Những nốt trầm...  Kỷ lục (Kỳ 1): Tôi không dư tiền để đánh bóng tên tuổi

VHO- Đó là một trong những câu mà nhiếp ảnh gia Thái Phiên viết trên trang FB của mình cách đây mấy năm và được một tờ báo lớn dẫn lại làm ví dụ cho sự “lạm phát” kỷ lục Việt Nam.

Những nốt trầm...  Kỷ lục (Kỳ 1): Tôi không dư tiền để đánh bóng tên tuổi - Anh 1

Chiếc áo dài “Dấu ấn thời gian” vừa được xác lập kỷ lục áo dài dài nhất, nặng nhất Ảnh: BTC

Không thể phủ nhận, việc xác lập kỷ lục Việt Nam đối với tổ chức, đơn vị, cá nhân đã mang lại những nguồn cảm hứng không nhỏ đối với chủ thể và cả cộng đồng, góp phần khích lệ sức sáng tạo cho mọi người. Nhưng gần đây, việc công nhận hay xác lập kỷ lục đưa đến nhiều nốt trầm, gây băn khoăn trong dư luận với những câu hỏi, cần làm gì để xứng đáng là kỷ lục Việt Nam?

 Nói gì thì cũng phải thừa nhận, vào những năm đầu của việc xác lập hay công nhận kỷ lục Việt Nam, nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân được vinh danh thật xứng đáng với thành tích, kết quả vượt trội, khiến cho xã hội phải “ngã mũ kính nể”. Nhưng rồi về sau, điều ấy cứ giảm dần, thay vào đó chủ yếu là cho cái nhất, ví như “to nhất”, “nặng nhất”, “cao nhất”, “lớn nhất”, “dài nhất”, “nhiều nhất”… cho tới “lần đầu tiên” xuất hiện, “lần đầu tiên” ra mắt.

Phàm ở mình, cái gì nhiều quá cũng trở nên nhàm. Không những vậy, khi cá nhân, tổ chức hay sản phẩm nào đó được vinh danh kỷ lục kiểu đại loại như vừa dẫn ở trên cũng trở nên khiên cưỡng. Sự là, cách đây không lâu, tại diễn đàn nghị trường, khi thấy báo chí rần rần đưa tin có doanh nghiệp cúng tiến lên khu di tích đền Hùng (Phú Thọ) hai sản phẩm đạt kỷ lục là chiếc bánh chưng lớn nhất từ trước đến nay và một chai rượu… “khủng” nhất chứa hàng nghìn lít, sau đó vì thời tiết, một phần bánh chưng bị hỏng, một vị đại biểu Quốc hội đã nêu câu hỏi chất vấn. Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã tiếp thu và có biện pháp chấn chỉnh theo hướng không đưa các sản phẩm ấy lên dâng lễ. Tại thời điểm đó, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa cũng đã chê bai đủ điều về cái gọi là kỷ lục này. Những tưởng sau cái sự “to nhất”, “lớn nhất” ấy sẽ được rút kinh nghiệm, tập trung cho những điều tinh túy, đầy yếu tố sáng tạo, nào ngờ vinh danh cái “nhất” vẫn cứ đều đều xuất hiện.

Cũng là cái “nhất” nữa nhưng cái “nhất” lần này thì thật khó cưỡng và dường như không thấy báo đài đưa tin, phản ánh gì, hay vì một lý do tế nhị nào đó. Một người trong cuộc kể, cách đây độ hơn một năm có theo đoàn lên địa phương thuộc vùng trung du miền núi phía Bắc để trao bằng xác lập kỷ lục cho một người đam mê viết nhạc. Thành tích của người đam mê viết nhạc này chính là ông ta viết nhiều bài hát nhất…, chừng đâu đó hơn trăm nhạc phẩm. Khi được hỏi, vậy ông ta có bài hát nào nổi tiếng và được công chúng qua nhiều thế hệ hát đi hát lại không, người trong đoàn cho hay, “cái đó thì không biết, chỉ biết mấy chục năm nay ông ấy tập trung sáng tác. Trong làng nhạc sĩ, ông này cũng không có tên tuổi gì”. Đang đà câu chuyện, người viết chua vào, “lại là nhiều nhất hay sao”, câu trả lời nằm ở nơi… lấp lửng.

Ở đời ai mà chẳng muốn được ghi nhận, vinh danh, song sự công nhận hay xác lập kỷ lục cũng nên có sự nghiên cứu, lựa chọn để khi công bố phải khiến dư luận xã hội thật trầm trồ, thán phục. Cách đây mươi năm, một cụ ông gần 90 tuổi ở TP Hội An được vinh danh là “Người gánh nước thuê trong thời gian dài nhất tại Việt Nam”. Chưa cần bàn đến việc đó đúng hay sai bởi dọc dài đất nước này, người gánh thuê nước nhiều như… nước sông Hồng, nhưng ngay lập tức đã thu hút sự bình luận của cộng đồng mạng. Nhiều ít ý kiến bày tỏ thái độ ngạc nhiên, thậm chí rất bất bình. Thời điểm đó, một người có trách nhiệm nơi trao bằng lý giải rằng, trao tặng để ghi nhận việc làm mà không phải ai cũng làm được như cụ ông ở Hội An, rồi hy vọng ý chí và nghị lực sống của cụ sẽ truyền cho mọi người sức mạnh để sống, để làm việc, để vươn lên trong cuộc sống. Mọi nghề nghiệp nếu không vi phạm pháp luật và thuần phong mỹ tục, tất cả đều đáng được tôn vinh, được trân trọng. Trả lời như vậy thì chuẩn quá rồi, nhưng nếu suy nghĩ nghiêm túc thì có người cảm thấy chột dạ bởi nó thật là “vụng chèo nên khéo chống”.

Trở lại câu chuyện của nhiếp ảnh gia Thái Phiên. Năm 2017, trên trang facebook cá nhân, nhiếp ảnh gia Thái Phiên viết câu chuyện về bản thân mình, và được một tờ báo lớn ở Trung ương dẫn lại để minh chứng cho sự “lạm phát” kỷ lục: “Cách đây chừng 5 năm, có một nhân viên của Vietkings liên hệ gặp tôi để viết bài giới thiệu và đưa cho tôi bốn mẫu tờ khai để tiến hành làm thủ tục Xác lập Kỷ lục Việt Nam với kỷ lục “Xuất bản sách ảnh khỏa thân nghệ thuật đầu tiên ở Việt Nam và công bố tác phẩm ảnh khỏa thân nghệ thuật nhiều nhất tại Việt Nam”. Sau khi phỏng vấn, anh ta đề nghị tôi chi năm triệu đồng (gọi là chi phí... gì gì đó). Tôi đứng dậy: “Anh về đi! Tôi không dư tiền để đánh bóng tên tuổi của mình, nếu Vietkings xác lập hoặc không xác lập kỷ lục này thì mọi người cũng đã biết cả rồi”.

Và mới đây nhất, dư luận lại một phen bàn tán về chiếc áo dài được xác lập dài nhất, nặng nhất. Trong quá trình thực hiện loạt bài viết này, chúng tôi có liên hệ qua điện thoại với một nhà nghiên cứu văn hóa, vốn là quan chức lãnh đạo của một Ủy ban Quốc hội nay đã về hưu, để nghe suy nghĩ của ông trước “lạm phát” kỷ lục. Đầu bên kia, ông nói: “Xin phép mình không bình luận vì có lý do tế nhị, nhưng theo mình, Văn Hóa nên lên tiếng để góp ý chứ công nhận nhiều cái “nhất” như thế sẽ mất uy tín”.

 PGS.TS NGUYỄN THỊ MINH THÁI: “Chuyện này khiến tôi nhớ vở kịch nổi tiếng: Bệnh sĩ

Xác lập hay công nhận kỷ lục là câu chuyện mà thế giới đã có tổ chức làm, đã có thành quả. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc trao kỷ lục như đã làm, đã được công bố rộng rãi trên truyền thông, thì thấy quá nhiều bất cập vì nó thiếu cơ sở cả về định lượng, định tính.

Ví dụ, cứ thật to, thật nặng, thật dài, thật đông… là trao kỷ lục. Chẳng hạn như cái bánh chưng khổng lồ hay bát phở thật to, áo dài thật dài… dằng dặc. Tất cả đều là đệ nhất kỷ lục! Dư luận bức xúc đặt ra câu hỏi, tại sao chúng trở thành kỷ lục? Kỷ lục ấy có ý nghĩa gì, có thúc đẩy sự phát triển văn hóa vật chất Việt Nam, hay nó thuần tuý chỉ có giá trị về sự to lớn, khổng lồ, dài dặc mà thôi? Vậy trao kỷ lục như thế để làm gì, phải chăng để khoe mẽ, phải chăng đã mắc một “căn bệnh” mà nhà viết kịch Lưu Quang Vũ từng phê phán bằng tiếng cười hài hước: Bệnh sĩ?

Trong xã hội hiện đại, bệnh sĩ được viết tắt: GATO (chỉ sự “ghen ăn tức ở”). Vì thế, tôi ngờ rằng, tiêu chí trao kỷ lục ở Việt Nam là rất chung chiêng, đậm vẻ “hình thức chủ nghĩa” của bệnh thành tích, trong việc ưa thích phô diễn, trưng bày. Như việc dâng bánh chưng để cúng tổ tiên, vốn là một cử chỉ nghi lễ thiêng liêng của người Việt. Từ bao đời, chiếc bánh chưng - vuông, bánh dày - tròn, vốn là cặp biểu tượng Trời - Đất (Trời tròn - Đất vuông) của người Việt truyền thống, rất vừa vặn để đặt trên ban thờ cúng tổ tiên, vậy hà cớ gì mà phải phóng to bánh chưng ấy lên cỡ khủng, với cả nghìn cân gạo nếp, cả trăm cân thịt, đỗ xanh,... cùng hàng trăm nhân lực chế biến gạo thịt, gói lá, đun nấu ngày đêm… chỉ cốt biểu diễn việc rước bánh chưng khổng lồ, với mục đích duy nhất là nhận… kỷ lục. Hoặc thích lập kỷ lục hát Quan họ Bắc Ninh với hàng nghìn người mặc trang phục quan họ, cùng hát… đồng ca. Cách đua đòi đầy phản cảm này là học theo kiểu dàn đồng ca của âm nhạc phương Tây, đi ngược hẳn với truyền thống âm nhạc dân gian Việt, triệt tiêu mọi đặc trưng hát giao duyên vốn có của quan họ.

Đã là kỷ lục thì không thể tràn lan, tùy tiện, mà thực sự phải là tinh hoa Việt Nam, chứa đựng bản sắc văn hóa Việt, khiến dư luận xã hội phải thừa nhận, và hơn nữa, tự hào, chứ không thể khiến dư luận thấy quá lố đến nực cười. Việc xác lập kỷ lục phải dựa trên nét đẹp văn hóa Việt, về bản chất, về giá trị độc đáo, riêng biệt, chứ không thể bị làm biến tướng, méo mó. Cũng có thể có kỷ lục mà thế giới công nhận nhưng ở Việt Nam lại không thể, bởi lẽ mỗi quốc gia đều có bản sắc riêng và không phải cứ nhắm mắt học đòi theo họ thì có thể gọi là hội nhập. Qua đây, tôi cho rằng khi gọi kỷ lục Việt Nam là đã mang tính chất quốc gia. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước phải xây dựng tiêu chí về kỷ lục cho rõ ràng, minh bạch và phải có hội đồng văn hóa nghệ thuật quốc gia để thống nhất và rà soát về tiêu chí tôn vinh các giá trị văn hóa riêng của kỷ lục Việt Nam, về những cái nhất phải là tử tế và thật sự đáng giá, chứ không thể “to nhất” “nặng nhất”, “khủng nhất”, “dài nhất”… một cách hài hước như đã thấy… T.HIỀN (ghi)

LÂM SƠN

(Còn nữa)

Ý kiến bạn đọc