Phòng, chống sách lậu online: Cần có cơ chế kiểm soát hiệu quả

VHO- “Hiện nay, công nghệ sản xuất sách lậu, sách giả ngày càng tinh vi, địa bàn vi phạm cũng ngày càng mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố và không chỉ diễn ra trong nước mà còn cả ở nước ngoài. Đặc biệt, đối tượng vi phạm từ cá nhân, hộ kinh doanh nhỏ lẻ đến các doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài…, từ người không hiểu biết đến những đối tượng am tường chuyên môn, pháp luật”.

Phòng, chống sách lậu online: Cần có cơ chế kiểm soát hiệu quả - Anh 1

 Một trang web rao bán USB sách nói Ảnh chụp màn hình

 Đó là thông tin được ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành đưa ra tại Hội nghị Nhận diện các hành vi vi phạm in lậu, làm giả xuất bản phẩm, gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm và các giải pháp phòng, chống diễn ra mới đây tại Hà Nội.

Sách giả, sách lậu tràn lan trên môi trường mạng

Thực trạng in lậu, làm sách giả, gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành là hoạt động vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Hệ quả của thực trạng này gây ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích của các tác giả, NXB, làm thất thu ngân sách nhà nước, tạo ra tình trạng người ngay bị thiệt hại, kẻ gian hưởng lợi; trật tự quản lý nhà nước bị vi phạm.

Việc vi phạm bản quyền với sách in, tuy tràn lan nhưng chưa thấm vào đâu so với sách điện tử, vì tính chất đa phương tiện, tinh vi và dễ dàng của nó. Từ khoảng năm 2010, nổi lên nhiều trang mạng, diễn đàn tự tổ chức thu thập và chia sẻ ebook miễn phí hoặc có thu phí với mức giá khá rẻ. Đây là dạng phát tán file ebook trái phép, không được sự đồng ý của NXB hay tác giả nhưng vẫn phát triển mạnh do nhu cầu đọc ebook của người dùng ngày càng tăng. Đặc biệt, giai đoạn dịch bệnh Covid-19 hoành hành khiến việc mua bán sách thông qua các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội càng có cơ hội phát triển. Bên cạnh yếu tố thuận tiện, nhanh chóng thì việc giao dịch online lại vô tình tạo “đất sống” cho sách giả, sách lậu cũng như gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác quản lý.

TS Hoàng Mạnh Thắng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Thư ký biên tập (NXB Chính trị Quốc gia Sự thật) cho biết, trước đây sách lậu chỉ xuất hiện ở hình thức “in và bán lậu” thì nay nhiều cá nhân tự ý sao chép và lưu hành ebook. Các sàn thương mại điện tử có bán sách, các kênh bán hàng trực tuyến như mạng xã hội, trang web... với hình thức bề ngoài giống sách thật đến 95%, không dễ để nhận diện, giá chỉ bằng 2/3, thậm chí bằng nửa so với sách thật, mang lại siêu lợi nhuận cho cơ sở in ấn trái phép.

Không những thế, nhiều người còn phát sóng trực tiếp (livestream) đọc sách trên mạng xã hội, tóm tắt, đánh giá (review) sách để tăng tương tác. “Vấn đề hiện nay đang rất phổ biến là nhiều đơn vị thực hiện kinh doanh sách tóm tắt. Nếu việc làm sách tóm tắt này không được kiểm duyệt chặt chẽ sẽ dẫn đến tình trạng sai phạm về bản quyền tác giả khi trích dẫn quá nhiều nội dung, điều đó có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của tác giả (bao gồm cả quyền nhân thân và quyền tài sản)”, đại diện NXB Trẻ cho biết.

Là đơn vị “thấm đòn” vấn nạn sách lậu, sách giả, đại diện Công ty CP sách Alpha đã chỉ ra trong số hơn 1.000 đầu sách ebook của Alpha Books và Omega Plus, có đến vài trăm đầu sách bị xâm phạm bản quyền dưới hình thức sách điện tử đăng tải tràn lan trên các trang mạng cá nhân chia sẻ miễn phí hoặc kinh doanh kiếm lời. Thậm chí, nhiều đơn vị còn phát triển thành dạng sách nói và phát tán trên rất nhiều kênh như YouTube, Fanpage, diễn đàn mạng và thậm chí cả các công ty có tư cách pháp nhân cũng ngang nhiên lấy ebook của Alpha Books và Omega Plus để kinh doanh khi chưa có sự đồng ý.

Không chỉ dừng lại ở đó, trong quá trình nhận diện sách giả, nhiều đơn vị, NXB còn gặp một số khó khăn mới phát sinh. Đại diện Sở TT&TT Hà Nội cho biết, hiện nay trên địa bàn Thủ đô có một số trường hợp cá nhân, tổ chức tự biên soạn, xuất bản và phát hành tài liệu dạng sách (trên mạng Internet hoặc trực tiếp). Đây là vấn đề mới phát sinh trong thực tế nhưng hiện chưa rõ căn cứ, chế tài để xác định. Những tài liệu này thường có nội dung xấu độc, phức tạp, tác động tiêu cực đến người đọc. Tuy nhiên, theo Điều 4 Luật Xuất bản năm 2012, những cuốn tài liệu dạng sách do tác giả tự biên soạn, xuất bản không thông qua NXB hoặc cơ quan, tổ chức được cấp giấy phép xuất bản, chưa đủ cơ sở khẳng định đây là xuất bản phẩm để áp dụng chế tài xử lý vi phạm theo quy định tại NĐ 119/2020/NĐ-CP ngày 7.10.2020.

Đối phó với tình trạng sách giả trên môi trường số

Các trang web phát hành sách lậu dưới góc độ luật pháp Việt Nam không đơn thuần là bán ebook trái phép mà thực chất là đang tạo ra một hệ thống xuất bản điện tử trái phép. Nếu như xuất bản chính thống đang được quản lý rất kỹ, phải đáp ứng rất nhiều điều kiện quy định trong Luật Xuất bản và các Luật khác về bản quyền, thương mại điện tử… thì hệ thống xuất bản điện tử trái phép hầu như không bị ai quản lý. Điều này tạo ấn tượng và hình ảnh xấu về vi phạm sở hữu trí tuệ trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế, đặc biệt là khi gia nhập Hiệp định Thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhiều NXB nước ngoài không sẵn sàng chuyển giao bản quyền ebook cho đơn vị đã được nhượng quyền sách in ở Việt Nam, vì không tin tưởng thị trường Việt Nam và lo ngại tình trạng vi phạm bản quyền ebook ngày càng nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng tới cả việc kinh doanh sách in.

Để thị trường sách điện tử có bản quyền phát triển được thì luật pháp phải là công cụ bảo vệ bản quyền chứ không phải kỹ thuật. Đại điện Công ty CP sách Alpha đề xuất, cần có một cơ chế kiểm soát hiệu quả hơn trong lĩnh vực phát hành sách điện tử, tài liệu số trái phép dựa trên những quy định pháp luật đã có. Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, có biện pháp, chế tài xử lý các cá nhân, đơn vị vi phạm bản quyền. “Luật đang quản rất chặt các đơn vị phát hành sách điện tử có bản quyền trong khi hàng trăm đơn vị phát hành sách điện tử lậu lại ngang nhiên hoạt động, bất chấp mọi quy định pháp luật”, Alpha Books nhấn mạnh.

Do các giải pháp để bảo vệ bản quyền, hạn chế sách lậu trên môi trường số hiện nay còn gặp nhiều khó khăn nên trước mắt các NXB, các đơn vị phát hành phải tự lập “hàng rào” để bảo vệ quyền và lợi ích của chính mình. Ngoài sự hỗ trợ mạnh mẽ, hiệu quả, triệt để về pháp luật của cơ quan chức năng, nhiều ý kiến cho rằng, nhân tố quyết định sự thành bại trong “trận chiến” cam go này chính là độc giả - những người bỏ tiền mua sách. Chỉ khi người đọc có kiến thức nhận biết sách thật - sách lậu và ý thức được việc được việc mua và đọc sách thật là hành vi văn hóa và tôn trọng pháp luật, bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, thì nạn sách giả, sách lậu mới không còn “chốn dung thân”. 

THANH NGỌC

 

Ý kiến bạn đọc