Du lịch nông nghiệp vùng ĐBSCL: Đang thiếu cơ chế thúc đẩy

VHO- Có thể thấy sau Covid-19, loại hình du lịch xanh và du lịch sinh thái… được du khách trong và ngoài nước ưu tiên hơn trong “thực đơn” chọn tour của mình. Đáp ứng xu hướng đó, du lịch nông nghiệp trở thành loại hình thỏa mãn nhu cầu ăn uống xanh, sống xanh, giải trí xanh, mua sắm sản phẩm xanh cũng như nhu cầu được thâm nhập vào đời sống của nông thôn, hiểu người nông dân và môi trường tự nhiên của du khách.

Du lịch nông nghiệp vùng ĐBSCL: Đang thiếu cơ chế thúc đẩy - Anh 1

 Du lịch nông nghiệp đang là xu hướng mới của du khách

 Tuy nhiên, theo một kết quả khảo sát mới đây, việc khai thác chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp đáp ứng xu hướng này ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hiện chưa tương xứng tiềm năng và chưa tạo sức bật cho du lịch nông nghiệp của vùng bứt phá.

Xu hướng mới

Là vùng đất hiền hòa, khí hậu mát mẻ, cây lành trái ngọt và nhiều sản vật thiên nhiên ban tặng, cùng với tài nguyên văn hóa đa dạng… Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hội đủ các tiềm năng để đưa loại hình du lịch nông nghiệp bứt phá. Điển hình tại tỉnh Đồng Tháp, tuy mới hình thành và phát triển những năm gần đây nhưng đã góp phần đa dạng hóa, làm phong phú sản phẩm, tăng thêm sự lựa chọn cho du khách khi khám phá vẻ đẹp của vùng đất Sen hồng.

Theo ông Ngô Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Đồng Tháp, tuy xuất phát trễ nhưng địa phương đã phát triển được 65 điểm tham quan du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng đi vào hoạt động phục vụ khách tham quan trải nghiệm khá hiệu quả. Lúc đầu là phát triển tự phát với 5 hộ dân trồng Sen ở huyện Tháp Mười, tiếp đến các hộ dân có vườn cam, quýt ở huyện Lai Vung đã mạnh dạn mở cửa vườn đón khách du lịch đến tham quan. Thành phố Cao Lãnh - thủ phủ đất Sen hồng cũng đã xây dựng và phát triển mô hình Làng du lịch Tân Thuận Đông. Trong các mô hình du lịch cộng đồng, thành công nhất là mô hình các hộ trồng hoa ở Làng hoa Sa Đéc thu hút đông đảo du khách khắp mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế đến tham quan, thưởng ngoạn.

Ông Phan Xuân Anh, Công ty Du ngoạn Việt cho biết, khách du lịch đang có xu hướng chủ động tìm đến những nơi gần gũi với thiên nhiên, ruộng đồng, vườn tược, sông suối… thuận tiện cho các hoạt động mang tính trải nghiệm, thân thiện với môi trường. Đây không hẳn là trào lưu mà trở thành lối sống mới, cách thưởng thức cuộc sống an toàn hơn, thư giãn hơn để xóa đi khoảng cách giữa con người với thiên nhiên.

Theo PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), phát triển du lịch nông nghiệp không những tạo ra sản phẩm hấp dẫn để thu hút du khách trong và ngoài nước mà còn góp phần tạo sinh kế bền vững cho người nông dân. Điểm đặc biệt của du lịch nông nghiệp chính là sự kết hợp giữa các giá trị tự nhiên và giá trị văn hóa truyền thống tại khu vực nông thôn. Chính vì thế, phát triển du lịch nông nghiệp còn góp phần bảo vệ môi trường nông thôn cũng như tài nguyên du lịch, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các vùng miền trên cả nước.

Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, riêng tại vùng ĐBSCL, việc khai thác chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp hiện chưa tương xứng tiềm năng và chưa tạo sức bật cho du lịch nông nghiệp của vùng bứt phá. Điển hình như các hoạt động trực tiếp khai thác và cung cấp dịch vụ, sản phẩm du lịch nông nghiệp còn khá ít, tương đối trùng lặp, chưa thực sự thu hút du khách; sự kết nối giữa các chủ thể tham gia chuỗi dịch vụ còn mang tính cơ học, chưa liên tục; hoạt động liên kết thiếu vai trò điều phối của “nhạc trưởng” nên liên kết còn mờ nhạt... Cũng theo PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, mối quan hệ giữa người dân, chính quyền và doanh nghiệp chưa thể hiện chặt chẽ, các chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp tuy hình thành nhưng chưa rõ nét, nhiều mô hình chuỗi chưa thật sự hiệu quả.

Cần có cơ chế đặc thù

Theo ông Phan Đình Huê, Chủ tịch Công ty Dịch vụ Du lịch Vòng Tròn Việt (TP.HCM), xu hướng du lịch hậu Covid-19 được dự báo trước đây, nay đang trở thành hiện thực, đó là khách nội địa tập trung đi du lịch trong nước với các điểm đến có nhiều yếu tố thiên nhiên. Đây là cơ hội lớn cho du lịch nông nghiệp ĐBSCL bứt phá. Việc cần thúc đẩy trong thời gian tới để khai thác hiệu quả “mỏ vàng” du lịch nông nghiệp ĐBSCL là đẩy mạnh liên kết với TP. HCM - nơi có năng lực về chuyên môn, vốn và thị trường… Để việc liên kết này trở thành hiện thực, cần thiết phải có chính sách hỗ trợ về vốn, đất đai và thuế cho các nhà đầu tư. Trong đó, quan trọng nhất là cho phép xây dựng các cơ sở lưu trú nhỏ, thân thiện với môi trường ở các trang trại nông nghiệp để đón khách du lịch.

Các chuyên gia du lịch cũng nhìn nhận, hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM và vùng ĐBSCL dù đã được xây dựng và triển khai trong thời gian qua. Tuy nhiên, chưa thực sự phát huy được hiệu quả do thiếu cơ chế thúc đẩy. Do đó, cần có cơ chế đặc thù, chính sách hỗ trợ cần thiết nhằm khuyến khích phát triển du lịch nông nghiệp ĐBSCL.

Bên cạnh đó, cần đầu tư phát triển nhanh kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch của vùng nhằm đắp ứng nhu cầu gia tăng lượng khách. Đặc biệt là ưu tiên hạ tầng kết nối tới các khu, điểm du lịch của các địa phương trong vùng và TP.HCM. Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch khuyến nghị, nên mở rộng thêm đường bay kết nối Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế, điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Cà Mau và Cảng hàng không Rạch Giá, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 cơ bản nâng cấp tất cả các cảng hàng không trong vùng ĐBSCL, đáp ứng nhu cầu vận tải và phát triển du lịch. Đối với hệ thống cơ sở lưu trú, tập trung phát triển phù hợp với cảnh quan, văn hóa, kiến trúc địa phương để tạo nét khác biệt, hấp dẫn. Bảo tồn và phát triển các giá trị cốt lõi để phát triển mạng lưới sản phẩm du lịch đặc thù của vùng gắn với thương hiệu về du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái... 

HOÀNG HẢI

Ý kiến bạn đọc