Hiệp ước Marrakesh và các quy định pháp lý liên quan của Việt Nam: Giải “cơn khát” sách cho người khiếm thị

VHO- Kể từ khi gia nhập Hiệp ước Marrakesh vào cuối năm 2022, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia được quốc tế ghi nhận có nhiều nỗ lực nhằm đảm bảo lợi ích cho người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in trên các tác phẩm đã công bố. Tuy nhiên, sau khi gia nhập, việc triển khai Hiệp ước gặp nhiều khó khăn trong huy động nguồn lực và sự đồng thuận của xã hội.

Hiệp ước Marrakesh và các quy định pháp lý liên quan của Việt Nam: Giải “cơn khát” sách cho người khiếm thị - Anh 1

Hiệp ước Marrakesh được kỳ vọng sẽ giải “cơn khát” về sách cho người khiếm thị

Theo bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam, việc Việt Nam gia nhập Hiệp ước này đã ghi dấu mốc quan trọng trong cân bằng giữa bảo vệ quyền tác giả và lợi ích của người mù, người khiếm thị, người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in thông thường; đồng thời cũng nhằm thực hiện chủ trương của Nhà nước về hỗ trợ, tạo cơ hội để người khuyết tật được thực hiện quyền bình đẳng, hòa nhập cộng đồng một cách tốt nhất.

Khó không có nghĩa là không làm được

Trên thực tế, trong quá trình triển khai thực hiện Hiệp ước, chúng ta đã gặp không ít khó khăn. Tình trạng “khát sách” là rào cản lớn trong việc tiếp cận giáo dục, việc làm và phát triển của người khuyết tật, đặc biệt là người khiếm thị - nhóm khuyết tật chiếm khoảng 1,03 triệu người trong dân số Việt Nam. Tình trạng này tồn tại ngay cả ở các nước phát triển như Hoa Kỳ và Việt Nam không ngoại lệ khi có rất ít sách được chuyển đổi sang định dạng phù hợp cho người khuyết tật chữ in.

“Người khiếm thị chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội, tuy không có khả năng nhìn nhưng họ vẫn có nhu cầu được cập nhật những tri thức mới. Mặc dù hiện nay đã có hệ thống sách chữ nổi, sách nói dành cho người khiếm thị nhưng chi phí sản xuất khá tốn kém. Chúng tôi rất thông cảm khi khâu chuyển đổi tất cả các nguồn tri thức sang định dạng dễ tiếp cận cho người khuyết tật chữ in khó có thể thực hiện được vì nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, khó không có nghĩa là chúng ta không làm”, bà Đinh Việt Anh bày tỏ.

Nêu dẫn chứng, bà Kiều Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) cho hay, số lượng tài nguyên thông tin dành cho người khuyết tật chữ in rất hạn chế khi đang chỉ có hơn 30.000 đầu sách. Cùng với đó, các thư viện cũng đang gặp nhiều khó khăn trong bố trí nguồn kinh phí dành cho việc bổ sung sách chữ nổi, sách nói. Nguồn sách dành cho đối tượng này phát triển chậm, chưa theo kịp nhu cầu của người khuyết tật.

Một khó khăn khác cũng được bà Đào Thu Hương, cán bộ Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam nêu ra là Việt Nam chưa có bản dịch chính thức về Hiệp ước Marrakesh, dẫn đến gặp khó khăn trong việc triển khai. “Trong Hiệp ước có rất nhiều thuật ngữ chuyên môn, nếu không có bản dịch chính thức thì các đối tượng chịu tác động của Hiệp ước rất khó nắm bắt thông tin để thực hiện. Tự “dòdẫm bước đi” thì sợ làm sai. Nhưng nếu cứ giữ tâm lý sợ sai mà không làm thì gây ảnh hưởng đến quyền tiếp cận tài liệu của người khuyết tật chữ in. Vừa làm, vừa “thăm dò”, rồi tự đi học hỏi kinh nghiệm của nhiều nước để tránh làm sai nên đôi khi việc phát triển nguồn tài nguyên thông tin dành cho người khuyết tật chữ in chưa được như kỳ vọng”, bà Đào Thu Hương chia sẻ.

Tạo sự đồng thuận trong xã hội

Trước những bài toán đặt ra, bà Kiều Thúy Nga khẳng định, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về thư viện để phục vụ cho người khuyết tật chữ in; tăng cường tập huấn nâng cao kỹ năng cho người khuyết tật chữ in và người làm công tác thư viện trong phục vụ người khuyết tật chữ in. Cùng với đó, các cá nhân, đơn vị cần có cái nhìn cởi mở hơn để phối hợp, chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin ở định dạng dễ tiếp cận.

Ngoài ra, với việc hiện chỉ có thư viện tại Hà Nội, TP.HCM và Đồng Tháp có studio sản xuất sách nói; 21/63 thư viện trên toàn quốc hoạt động phục vụ người khuyết tật chữ in; 7 thư viện có phòng đọc sách riêng cho người khuyết tật, bà Kiều Thúy Nga mong muốn, song song với phục vụ đối tượng bạn đọc thông thường, các thư viện cần cố gắng bố trí kinh phí, vận động xã hội hóa nhằm phát triển nguồn tài nguyên thông tin với các định dạng dành cho người khuyết tật chữ in; tạo lập thêm các không gian đọc thân thiện cho họ...

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về thực thi Hiệp ước Marrakesh cũng được giới chuyên môn nhấn mạnh phải tập trung thực hiện. Để công tác tuyên truyền được hiệu quả, tạo sự đồng thuận trong xã hội, bà Đào Thu Hương đề xuất, Việt Nam cần sớm ban hành bản dịch chính thức về Hiệp ước Marrakesh. Chỉ sau khi có bản dịch, hoạt động tuyên truyền mới diễn ra bài bản, thông tin được đưa chính xác đến công chúng.

Nhìn từ cách làm của Thái Lan, bà Đào Thu Hương nêu, nước này đã mở một số chuyên mục trên truyền hình, các tờ báo nhằm tuyên truyền sâu rộng về Hiệp ước, tạo được dư luận tốt. Từ đó, toàn xã hội cùng vào cuộc giúp cải thiện khả năng tiếp cận tài liệu cho người khuyết tật chữ in, phát triển văn hóa đọc cho đối tượng này.

Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) cho hay, bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý, sự đồng thuận của xã hội chính là mấu chốt trong việc triển khai các hoạt động thực thi Hiệp ước. Bà Phạm Thị Kim Oanh nhận định, việc trở thành thành viên của Hiệp ước Marrakesh mới chỉ là thành công bước đầu, khâu triển khai thực hiện mới là quan trọng: “Khi đẩy mạnh tuyên truyền, toàn xã hội sẽ hiểu được tầm quan trọng của việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người khuyết tật thông qua việc được đọc các tác phẩm văn học - nghệ thuật có những định dạng phù hợp. Thách thức được đặt ra ở đây là chưa có nhiều chủ thể sẵn sàng chia sẻ quyền lợi để thực hiện một số ngoại lệ mà Hiệp ước Marrakesh đề cập. Do đó, việc của chúng ta là đẩy mạnh tuyên truyền để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Mỗi người một chân một tay, việc chuyển đổi định dạng giúp người khuyết tật được tiếp cận các tác phẩm đã công bố sẽ dễ dàng hơn rất nhiều”. 

ĐÌNH TOÁN; ảnh: KIM VY

Ý kiến bạn đọc