Đề xuất chính sách đặc thù cho tài năng lĩnh vực nghệ thuật, thể thao ở TP.HCM: Nên “mời” thay vì thi tuyển

VHO- Sở VHTT TP.HCM vừa có báo cáo về kết quả triển khai thực hiện việc hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ trong lĩnh vực văn hóa và thể thao, đồng thời kiến nghị nhiều giải pháp nhằm phát triển tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai của TP giai đoạn 2020-2025 ở các lĩnh vực nói trên.

Đề xuất chính sách đặc thù cho tài năng lĩnh vực nghệ thuật, thể thao ở TP.HCM: Nên “mời” thay vì thi tuyển - Anh 1

 Nghệ sĩ Lê Trinh, một trong những diễn viên trẻ tài năng của sân khấu cải lương

Theo đó, các tiêu chí về tài năng đặc biệt theo quy định hiện nay rất khó có ứng viên đáp ứng. Do một số bất cập trong quy định, công tác đào tạo dài hạn các tài năng trẻ của ngành văn hóa, thể thao hiện nay cũng không thể triển khai theo kế hoạch.

Hàng loạt chương trình, chính sách thu hút tài năng

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM, nhằm triển khai các chương trình, chính sách thu hút tài năng, Sở VHTT đã phối hợp cùng Viện Ngôn ngữ - Quốc tế học (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) nộp hồ sơ cho Sở KH&CN đặt hàng thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ đối với Đề án Nâng cao chất lượng, phát hiện bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao TP.HCM đến năm 2030 trình UBND TP phê duyệt.

Thực hiện chính sách thu hút người có tài năng đặc biệt theo Nghị quyết của HĐND TP và Quyết định của UBND TP về chính sách thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đối với các lĩnh vực mà TP.HCM có nhu cầu giai đoạn 2019-2022 và giai đoạn 2020-2022, nhưng dường như các tiêu chí quá “đặc biệt” nên Sở VHTT chỉ nhận được… duy nhất 1 hồ sơ dự tuyển vào vị trí “Chỉ huy tài năng dàn nhạc giao hưởng”. “Các thành viên Hội đồng có dự buổi biểu diễn của ứng viên nói trên. Hội đồng đánh giá cao màn trình diễn bên cạnh việc đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn theo quy định. Tuy nhiên, hiện nay điều kiện thực tế trong hợp tác, khai thác tài năng thuộc lĩnh vực của ứng viên với đơn vị thuộc Sở định kỳ không thường xuyên, do đó chưa xây dựng được chương trình hoạt động phù hợp (nếu được tuyển chọn). Vì vậy, Sở và ứng viên đang trao đổi để thống nhất kế hoạch hợp tác theo hướng phát huy và khai thác cao nhất tài năng của ứng viên, góp phần phát triển nền âm nhạc hàn lâm của TP”, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết.

Sở VHTT TP cho biết, đã chỉ đạo Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực của đơn vị, trong đó thu hút lực lượng diễn viên trẻ, tài năng (số lượng 30 người), nguồn nhân lực quản lý trẻ, chất lượng cao (21 vị trí) nhằm phục vụ các chương trình nghệ thuật, khai thác hiệu quả Rạp Xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2025. Cùng với đó, ngày 11.3.2022, Sở VHTT có văn bản đề xuất chính sách đãi ngộ mới theo các vị trí cần thu hút như: HLV tài năng môn Bóng chuyền bãi biển; VĐV tài năng môn Bóng chuyền nam; Diễn viên Cải lương; Đạo diễn dàn dựng tác phẩm sân khấu Cải lương. Đồng thời trong năm 2022, Sở cũng đã triển khai cho các đơn vị sự nghiệp lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao đề xuất đặt hàng về đào tạo, bồi dưỡng tài năng, năng khiếu các lĩnh vực nói trên. Phối hợp cùng Trường ĐH Thể dục thể thao TP.HCM, Trường Trung cấp Múa, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM để thực hiện nội dung này.

Nhiều rào cản khi thu hút người có tài năng đặc biệt

Đề án 01-ĐA/TU là một trong nhiều chương trình của TP nhằm thu hút, hỗ trợ, trọng dụng tài năng trẻ; nâng cao chất lượng đội ngũ CB-CVC trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên, về thực hiện thu hút người có tài năng đặc biệt theo Nghị quyết số 20/2018/NQ-HĐND vẫn còn rất nhiều khó khăn. Các tiêu chí về tài năng đặc biệt rất khó có ứng viên đáp ứng; chế độ đối với người có tài năng đang làm việc và định cư ở nước ngoài chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút và giữ chân họ gắn bó lâu dài. Một số người có nhiều thành tích xuất sắc hoặc được xã hội, công chúng công nhận thì đa phần đã lớn tuổi, không cống hiến được lâu dài.

“Văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao là các lĩnh vực chuyên môn đặc thù. Tài năng, năng khiếu rất nhiều nhưng để công nhận là tài năng đặc biệt thì còn vướng rào cản ở khái niệm. Đối với tài năng trẻ đặc biệt thì mức độ tạo ra thu nhập của họ từ tài năng là rất lớn so với chính sách thu hút của Nhà nước, do đó, việc giới thiệu họ ứng tuyển đôi lúc còn khó khăn, nên có chính sách “mời” thay vì thi tuyển, phỏng vấn, tuyển chọn”, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM bày tỏ. Theo các chuyên gia, hiện nay nguồn lực cơ sở vật chất, kỹ thuật và tài chính, sự chênh lệch giữa tài năng đặc biệt và mặt bằng chung, môi trường làm việc chuyên nghiệp tại đơn vị là rào cản để thu hút người có tài năng đặc biệt. Công tác đào tạo tài năng trẻ ở nước ngoài cũng như hiệu quả của chính sách trọng dụng nhân tài về văn học nghệ thuật còn gặp nhiều khó khăn do nguồn nhân lực đủ trình độ tham mưu tại các đơn vị còn hạn chế. Chế độ tiền lương và mức bồi dưỡng cho người có tài năng nghệ thuật chưa thật sự thỏa mãn, chưa xứng đáng với những công sức lao động mà họ đã thực hiện.

“Thời gian qua, công tác đào tạo, chuẩn bị lực lượng kế thừa, nguồn nhân lực chất lượng cao được Sở và các đơn vị trực thuộc rất quan tâm, tuy nhiên do chính sách thu hút chưa đáp ứng nhu cầu nên nhân sự kế thừa từ cán bộ, lãnh đạo quản lý đến đội ngũ trực tiếp làm công tác chuyên môn vẫn còn tình trạng thiếu, khuyết. Bên cạnh đó, cùng với sự khổ luyện trong học nghề thì đa số là học truyền nghề, không có đủ bằng cấp để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng. Tiền lương và chế độ đãi ngộ dành cho các tài năng chưa tương xứng, rất khó để thu hút nhân tài, điều này sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống”, bà Thúy phân tích.

Với lĩnh vực thể thao, lực lượng VĐV được cử đi đào tạo nước ngoài đa phần nằm trong độ tuổi học sinh, phải đi tập huấn xa nhà trong thời gian dài nên ảnh hưởng đến học văn hóa. Do hạn chế về ngoại ngữ nên các VĐV gặp khó khăn trong việc huấn luyện. Đáng chú ý, VĐV không thuộc phạm vi áp dụng và đối tượng điều chỉnh theo Điều 1 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về Đào tạo, bồi dưỡng CB-CVC; không thuộc phạm vi áp dụng và đối tượng điều chỉnh theo Điều 1 Thông tư số 36/2018/TT- BTC của Bộ Tài chính về Hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng CB-CVC. Do đó, công tác đào tạo dài hạn các tài năng trẻ của ngành văn hóa, thể thao hiện nay không thể triển khai theo kế hoạch.

Đề xuất chính sách đặc thù lĩnh vực nghệ thuật truyền thống và thể thao thành tích cao

Theo Sở VHTT, đối với lĩnh vực thể dục thể thao cần xác định mục tiêu cao nhất và trong từng giai đoạn để có kế hoạch đào tạo dài hạn hợp lý, mang tính đột phá. Đây là lực lượng kế thừa đáng quý trong tương lai, giúp TP.HCM hình thành một đội ngũ cán bộ, HLV đáp ứng nhu cầu chuyên môn. Do đó, đào tạo dài hạn tài năng trẻ ở nước ngoài vẫn là giải pháp hiệu quả nhất đáp ứng được yêu cầu phát triển cho thể thao thành tích cao TP.

Từ thực tế đó, Sở VHTT đề xuất UBND TP giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp Sở VHTT tham mưu UBND TP điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 17/2019/QĐ-UBND ban hành Quy định về chính sách thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đối với các lĩnh vực TP.HCM có nhu cầu giai đoạn 2019-2022, nhằm tạo thuận lợi trong thu hút người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao. Cụ thể, cần điều chỉnh về thu nhập, mức đãi ngộ cho người có tài năng đặc biệt; tăng mức đầu tư cho tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sáng tạo nghệ thuật; môi trường làm việc tại các đơn vị công lập, chế độ, chính sách cho lực lượng văn nghệ sĩ, huấn luyện viên, VĐV.

Tiềm lực lĩnh vực văn hóa, thể thao của TP.HCM là rất lớn, song thực tế thì chưa xứng tầm với đô thị bậc nhất, hiện đại cả nước. Để tiếp tục tham mưu UBND TP.HCM triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 01, ngoài những nội dung trên, hiện Sở VHTT đang dự thảo các nội dung tham mưu đề xuất xin chủ trương UBND TP trình HĐND TP ban hành chính sách đặc thù về đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu, tài năng lĩnh vực nghệ thuật, thể thao (nghệ thuật truyền thống, thể thao thành tích cao) của TP.HCM từ giai đoạn phát hiện sớm để kịp thời hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ làm tiền đề cho quá trình phát triển, đưa những tài năng này vào sử dụng, phục vụ cho sự nghiệp nghệ thuật, thể thao của TP những năm về sau. 

Đối với tài năng trẻ đặc biệt thì mức độ tạo ra thu nhập của họ từ tài năng là rất lớn so với chính sách thu hút của Nhà nước, do đó, việc giới thiệu họ ứng tuyển đôi lúc còn khó khăn, nên có chính sách “mời” thay vì thi tuyển, phỏng vấn, tuyển chọn.

(Bà NGUYỄN THỊ THANH THÚY, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM)

 

 THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc