Di sản giao thông thủy ở Huế vẫn đang nằm chờ…

VHO- Thừa Thiên Huế có nhiều lợi thế khác để khai thác du lịch đường thủy, trong đó điểm nhấn là dòng sông Hương xanh mát chảy qua khu vực TP Huế đang hấp dẫn du khách. Cùng với đó, Huế còn “sở hữu” hệ thống giao thông thủy đặc trưng của Kinh thành xưa, cần sớm được phát huy, khai thác xứng tầm.

Di sản giao thông thủy ở Huế vẫn đang nằm chờ… - Anh 1

 Dịch vụ chèo thuyền và thưởng trà buổi sáng sớm trên hồ Ngọc Dịch, Đại Nội Huế Ảnh: DI TÍCH HUẾ

Hệ thống thủy đạo Kinh thành Huế là tuyến giao thông quan trọng từ thế kỷ XIX, với hệ thống sông tự nhiên và sông đào bao bọc xung quanh như sông Hương ở mặt Nam, sông Đông Ba ở phía Đông, sông Kẻ Vạn ở phía Tây và sông An Hòa ở mặt Bắc. Cùng với đó là dòng Ngự Hà chảy từ Đông sang Tây; hệ thống hào nước từng có chức năng phòng thủ ở sát ngoài chân thành là Hộ Thành Hào…; và nhiều hồ nước lớn, nhỏ bên trong Kinh thành Huế.

Tiềm năng của hệ thống thủy đạo

Theo TS Huỳnh Thị Anh Vân, Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Huế, dù đã trải qua hơn 2 thế kỷ kể từ khi bắt đầu công cuộc cải tạo, xây dựng để hình thành nên hệ thống đường thủy Kinh thành Huế, cho đến nay hệ thống này vẫn phát huy tốt vai trò của mình đối với việc duy trì cảnh quan sinh thái, điều tiết môi trường nội thành Huế… Tuy nhiên, một bộ phận chức năng giao thông đường thủy của hệ thống này vẫn chưa được duy trì, khai thác một cách hiệu quả.

“Nếu hệ thống đường thủy này được khai thông ở các khu vực đang bị bồi lắng, ách tắc (như khu vực phía Tây, đoạn kết nối giữa sông Kẻ Vạn với sông Ngự Hà qua cống Tây thành Thủy Quan) và đảm bảo độ sâu cần thiết cho việc di chuyển các phương tiện đường thủy thì đây sẽ là hình thức giao thông thuận tiện. Vừa đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương, giảm áp tải áp lực về giao thông đường bộ, vừa cung cấp thêm những trải nghiệm mới cho du khách khi đến Huế”, TS Huỳnh Thị Anh Vân nhận định. Để phù hợp với cảnh quan lịch sử, TS Anh Vân cho rằng, cần có sự nghiên cứu phục hồi các loại thuyền đã từng là phương tiện di chuyển chủ yếu trong mạng lưới thủy đạo ở Kinh thành Huế. Thông qua đó xây dựng hình ảnh, thương hiệu của du lịch Huế trong sự kết nối chặt chẽ giữa yếu tố lịch sử, bản sắc văn hóa địa phương và bối cảnh đương đại. Việc tăng cường khai thác giao thông tuyến đường thủy, các thông tin lịch sử liên quan trong Kinh thành xưa cũng sẽ được hồi tưởng, khôi phục ký ức và tiếp cận ở những góc độ phù hợp tùy theo từng địa điểm di tích, góp phần làm phong phú thêm cho hành trình khám phá Kinh thành Huế của du khách.

Mở hướng khai thác tuyến đường thủy trong Kinh thành Huế cũng được TS Trần Đình Hằng, Trưởng Phân viện VHNT Quốc gia Việt Nam tại Huế đề cập. Theo ông Hằng, việc khai thác tuyến đường thủy từ sông Đông Ba - Đông thành Thủy Quan - Ngự Hà - Tây thành Thủy Quan không chỉ góp phần giảm ách tắc giao thông ở các khu vực cửa ra, vào Kinh thành Huế hiện nay, mà còn tạo điểm nhấn hấp dẫn để kết hợp khai thác, tổ chức tour trải nghiệm đi thuyền trên dòng “sông vua”. Thời gian qua Sở Du lịch Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và một số Sở, ngành liên quan cùng các doanh nghiệp tổ chức khảo sát thực địa tuyến Ngự Hà. Có doanh nghiệp tiến hành khảo sát cụ thể để xây dựng tour du lịch chèo thuyền tay và thuyền động cơ điện trên dòng sông này, tuy nhiên do một số khó khăn, hạn chế của tuyến đường thủy nên khả năng duy trì tour tuyến khó thường xuyên và lâu dài. Khó khăn mà ngành du lịch nói tới ở Ngự Hà là mùa hè khô cạn, mùa mưa đầy nước, chưa có những bến dừng đậu, đỡ thuyền…

Đầu tư đồng bộ hạ tầng

Với lợi thế có sông Hương chảy qua trung tâm thành phố Huế, các tour du lịch đường thủy bằng du thuyền, thưởng ngoạn cảnh quan và kết hợp trải nghiệm các dịch vụ biểu diễn nghệ thuật, thưởng thức ẩm thực đã trở thành điểm nhấn độc đáo của du lịch Huế. Tuy nhiên, nếu mở rộng cả tỉnh Thừa Thiên Huế thì chưa phát triển đồng bộ.

Theo TS Phạm Thị Huệ, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ, cần xây dựng phương án phát triển những sản phẩm du lịch đặc thù của Thừa Thiên Huế gắn với hình ảnh “trên bến dưới thuyền”, sẽ góp phần làm cho sản phẩm du lịch đường thủy có được diện mạo mới. Trước hết, cần hoàn chỉnh quy hoạch hệ thống bến bãi và đặc biệt quan trọng là kết nối bến bãi với hệ thống giao thông trên bộ; các bến tàu phải thuận tiện kết nối xe buýt, ô tô và bãi đỗ xe trên bộ. Tiềm năng phát triển tour du lịch đường sông còn nhiều, ngành du lịch cần sớm xây dựng các điểm đến đặc sắc, chương trình tour đường sông có sức hấp dẫn. Dọc sông Hương, sông Đông Ba là quá khứ “trên bến dưới thuyền” một thời, con đường chính yếu vận chuyển hàng hóa của kinh đô xưa. TS Huệ cũng đề cập đến việc thiết kế các tour tuyến đường thủy trọng điểm của Thừa Thiên Huế. Những tour đường sông phải có nhiều điểm nhấn, có điểm dừng chân, không chỉ chụp hình mà còn phải kèm các dịch vụ ẩm thực, mua sắm, trải nghiệm thú vị khác.

Chẳng hạn như tour du lịch kết hợp hoạt động thưởng ngoạn trên sông Hương dành cho khách quốc tế; nghe về lịch sử vương triều Nguyễn gắn với các giai thoại dân gian; hay tour “chèo thuyền SUP, tắm sông Hương” cũng là trải nghiệm thú vị cho cộng đồng du khách gần xa… Ngoài ra, cần quan tâm hoàn thiện các tour du lịch liên kết đường thủy như city tour sông Hương - sông An Cựu - sông Đông Ba; tour khám phá đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; trải nghiệm trên sông Ô Lâu - phá Tam Giang - sông Hương… Được biết, trong khuôn khổ của dự án Xây dựng hạ tầng du lịch tiểu vùng Mekong giai đoạn 2 tại tỉnh Thừa Thiên Huế, địa phương cũng đang triển khai xây mới và nâng cấp 7 bến thuyền (gồm 5 bến dọc sông Hương và 2 bến ở đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Với kinh phí gần 53 tỉ đồng, các bến thuyền được thiết kế đồng bộ hạ tầng về không gian thương mại, dịch vụ, phòng bán vé, phòng chờ dừng chân cho du khách…

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết, 7 bến thuyền này được hoàn thành và đưa vào hoạt động sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển tour tuyến du lịch đường thủy. Các đơn vị lữ hành cũng có điều kiện để mở thêm các tour trải nghiệm mới trên sông Hương và khám phá đầm phá Tam Giang. 

SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc