghệ thuật truyền thống như Cải lương, Hát bội, có một số nghệ sĩ, giảng viên sau thời gian hoạt động chuyên nghiệp, tuổi đời đã lớn và lui về thực hiện truyền dạy lại cho thế hệ nghệ sĩ trẻ. Những người này đóng góp rất nhiều cho nền sân khấu truyền thống nhưng vì nhiều điều kiện khách quan nên không đủ tiêu chuẩn để được xét theo quy định thì rất cần được quan tâm, đưa vào Nghị định mới”.

Góp ý dự thảo Nghị định xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT khu vực phía Nam: Siết chặt nhưng cần tính trường hợp đặc thù - Anh 2

 Toàn cảnh hội nghị

Cần quy đổi hợp lý hơn

Câu chuyện tiêu chí huy chương và cách quy đổi cũng được các đại biểu tại Hội nghị đặc biệt quan tâm. Có ý kiến cho rằng, để danh hiệu NSND, NSƯT “đẳng cấp” thì cần siết chặt tiêu chí số lượng giải Vàng cho từng danh hiệu. Tuy nhiên cũng cần tính đến những trường hợp đặc thù của từng lĩnh vực, ngành nghề cụ thể.

Về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND, tại Điểm a Khoản 4 Điều 8 dự thảo Nghị định quy định cá nhân phải có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia (giải tập thể) và 1 giải Vàng cá nhân, NSND Giang Mạnh Hà cho rằng, quy định này không đủ sức thuyết phục, cần phải nâng lên có ít nhất 2 giải Vàng cá nhân. Tương tự, tại Điểm b Khoản 4 Điều này, quy định trong trường hợp không có giải Vàng cá nhân thì phải có ít nhất 3 giải Vàng tập thể, ông Hà nêu ý kiến nên bỏ tiêu chí này, bởi “nếu chưa phấn đấu đạt được HCV cá nhân thì không thể được xét tặng danh hiệu NSND”.

Tuy nhiên, đứng ở góc độ văn nghệ sĩ Quân đội, Đại tá, nhạc sĩ Lê Ngọc Dũng, Đoàn trưởng Đoàn Văn công Quân khu V tâm tư: “Quy định về tiêu chí huy chương khiến anh em văn nghệ sĩ Quân đội rất thiệt thòi. Chúng tôi theo chỉ tiêu cấp trên giao, khi tham gia hội diễn toàn quốc thì chỉ có 3 đoàn một đợt vì còn thực hiện các nhiệm vụ khác. 5 năm tổ chức 1 lần, nếu xoay vòng thì chúng tôi phải 20 năm mới quay lại hội diễn toàn quốc. Do đó, cơ hội có huy chương để xét danh hiệu NSƯT, NSND rất là ít. Ngoài ra, HCV các hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ được tính 1/2, vậy thì một đồng chí diễn viên muốn có 2 HCV quy đổi toàn quốc thì phải thực hiện 4 hội diễn chuyên ngành, và như vậy trong vòng 20 năm chúng tôi mới có được 1 NSƯT. Do đó, tôi đề nghị các hội diễn, liên hoan của ngành chúng tôi được tính tương đương hoặc ít nhất 2/3 trị giá giải Vàng như các liên hoan của Bộ VHTTDL”.

Đại tá Lê Ngọc Dũng cũng mong muốn đối với danh hiệu NSND, cần có cơ chế đặc thù cho anh em văn nghệ sĩ Quân đội. “Cũng là sáng tạo nghệ thuật như nhau. Tôi là nhạc sĩ sáng tác âm nhạc cho múa, nhưng biên đạo múa được xét NSƯT, NSND trên tác phẩm đó, còn tôi thì không được xét là điều hết sức vô lý. Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và danh hiệu NSƯT, NSND mang hai giá trị khác biệt, cần rạch ròi và không phải người nào đã được giải thưởng thì không được xét danh hiệu nữa”, Đại tá Lê Ngọc Dũng bày tỏ.

Tại Hội nghị, lãnh đạo các hội VHNT bày tỏ mong muốn được Bộ VHTTDL nâng cấp giá trị giải thưởng của các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương tổ chức, như Hội Điện ảnh, Hội Nghệ sĩ múa, Hội Nhạc sĩ và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam... Theo đó, nếu như trước đây quy định giải Vàng các cuộc thi, liên hoan do các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương tổ chức, được quy đổi bằng 2/3 giải vàng các cuộc thi, liên hoan của Bộ VHTTDL, thì nay đề xuất được nâng lên tương đương.

Ông Văn Công Diệp, Giám đốc Nhà hát Cao Văn Lầu, Bạc Liêu bày tỏ: “Những liên hoan, cuộc thi do Hội VHNT chuyên ngành Trung ương phối hợp tổ chức tại địa phương thời gian qua, tôi nhận thấy tổ chức rất bài bản, nghiêm túc, chất lượng. Do vậy, mong cơ quan quản lý nhà nước xem xét cần nâng tầm giá trị huy chương lên tương đương cấp Bộ VHTTDL để giảm bớt thiệt thòi cho anh chị em nghệ sĩ các địa phương, vùng sâu, vùng xa. Vì dù là tham dự liên hoan cấp nào tổ chức, anh em nghệ sĩ cũng phải nỗ lực, cố gắng hết sức mình để đầu tư, tập luyện và tốn kém kinh phí như nhau…”. 

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc