Công trình không phép tại di tích chùa Tam Giáo (Thanh Hóa): Hơn ba năm vẫn “vô tư” tồn tại

VHO- Xây dựng công trình nhà khách không phù hợp với kiến trúc truyền thống, tự ý xây dựng nhà giảng đường hàng trăm mét vuông khi không có văn bản đồng ý của cơ quan chức năng có thẩm quyền…; đáng nói, mặc dù sai phạm đã được Thanh tra Sở VHTTDL Thanh Hóa chỉ rõ, đồng thời yêu cầu tháo dỡ, hoàn thiện hồ sơ pháp lý từ tháng 6.2021, vậy mà đến nay công trình này vẫn tồn tại như một lời thách thức cơ quan chức năng và dư luận xã hội.

Công trình không phép tại di tích chùa Tam Giáo (Thanh Hóa): Hơn ba năm vẫn “vô tư” tồn tại - Anh 1

Công trình nhà Giảng đường tại di tích chùa Tam Giáo vẫn ngang nhiên tồn tại, phớt lờ lệnh tháo dỡ từ cơ quan chức năng cách đây hơn ba năm

 Theo sách Chùa xứ Thanh (tập 2), chùa Tam Giáo (Hậu Lộc, Thanh Hóa) là một ngôi chùa cổ, được xây dựng trên khu đất rộng gần 1,5 ha, xuất hiện vào khoảng thời Trần. Sách Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh giải thích: “Tam giáo” là ba thứ giáo lý, gồm Nho giáo, Phật giáo và Lão giáo. Chùa Tam Giáo là nơi thờ tự cả ba thứ giáo lý này. Ngoài ra, chùa còn phối thờ cả đạo Mẫu. Đây là hiện tượng độc đáo trong tín ngưỡng dân gian của người Việt.

Chùa Tam Giáo trước kia gồm Tiền đường, Trung đường và Hậu cung. Phía Bắc chùa chính có một ngôi nhà Tổ. Phía Nam là nhà Mẫu. Năm 1920, nhà Tiền đường của chùa được tháo dỡ để xây dựng đình làng. Hiện nay, khu móng nhà Tiền đường được lát gạch bát (trở thành sân chùa); Trung đường trở thành nhà Tiền đường.

Tiền đường có hệ thống vì kèo, hoành tải, rui mè… được làm bằng gỗ, mái lợp ngói mũi. Thượng lương có dòng chữ: Khải Định tam niên lạp nguyệt sơ nhất nhật ngọ khắc thụ trụ thượng lương đại cát, nghĩa là: Thượng lương được dựng vào giờ Ngọ, ngày 1 tháng chạp niên hiệu Khải Định thứ 3 (1918). Giá trị lớn nhất còn lại của ngôi chùa là bốn cột gỗ đặt trên bốn chân tảng làm bằng đá nguyên khối trang trí hình hoa sen của gian Tiền đường, trong đó có hai chân tảng to và hai chân tảng nhỏ. Điều đó giúp các nhà nghiên cứu đoán định niên đại chùa Tam Giáo được xây dựng vào khoảng thời Trần. Trải qua nhiều lần di dời, chiến tranh tàn phá cùng khí hậu khắc nghiệt, đến nay chùa vẫn giữ được nhiều hiện vật có giá trị. Năm 2009, chùa Tam Giáo đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh.

Tuy nhiên, gần đây dư luận phản ánh về việc chùa Tam Giáo xây dựng công trình Nhà khách không phù hợp với kiến trúc truyền thống, tự ý xây dựng nhà Giảng đường hàng trăm mét vuông khi không có văn bản đồng ý của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Đáng nói, mặc dù sai phạm này đã được Thanh tra Sở VHTTDL Thanh Hóa chỉ rõ, đồng thời yêu cầu tháo dỡ, hoàn thiện hồ sơ pháp lý từ tháng 6.2021, vậy mà đến nay công trình vẫn tồn tại như một lời thách thức cơ quan chức năng và dư luận xã hội.

Công trình không phép tại di tích chùa Tam Giáo (Thanh Hóa): Hơn ba năm vẫn “vô tư” tồn tại - Anh 2

Hạng mục Nhà khách tại chùa Tam Giáo chưa được khắc phục theo chỉ đạo của cơ quan chức năng

Theo tìm hiểu, năm 2021, Sở VHTTDL Thanh Hóa đã thành lập đoàn kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa vật thể tại các ngôi chùa trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chùa Tam Giáo (huyện Hậu Lộc) là một trong 5 di tích được kiểm tra. Theo thông báo kết quả làm việc, chùa Tam Giáo đã xây dựng hạng mục Nhà khách không phù hợp với kiến trúc truyền thống và không có văn bản đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; làm nhà Giảng đường bằng vật liệu mới, kết cấu sắt, mái lợp tôn, phá vỡ không gian kiến trúc truyền thống, trái với quy định tại Văn bản số 2995-BT/BT ngày 15.10.1996 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay Bộ VHTTDL) về chấn chỉnh việc tu bổ, tôn tạo di tích trong tình hình hiện nay.

Để nâng cao công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa và chấn chỉnh, khắc phục các sai phạm tại chùa Tam Giáo, Sở VHTTDL Thanh Hóa đã yêu cầu chính quyền địa phương và nhà chùa tháo dỡ công trình nhà Giảng đường, đồng thời lập hồ sơ thiết kế hạng mục Nhà khách theo trình tự quy định trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở chỉnh sửa cho phù hợp. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Văn Hóa, đến thời điểm hiện tại, các sai phạm vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”, phớt lờ văn bản chỉ đạo của cơ quan chức năng.

Liên quan tới sai phạm này, trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Công, Trưởng phòng VHTT huyện Hậu Lộc cho biết, sai phạm tại chùa Tam Giáo đã được Sở VHTTDL Thanh Hóa chỉ rõ và yêu cầu tháo dỡ từ tháng 6.2021, nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục sai phạm là do hiện nhà chùa đang lập dự án tu bổ để trình các cơ quan chức năng phê duyệt, sau khi dự án được triển khai, chính quyền địa phương và nhà chùa sẽ xử lý dứt điểm các sai phạm này.

Có thể nói, các công trình sai phạm tại chùa Tam Giáo vẫn ngang nhiên tồn tại cho thấy việc không xử lý quyết liệt, “mạnh tay” và dứt điểm của cơ quan chức năng, khiến cho di tích bị xâm hại nghiêm trọng, tạo tiền lệ không tốt trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn huyện Hậu Lộc nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung. 

NGUYỄN LINH

Ý kiến bạn đọc