63 năm thăng trầm của ngành Du lịch Việt Nam

VHO- Sáng 5.7, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Du lịch Hà Nội tổ chức Hội nghị Triển khai Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 18.5.2023 của Chính phủ và Kỷ niệm 63 năm ngày thành lập Ngành Du lịch Việt Nam.

63 năm thăng trầm của ngành Du lịch Việt Nam - Anh 1

Hội nghị Triển khai Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 18.5.2023 của Chính phủ và Kỷ niệm 63 năm ngày thành lập Ngành Du lịch Việt Nam diễn ra tại Hà Nội và 22 đầu cầu trực tuyến

Hội nghị có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình và 200 đại biểu trực tiếp đại diện các Sở quản lý du lịch, Trung tâm xúc tiến du lịch, 23/28 lãnh đạo Hiệp hội Du lịch các địa phương và hàng trăm doanh nghiệp du lịch trên cả nước, cùng 22 đầu cầu trực tuyến ở các địa phương.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Thế Bình cho rằng, mặc dù có hành trình 63 năm phát triển và đạt được thành công nhất định, nhưng hiện nay, ngành Du lịch Việt Nam đang đối mặt với những thử thách to lớn. Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã khiến ngành phải chịu tác động tiêu cực nặng nề, đẩy lùi sự phát triển của ngành du lịch hàng chục năm. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo kịp thời và sáng suốt của Chính phủ, nhiều quyết sách quan trọng đã được ban hành trong 3 năm qua cho ngành Du lịch đã chứng tỏ sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Chính phủ đối với ngành Du lịch.

Ngày 18.5.2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Ngày 24.6.2023, Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi, Bổ sung một số điều của Luật xuất nhập cảnh của công dân Việt NamLuật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam với nhiều quy định thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

63 năm thăng trầm của ngành Du lịch Việt Nam - Anh 2

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt phát biểu tại Hội nghị

“Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận thức sâu sắc đây là cơ hội to lớn cho ngành Du lịch và cũng là trách nhiệm nặng nề của các doanh nghiệp du lịch cả nước. Với tinh thần đó, chúng tôi đã xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP. Hoạt động này thể hiện sự thống nhất tư duy và hành động của cộng đồng doanh nghiệp du lịch là hội viên của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, và sự cam kết của cộng đồng doanh nghiệp du lịch Việt Nam trong thực thi đường lối chính sách của Đảng, Chính phủ và Quốc hội về phát triển du lịch”, ông Vũ Thế Bình cho biết.

Tại Hội nghị, ông Vũ thế Bình kêu gọi sự tham gia và đồng lòng của hệ thống doanh nghiệp du lịch cả nước trong việc triển khai ngay kế hoạch hành động này, đưa các chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ VHTTDL thành các hành động cụ thể trong hoạt động của các doanh nghiệp, mang lại kết quả tốt đẹp cho doanh nghiệp và cho ngành Du lịch Việt Nam.

63 năm thăng trầm của ngành Du lịch Việt Nam - Anh 3

Lãnh đạo Bộ VHTTDL, Hiệp hội Du lịch Việt Nam điều hành phiên thảo luận

Nhắc lại chặng đường hình thành và phát triển 63 năm qua, kể từ ngày 9.7.1960, khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký Nghị định số 26/ CP về việc thành lập Công ty Du lịch Việt Nam, đến nay, ngành Du lịch đã khẳng định sự đóng góp quan trọng trong công cuộc phát triển đất nước.

63 năm qua, ngành Du lịch Việt Nam đã trải qua 3 giai đoạn lớn, mỗi giai đoạn đều gắn với những chỉ đạo quan trọng của Đảng và Chính phủ.

Giai đoạn thứ nhất (1960 -1978), với những bước thử nghiệm trong phát triển ngành kinh tế du lịch, từ một ngành chuyên phục vụ các chuyên gia, khách của Nhà nước, Du lịch từng bước chuyển dần sang hoạt động kinh tế. Giai đoạn này có một dấu ấn quan trọng khi Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 145/NĐ-CP ngày 18.8.1969 chuyển Công ty Du lịch Việt Nam từ Bộ Ngoại thương sang trực thuộc Phủ Thủ tướng.

Trong bối cảnh đất nước trải qua nhiều năm chiến tranh và cấm vận, ngành Du lịch vẫn từng bước phát triển. Sau khi tiếp quản các cơ sở du lịch ở các tỉnh miền Nam sau 1975, đồng thời xây dựng nhiều cơ sở du lịch mới ở các tỉnh phía Bắc, du lịch Việt Nam đã từng bước hình thành một hệ thống có tầm quốc gia với các doanh nghiệp và đội ngũ lao động du lịch trải dài cả nước. Trong thời gian này, bên cạnh các thị trường truyền thống thuộc phe Xã hội chủ nghĩa (XHCN), ngành Du lịch Việt Nam từng bước tiếp cận với khách du lịch từ các thị trường ngoài khối XHCN như: Pháp, Nhật Bản…

63 năm thăng trầm của ngành Du lịch Việt Nam - Anh 4

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Giai đoạn 2 (1978 – 1992), Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 262-NQ/QHK6 ngày 27.6.1978 phê chuẩn việc thành lập Tổng cục Du lịch Việt Nam trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Trong giai đoạn này đã hình thành cơ sở vật chất kỹ thuật ngành từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng, TP.HCM và một số địa phương khác. Một số doanh nghiệp đã được thành lập, một số di tích văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh được đón khách du lịch. Bắt đầu hình thành một số cơ sở đào tạo nghề du lịch.

Cũng từ đây, mô hình tổ chức của Tổng cục Du lịch nhiều lần thay đổi. Ngày 31.12.1990 Tổng cục Du lịch nhập vào Bộ Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch; ngày 12.8.1991 Tổng cục Du lịch sát nhập vào Bộ Thương mại và Du lịch và ngày 26.10.1992 thành lập lại Tổng cục Du lịch trực thuộc Chính phủ.

Giai đoạn 3 từ 1993 đến nay, trong giai đoạn này được sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Chính phủ Du lịch Việt Nam từng bước phát triển trở thành một ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Những bước phát triển của ngành Du lịch đều gắn liền với các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng.

Chỉ thị 46- CT/TW ngày 14.10.1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Lãnh đạo đổi mới và phát triển Du lịch trong tình hình mới” đã đánh giá vai trò quan trọng của Du lịch trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Kết quả của giai đoạn này Du lịch Việt Nam đã hình thành một hệ thống tổ chức các cơ quan quản lý nhà nước về Du lịch ở Trung ương và địa phương, một hệ thống các doanh nghiệp Du lịch với các hoạt động chỉ một thời gian ngắn trải rộng khắp cả nước. Du lịch Việt Nam đã khởi sắc và đạt được thành tựu lớn lao khi đón 1 triệu khách Quốc tế năm 1994.

Thông báo kết luận 179- TB/TW ngày 11.11.1998 của Bộ Chính trị về phát triển Du lịch trong tình hình mới đã khẳng định Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp quan trọng và vạch ra các giải pháp cụ thể đưa Du lịch Việt Nam bứt phá nhanh. Đó là xây dựng chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam giai đoạn 2001- 2010, Xây dựng hệ thống pháp luật Du lịch (Pháp lệnh Du lịch 1999, luật Du lịch 2005), Xây dựng Chương trình hành động quốc gia về du lịch (triển khai suốt một thời gian dài 1999- 2015) và thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước về Du lịch do Phó Thủ tướng làm trưởng ban, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch làm phó ban, lãnh đạo của nhiều Bộ, Ngành là thành viên đã tạo vị thế và sự thuận lợi cho ngành kinh tế Du lịch. Chính thông báo kết luận này đã mở ra bước ngoặt cho Du lịch Việt Nam phát triển thành một ngành kinh tế vững mạnh.

63 năm thăng trầm của ngành Du lịch Việt Nam - Anh 5

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình ôn lại chặng đường 63 năm hình thành và phát triển của ngành Du lịch

Nghị quyết 08- NQ/TW ngày 16.1.2017 là một dấu ấn quan trọng của ngành Du lịch khi khẳng định quyết tâm của Đảng ta đưa Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nội dung của Nghị quyết 08/NQ-CP của Chính phủ đã hướng cho ngành Du lịch phát triển lên một tầm cao mới, đồng thời xác định vị trí quan trọng của ngành du lịch trong sự nghiệp phát triển đất nước. Những thành tích vượt bậc của ngành Du lịch trong giai đoạn 2016- 2019 đã khẳng định tầm nhìn và sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, của Bộ VHTTDL.

Mới đây nhất, ngày 15.6.2023, Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 1536/QĐ-BVHTTDL quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam. Theo đó, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam là tổ chức hành chính thuộc Bộ VHTTDL, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về du lịch và tổ chức thực thi pháp luật về du lịch trên phạm vi cả nước, quản lý các dịch vụ công về du lịch theo quy định của pháp luật. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam có tư cách pháp nhân, có con dấu hình Quốc huy và trụ sở tại thành phố Hà Nội. Tên giao dịch tiếng Anh: Viet Nam National Authority of Tourism. Tên viết tắt tiếng Anh: VNAT. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 2023.

63 năm thăng trầm của ngành Du lịch Việt Nam - Anh 6

Phó Chủ tịch thường trực Cao Ngọc Lan báo cáo công tác 6 tháng cuối năm 2023 của Hiệp hội Du lịch Việt Nam

Sau 63 năm hình thành và phát triển, ngành Du lịch Việt Nam đã trải qua những thăng trầm, đan xen giữa khó khăn và cơ hội. Trong quá trình đó hệ thống doanh nghiệp Du lịch Việt Nam đã không ngừng phát triển. Đến năm 2019 Việt Nam đã có trên 40.000 doanh nghiệp du lịch, thu hút khoảng 1,5 triệu lao động trực tiếp và khoảng 2,5 triệu lao động gián tiếp. Du lịch Việt Nam đã đóng góp 9,2% GDP và đóng góp lan tỏa tới 15% GDP. Du lịch phát triển đã thúc đẩy nhiều ngành kinh tế khác cùng phát triển như: Giao thông vận tải, công thương, nông nghiệp…

Du lịch cũng góp phần quan trọng cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thay đổi diện mạo của nhiều vùng đất, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, thúc đẩy giao lưu và hội nhập quốc tế. Du lịch Việt Nam phát triển đã tăng cường mối quan hệ và tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Lượng khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài đang tăng nhanh tạo vị thế ngày một cao của Việt Nam ở nước ngoài. Có thể khẳng định, Du lịch Việt Nam thực sự đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng trong cả nước, trong đó có vai trò rất lớn của các doanh nghiệp du lịch.

63 năm thăng trầm của ngành Du lịch Việt Nam - Anh 7

Hơn 200 đại biểu dự Hội thảo trực tiếp tại Hà Nội và 22 đầu cầu trực tuyến tại các địa phương

Thành lập từ tháng 12.2002, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, tổ chức xã hội nghề nghiệp của các doanh nghiệp và lao động du lịch đã có những bước phát triển mạnh mẽ với thành viên gồm 6 Hiệp hội chuyên ngành, hai Hiệp hội vùng và 57 Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố. Trong đó, có trên 18.000 doanh nghiệp hội viên và trên 20.000 hội viên là cá nhân. Hiệp hội Du lịch Việt Nam là một trong số các tổ chức xã hội nghề nghiệp có mạng lưới lan tỏa cả nước và có nhiều hoạt động nổi bật cả trong nước và quốc tế. Đến nay, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các tổ chức, cá nhân thành viên vẫn không ngừng nỗ lực để đóng góp cho sự phát triển của ngành, dù ở bất kỳ vai trò, vị thế, quy mô nào.  

NGUYỄN ANH- LÊ PHƯƠNG LINH; ảnh VĂN PHONG

Ý kiến bạn đọc