Đối thoại với tranh dân gian Hàng Trống

VHO- Chiều nay 6.7 tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với các nhà sưu tập tranh, nghệ nhân tranh dân gian và nhóm họa sĩ trẻ thuộc dự án “Từ truyền thống tới truyền thống” tổ chức khai mạc Triển lãm “Đối thoại với dòng tranh dân gian Hàng Trống”. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn dự lễ khai mạc.

Đối thoại với tranh dân gian Hàng Trống - Anh 1

Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm

Phát biểu tại lễ khai mạc Triển lãm, ông Lê Xuân Kiêu (Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám) cho biết, diễn ra từ 6- 31.7.2023, Triển lãm “Đối thoại với dòng tranh dân gian Hàng Trống” là hoạt động ý nghĩa, tôn vinh giá trị của một dòng tranh đặc sắc; đồng thời đa dạng hoá các hoạt động phục vụ khách tham quan đến với Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám. 

Hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn, người hướng dẫn nhóm hoạ sĩ trẻ thuộc dự án “Từ truyền thống tới truyền thống” cho biết, trải qua ba năm khi dự án được khởi xướng và thực hiện, từ năm 2020 tới nay đã diễn ra nhiều phiên bản tương tác với các không gian trưng bày triển lãm mang nhiều yếu tố di sản truyền thống. Lần này, dự án được tiếp tục chu du tới không gian của Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Đối thoại với tranh dân gian Hàng Trống - Anh 2

“Dự án đã mang tới sự khích lệ những sáng tạo của các hoạ sĩ trẻ thông qua việc học hỏi, nghiên cứu, chia sẻ kỹ thuật  và tình yêu nghề của nghệ nhân Lê Đình Nghiên cho tới những buổi điền dã nghiên cứu tại Bảo tàng Mỹ thuật, những ngôi đình, đã mở ra những ý tưởng sáng tạo mới trong sáng tác các tác phẩm tạo hình, từ những chất liệu hội hoạ truyền thống như sơn mài, lụa, giấy dó, sơn dầu… cho tới những chất liệu và hình thức thể hiện mới như đồ hoạ kỹ thuật số, thiết kế, sắp đặt”, hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn cho biết.

Đối thoại với tranh dân gian Hàng Trống - Anh 3

Nghệ nhân Lê Đình Nghiên chia sẻ cảm xúc tại triển lãm

Nghệ nhân Lê Đình Nghiên có lẽ là nghệ nhân cuối cùng còn lại của dòng tranh Hàng Trống. Theo nghề truyền thống của gia đình từ lúc nhỏ, 60 năm đã qua, chỉ còn có ông là người duy nhất am tường và có thể làm được từ đầu đến cuối mọi công đoạn của một bức tranh dân gian Hàng Trống. Có mặt tại lễ khai mạc triển lãm, nghệ nhân Nguyễn Đình Nghiên bày tỏ sự xúc động khi ông được tận mắt chứng kiến sức sống của những bức tranh truyền thống mà ông gắn bó cả cuộc đời. Mỗi tác phẩm như một câu chuyện đang cất tiếng đối thoại với người xem.

Tham gia triển lãm có 38 tác phẩm tạo hình của 22 tác giả được thực hiện trên các chất liệu lụa, sơn mài, giấy dó, sơn dầu và 29 tranh dân gian Hàng Trống trên chất liệu giấy dó. Nội dung các tác phẩm phản ánh những nét đặc sắc trong đời sống sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người Việt.

Đối thoại với tranh dân gian Hàng Trống - Anh 4

Tranh dân gian Hàng Trống là một trong những dòng tranh độc đáo, mang đậm tính thẩm mỹ và giá trị văn hóa của người Hà Nội xưa. Những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của dòng tranh không chỉ gắn bó với đời sống sinh hoạt của người dân Việt Nam mà còn gây ấn tượng sâu sắc với công chúng thế giới. Vì vậy, triển lãm mong muốn quảng bá hơn nữa nét đẹp của dòng tranh độc đáo này đến đông đảo người yêu mến nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là thế hệ trẻ và du khách quốc tế. Đây cũng là dịp để giới thiệu sản phẩm nghệ thuật được kết tinh từ quá trình khám phá các giá trị nghệ thuật của di sản tranh Hàng Trống nói riêng và văn hóa truyền thống dân tộc nói chung. 

Đối thoại với tranh dân gian Hàng Trống - Anh 5

Ông Lê Xuân Kiêu cho biết thêm, triển lãm “Đối thoại với dòng tranh dân gian Hàng Trống” được hình thành dựa trên những nỗ lực không ngừng nghỉ của các nghệ nhân, họa sĩ trong hành trình gìn giữ, phát huy dòng tranh này trong đời sống đương đại. Triển lãm cũng là động lực cho những sáng tạo mang dấu ấn cá nhân, góp phần thúc đẩy thế hệ trẻ ngày nay học hỏi kế thừa tinh hoa nghệ thuật truyền thống của cha ông.

BẢO ANH

Ý kiến bạn đọc