Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: “Thái độ trung thực trong nhận lỗi và sự tôn trọng của Công an Hà Nội với người dân”

PV: Thưa ông, quan điểm của ông như thế nào về vụ việc 3 cán bộ công an Thị trấn Đại Nghĩa dùng súng hơi bắn dê của người dân và biện pháp xử lý của Ban Giám đốc CATP Hà Nội?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Vụ việc ba cán bộ công an huyện Mỹ Đức bắn trộm dê của người dân là một chuyện hãn hữu và đáng tiếc, đáng buồn. Họ là cán bộ công an, những người mà mỗi hành động, mỗi lời nói đều được người dân để ý và lên tiếng. Họ phải cẩn trọng hơn nhiều lần trong mỗi suy nghĩ, mỗi lời nói và mỗi hành động so với những người khác. Tất nhiên, hành động của họ chỉ là những hành động hãn hữu nhưng lại mang tới một ảnh hưởng lớn. Trong khi lực lượng Công an Hà Nội nói riêng và Công an nói chung đã và đang làm bao nhiêu điều tốt đẹp một cách lặng thầm giữ gìn cuộc sống bình yên của người dân….

Rất nhanh, Ban Giám đốc Công an Hà Nội đã chỉ đạo Ban chỉ huy Công an huyện Mỹ Đức đến xin lỗi và gia đình 3 cán bộ công an đó đền bù thiệt hại cho người dân. Hai con dê bị bắn chết không phải là một tài sản quá lớn. Việc đền bù thiệt hại này cũng không lớn. Nhưng việc Ban Giám đốc Công an Hà Nội nghiêm khắc và có chỉ đạo ngay lập tức đối với sai phạm của cán bộ, chiến sỹ là việc lớn và đáng trân trọng. Đấy là thái độ trung thực trong nhận lỗi và sự tôn trọng của Công an TP. Hà Nội với người dân Thủ đô.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: “Thái độ trung thực trong nhận lỗi và sự tôn trọng của Công an Hà Nội với người dân” - Anh 1

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam

Dư luận trong hai ngày qua cũng đã nhận định, đó là một quyết định nghiêm minh, hợp lòng dân. Chỉ như thế, Công an Hà Nội mới giữ được niềm tin của nhân dân đối với lực lượng của mình…

Tôi cho rằng, việc đưa ra quyết định, nhanh chóng và nghiêm minh là bước tiến lớn và có chuẩn bị căn bản, nhận thức sâu sắc của lãnh đạo Công an TP. Hà Nội nói riêng và lực lượng CA nói chung. Trước đây, dư luận hay nhắc đến cụm từ “chìm xuồng”, đó là khi phải xử lý những công việc liên quan đến nội bộ, thì cán bộ, lãnh đạo thường để cho nó lắng đi, chìm đi. Việc đó, thường là nghĩ đến thành tích, giữ gìn những hình ảnh của lực lượng mình, nơi mình quản lý. Nhưng mà, trong những năm trở lại đây, những sai phạm cụ thể của CBCS, kể cả những vi phạm thông thường trong lời ăn tiếng nói khi tiếp xúc với dân… khi được người dân hoặc dư luận phản ánh thì lãnh đạo CATP Hà Nội đều có chỉ đạo, kiểm điểm, nghiêm khắc và kịp thời.

Như tôi được biết, trong vụ xảy ra ở Mỹ Đức mấy hôm nay, lãnh đạo CATP Hà Nội đã chỉ đạo, xử lý rất nhanh. Mặc dù, những hành vi này chưa phải là gây ảnh hưởng quá lớn đối với tài sản của nhân dân, nhưng mà nó thực sự gây ảnh hưởng lớn đến hình ảnh của ngành. Và việc chỉ đạo nhanh, kịp thời, kiên quyết đó, mà ở đây đã thành chủ trương, đường lối của lãnh đạo Công an Hà Nội đối với vi phạm của cán bộ, theo tôi còn là thái độ chân thành trước nhân dân, một sự nghiêm minh trước pháp luật, nghiêm khắc đối với hành vi, lời ăn tiếng nói chưa đúng, chưa chuẩn chỉ của CBCS đối với nhân dân.

Sự việc nhận lỗi trước nhân dân lần này của lực lượng Công an Hà Nội cũng đã được dư luận đồng tình và ủng hộ. Cá nhân ông nhìn nhận việc này thế nào?

Việc xin lỗi này nó buộc phải trở thành văn hóa trong cách ứng xử của tất cả các cơ quan, đặc biệt cơ quan công quyền càng phải coi trọng chuyện này hơn. Xin lỗi buộc phải trở thành văn hóa, như trong sự việc này.

Trong quá khứ, chúng ta có thời gian dài không thực hiện việc này một cách tốt đẹp. Chính vì thế, đã có những hành động rất bé tự dưng lại bị trở thành vấn đề lớn. Đó chính là thái độ xin lỗi người dân của các cơ quan công quyền. Vì thế, dư âm không hay cứ thế mà lan truyền. Tất nhiên, trong những sự việc cụ thể, lời xin lỗi còn phải đi kèm với việc xử lý hành chính, hay xử lý sai phạm tùy từng mức độ.

Tôi muốn nhấn mạnh tới một việc nữa, cùng với lời xin lỗi thì cán bộ vi phạm ở mức độ nào thì xử lý ở mức độ đó. Pháp luật có nghiêm minh những cũng phải công bằng với những lỗi lầm họ gây ra. Việc xin lỗi phải trở thành hành vi văn hóa thông thường, nó tuyệt đối không thể trở thành sự bất thường.

Trong vụ việc ở Mỹ Đức vừa qua, Ban lãnh đạo Công an TP. Hà Nội đã thể hiển rõ ba việc: một là kịp thời, hai là xử lý rõ ràng, kiên quyết, ba là có mức độ nhất định. Tôi nghĩ rằng, sau sự việc này, xin lỗi phải trở thành văn hóa, trở thành việc bình thường của các cơ quan công quyền nói chung, không biến việc xin lỗi trở thành sự bất thường. Và cuối cùng, để người dân tin vào sự xin lỗi đó thì đương nhiên phải đi kèm với việc xử lý nghiêm, đúng quy định của pháp luật.

Xin cảm ơn ông!

Quỳnh Vân (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc