Người “mắc nợ” với thanh âm cồng chiêng

VHO- Hơn 60 tuổi đời nhưng đã có gần 50 tuổi nghề, nghệ nhân Dương Quốc Thuần ở làng nghề đúc đồng Phước Kiều, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), lúc nào cũng đau đáu với thanh âm của những sản phẩm, nhạc cụ chế tác từ đồng.

Người “mắc nợ” với thanh âm cồng chiêng - Anh 1

 Nghệ nhân Thuần đang chỉnh chiêng sau khi đúc

Ông tự nhận mình là gã mê nghề đúc đồng, nặng lòng với thanh âm từ đồng, lúc nào cũng chỉ mong “tiếng đồng” của quê mình được vang xa hơn nữa ngoài không gian làng.

Đi theo tiếng cồng chiêng đại ngàn

Nhắc đến ông Dương Quốc Thuần, người trong nghề đều trầm trồ dành nhiều lời khen tặng. Không chỉ là nghệ nhân điêu luyện với nghề đúc đồng, ông còn là người đã đưa thanh âm của làng nghề truyền thống nổi tiếng Phước Kiều với hơn 400 năm tuổi vươn ra với thế giới.

Sinh ra trong gia đình có nghề truyền thống đúc đồng, chưa đầy 15 tuổi, ông Thuần đã theo cha học và làm nghề. Học nghề từ cha 10 năm trời, nhưng ông không bằng lòng an phận với công việc đúc đồng đơn thuần như một người thợ nghề bình thường mà luôn học hỏi, tìm tòi. Ông rời làng nghề lang bạt khắp nơi để học hỏi những điều hay. Ở Phước Kiều, nhắc đến ông, người ta hay gọi ông Thuần với biệt danh “gã lang thang nơi đại ngàn”. “Những ngày rong ruổi, tôi lần theo thanh âm của các nhạc cụ cồng chiêng ở Tây Nguyên, qua đến Lào và Miến Điện, rồi lại quay về vùng đồng bào Cơ Tu ở Quảng Nam. Cứ như bị những âm thanh ấy mê hoặc, quyến rũ và rồi ngỡ ngàng phát hiện ra âm thanh đặc biệt từ đồng mà xứ mình đúc hay đến mê hồn”, ông Thuần tâm sự.

Nặng lòng với nghề, với thanh âm, ông không chỉ học nghề đúc đồng, chế tác cồng chiêng, mà còn dồn cả tình yêu, lòng nhiệt huyết đối với nghề truyền thống vào mỗi sản phẩm. Đôi bàn tay tài hoa, đôi tai nhạy bén, cảm âm tốt, những bộ cồng chiêng của ông đúc nên, đã thành một thương hiệu rất riêng, được đồng bào dân tộc ở dọc dãy Trường Sơn yêu thích, tìm đến để đặt làm. Một trong những đam mê của ông chính là tìm tòi kết hợp các chất liệu hợp kim để pha chế, sáng tạo ra những loại nhạc cụ mới lạ, độc đáo. Cách đây 7 năm, ông Thuần thử kết hợp những mảnh bom đạn còn sót lại trong chiến tranh để chế tác thành công Trống Hang Drum và Tongue Drum (trống trời), một loại trống có nguồn gốc xuất phát từ Thụy Sĩ. Cơ sở “Tiếng Đồng” của ông Thuần là cơ sở duy nhất ở Phước Kiều xuất khẩu được các loại nhạc cụ sản xuất từ kim loại này ra nước ngoài.

“Gọi là Trống trời là vì mình lấy những mảnh bom từ trên trời rơi xuống, còn sót lại sau chiến tranh, tạo ra âm thanh, với mong muốn âm thanh, tiếng nhạc đó chữa lành vết thương chiến tranh, cũng như cầu cho những nạn nhân qua đời do trúng bom đạn được siêu thoát”, ông Thuần tâm sự. Một trong những sản phẩm mang dấu ấn của ông là bộ chiêng 18 chiếc được một người Pháp đặt hàng, trưng bày tại một bảo tàng tư nhân ở Pháp. Nhiều nước ở châu Á có truyền thống chơi cồng chiêng, trong đó có Hàn Quốc cũng đã tìm đến đặt đúc bộ chiêng 300 chiếc.

Giữ lửa cho làng nghề

Có những thời điểm, làng nghề Phước Kiều có nguy cơ thất truyền. Những nghệ nhân lớn tuổi, giỏi nghề không còn nhiều, người mất, người bỏ nghề. Người trẻ thì không mặn mà theo nghề vì khó kiếm sống. Người làng nghề cũng chỉ làm những vật dụng đơn giản, thông dụng để sống qua ngày.

Những sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật cao như cồng, chiêng, lư,… đòi hỏi phải có thợ lành nghề, nghệ nhân đúc ra phải có sự cảm thụ thanh âm tốt thì sản phẩm mới được tìm mua. Người theo nghề đúc đồng, thẩm âm (nghe, chỉnh âm thanh các loại cồng chiêng, nhạc cụ đúc bằng đồng) ở Phước Kiều thì rất nhiều. Nhưng am hiểu được âm thanh nguyên bản của các loại cồng chiêng thì rất hiếm. Những bậc tiền bối, nghệ nhân lành nghề của làng người thì phần lớn đã lớn tuổi, người đã qua đời, hiếm hoi lắm mới tìm được người giỏi nghề, giỏi thẩm âm như ông Thuần. Những ngày lang thang nơi đại ngàn, ông Thuần nhìn thấy tiềm năng thị trường cồng chiêng rất lớn ở vùng núi Quảng Nam, cũng như các vùng lân cận. Ông bắt đầu dành thời gian học hỏi kỹ thuật đúc cồng chiêng, cộng với khả năng cảm âm tốt, ông đã học và đúc thành công bộ cồng chiêng đặc trưng của đồng bào Cơ Tu ở vùng Quảng Nam. Rồi lại tiếp tục vừa học, vừa thử nghiệm, ông thử sức mình với nhiều loại cồng chiêng đặc trưng của đồng bào vùng cao như bộ chiêng Bana, Êđê, Gia Rai, Mnông, chiêng đôi của đồng bào K’Ho,..

Tên tuổi và sản phẩm của làng Phước Kiều bắt đầu được nhiều người, nhiều nơi biết đến. Không chỉ đồng bào, già làng ở các vùng cao Quảng Nam, còn có nhiều người đến từ Tây Nguyên như Gia Lai, Đắk Nông,… tìm đến đặt hàng ông chế tác các bộ cồng chiêng cho đồng bào mình. Nói về ông Thuần, ông Zơ Râm Đhông, một người buôn bán chiêng có tiếng ở thị trường Tây Nguyên, Lào chia sẻ: “Anh Thuần là người hiểu, cảm được tiết tấu, âm ngân của từng cái chiêng, từng dòng chiêng đặc trưng của mỗi vùng đồng bào dân tộc. Không chỉ có đôi tay tài hoa, anh còn có đôi tai cảm âm rất chuẩn, vì thế các bộ cồng chiêng từ Tây Nguyên đến các vùng miền núi ở Quảng Nam phần lớn đều đặt hàng từ anh. Đặc biệt hơn, anh là người duy nhất của làng còn biết chỉnh sửa được các loại cồng chiêng cổ, cũ”.

Ông Thuần chia sẻ: Mỗi bộ cồng chiêng, nhạc cụ của mỗi đồng bào dân tộc khác nhau hoàn toàn, từ thanh âm đến cách trình diễn. Khi mới nghe thì âm thanh na ná như vậy, nếu nghe, cảm âm, phân định rõ, tùy theo từng bộ cồng chiêng của từng dân tộc đều mang tiết tấu, âm điệu khác nhau. Chẳng hạn như tiếng chiêng của đồng bào Bahnar và Jrai trữ tình, sâu lắng; của đồng bào Ê đê thì âm thanh sôi động, âm thanh cồng chiêng của đồng bào K’Ho như mạch nước ngầm, lúc dữ dội như thác đổ, lúc ung dung dịu nhẹ,… “Vì thế, làm thế nào để cảm âm, căn chỉnh, thẩm âm, phân biệt được từng tiết tấu, âm điệu của mỗi loại trong bộ cồng chiêng là điều rất khó, đòi hỏi người nghe phải có đôi tai cảm nhận đặc biệt nhạy cảm, thấu hiểu văn hóa của từng dân tộc mới có thể chế tác phù hợp. Làm được một bộ cồng chiêng, được đồng bào chấp nhận, vừa lòng, mỗi lần như thế, là đã thấy rất vui, rất có niềm tin với cái nghề mà mình theo đuổi rồi”, ông Thuần tâm sự.

Đúc cồng chiêng không phải chỉ cần lấy đồng nấu trong lò, đổ vào khuôn là đã ra sản phẩm, bà Ngô Thị Hết, vợ ông Thuần, cũng là người đảm nhiệm khâu pha chế và nấu lò dí dỏm kể. Muốn có được bộ cồng chiêng đặc trưng của từng dân tộc, khâu pha chế và nấu kim loại rất quan trọng. Chỉ riêng phần đồng đã có đến 3 loại, ngoài ra còn có nhiều kim loại khác. Mỗi cái chiêng tùy kích thước lớn, nhỏ khác nhau mà công thức, liều lượng pha chế cũng điều chỉnh. Nếu không am hiểu quy trình pha chế thì xem như sản phẩm thất bại. Công thức này thuộc loại bí quyết gia truyền. Nhờ công thức nên mới cho ra từng chiếc chiêng vang, ngân, thanh, trầm... rõ và xa.

Cơ sở của ông Thuần cũng luôn sẵn sàng chào đón, truyền nghề cho những người muốn đến tìm học, nhất là các bạn trẻ trong làng. Vì với ông, bảo tồn, phát triển làng nghề cũng là một trong những yếu tố quan trọng để có thể bảo tồn, phát huy giá trị không gian văn hóa của cồng chiêng. 

H.MINH - T.HOÀI

Ý kiến bạn đọc