Uỷ ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội khảo sát tại Di sản Huế: Kiến nghị nhiều nội dung về sửa đổi Luật Di sản văn hóa

VHO- Ngày 6.7, Đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đã có chuyến khảo sát và làm việc với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế về công tác thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực di sản văn hóa.

Uỷ ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội khảo sát tại Di sản Huế: Kiến nghị nhiều nội dung về sửa đổi Luật Di sản văn hóa - Anh 1

Đoàn công tác Ủy ban Văn hóa- Giáo dục của Quốc hội khảo sát tại khu vực Thượng Thành, Kinh thành Huế.

Đoàn công tác do ông Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội dẫn đầu, đã đến khảo sát thực tế công tác di dời dân cư, giải phóng mặt bằng ở  khu vực Thượng Thành, Eo Bầu (Kinh thành Huế) và công tác trùng tu di tích ở Điện Kiến Trung (Đại Nội Huế)… Đồng thời, đoàn cũng có buổi làm việc với Trung  tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế về công tác thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực di sản văn hóa. Qua đó, nắm rõ hơn các vướng mắc, khó khăn mà đơn vị quản lý di tích đang gặp phải và ghi nhận những kiến nghị, đề xuất về việc “tháo gỡ”, đặc biệt là góp ý cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa sắp tới.

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: thời gian qua, các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích do Trung tâm làm chủ đầu tư đã được thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục, đảm bảo tuân thủ các quy định của Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công và các quy định có liên quan. Tuy nhiên quá trình thực hiện vẫn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn bởi Quần thể di tích Cố đô Huế rất lớn với giá trị di sản đa dạng, các công trình hầu hết không tập trung. Trong khi đó, thủ tục hành chính theo quy định khá phức tạp và gây ảnh hưởng đến tiến trình đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi…

Thực tế hiện nay tất cả các dự án bảo tồn, trùng tu di tích Cố đô Huế phải chịu sự chi phối, điều chỉnh của nhiều bộ luật khác nhau như: Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công cùng nhiều quy định, quy ước quốc tế về công tác bảo tồn di sản thế giới. Việc hoàn tất thủ tục cho một dự án phải triển khai nhiều bước, nhiều thủ tục, mất nhiều công sức, thời gian.

Cùng với đó là công tác khoanh vùng bảo vệ di tích chưa được hướng dẫn rõ ràng, có những di tích bao gồm cảnh quan thì  rất rộng nên sẽ gây khó khăn, áp lực cho dân cư sinh sống trong khu vực. Trên cơ sở đó, đại diện lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế kiến nghị rằng, cần sửa đổi Điều 32 Luật Di sản văn hóa quy định về khu vực bảo vệ I, II của di tích. Điều 32 chưa có quy định rõ ràng về khoanh vùng bảo vệ khu vực II của di tích là khoanh vùng phạm vi bao nhiêu (kể từ ranh giới khoanh vùng bảo vệ I) là phù hợp; trong khi đó, đặc thù di tích Huế là những công trình di tích thường hình thành dựa trên yếu tố phong thủy (núi non hoặc xây bình phong và dòng sông, hoặc hồ,...),  nếu khoanh vùng thì rất rộng. Điều này dẫn đến những vướng mắc cho người dân sống trong khoanh vùng bảo vệ di tích: không được đảm bảo các quyền về sở hữu đất đai, không được xây dựng mới, khó khăn trong sửa chữa nhà cửa vì ảnh hưởng đến yếu tố di tích…

Ngoài ra, chưa có Nghị định, Thông tư hoặc văn bản có đề cập đến chính sách và khung luật pháp quy định cho cư dân sống trong khu vực II di tích. Đặc thù tại di tích Huế là khoanh vùng bảo vệ khu vực II đã có cư dân sinh sống trước khi di tích được xếp hạng. Do đó, Luật cần xác định vấn đề sở hữu đất đai, tài sản, các nội dung về quy hoạch, quản lý tại khu vực II di tích.

Uỷ ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội khảo sát tại Di sản Huế: Kiến nghị nhiều nội dung về sửa đổi Luật Di sản văn hóa - Anh 2

Đoàn khảo sát công tác trùng tu di tích Điện Kiến Trung, Đại Nội Huế

Đại diện Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng kiến nghị Luật Di sản văn hóa cần bổ sung các chính sách, quy định về hoạt động xã hội hóa, hợp tác công tư trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản; quy định về văn vật, cổ vật cùng các chính sách nhằm khuyến khích đóng góp, phát huy giá trị di sản; quy định về đấu giá cổ vật và hồi hương cổ vật; chính sách đối với nghệ nhân, thợ lành nghề trong bảo tồn di sản văn hóa…

“Cần có những quy định, chính sách về đấu giá và hồi hương cổ vật để các tổ chức, đơn vị thuận lợi hơn cho việc đưa cổ vật về lại đất nước. Gần đây, khi tập đoàn Sunshine đấu giá thành công hai cổ vật quý của triều Nguyễn ở Tây Ban Nha và đã trao tặng lại cho tỉnh Thừa Thiên Huế, chúng tôi thấy còn quá bất cập và khó khăn. Chi phí đó khoảng 35 tỉ đồng, nhưng doanh nghiệp phải hoạch toán như hoạt động kinh doanh”, ông Hoàng Việt Trung thông tin thêm.

Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức ra mắt Quỹ bảo tồn di sản Huế đã được thành lập và hoạt động theo Nghị định 84/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Đây là một trong những nội dung của cơ chế, chính sách đặc thù dành cho tỉnh Thừa Thiên Huế mà Quốc hội đã thông qua tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Đến thời điểm hiện nay, đã có khoảng 7,6 tỉ đồng nguồn kinh phí hỗ trợ cho Quỹ bảo tồn di sản Huế.

Ông Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh: Hệ thống di tích Huế với số lượng lớn, đầy đủ các loại hình di sản, rất có giá trị không chỉ cho Huế mà của quốc gia. Bởi vậy đặt ra trách nhiệm lớn cho Huế trong giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị… Chính vì thế, khi Quốc hội thảo luận về những chính sách đặc thù cho Huế liên quan đến công tác bảo tồn di sản đã nhận được sự đồng tình, biểu quyết nhanh của các đại biểu.

Uỷ ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội khảo sát tại Di sản Huế: Kiến nghị nhiều nội dung về sửa đổi Luật Di sản văn hóa - Anh 3

Tại buổi làm việc với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế về thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực di sản văn hóa

Ghi nhận những nỗ lực của chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, đội ngũ cán bộ của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, ông Phan Viết Lượng cũng đề nghị đơn vị quản lý di tích tiếp tục triển khai tốt các chính sách về công tác bảo tồn di sản văn hóa. Thời gian qua, đơn vị đã xây dựng các đề án, kế hoạch, quy hoạch về bảo tồn di sản hiệu quả và có tầm nhìn chiến lược, có những quy định riêng cho Huế và các tỉnh, thành khác có thể học hỏi kinh nghiệm.

Tiếp tục đầu tư nghiên cứu, tham mưu chính sách trong bảo tồn di sản, mà một vấn đề đặt ra là chính sách về giải tỏa, di dân ở các khu vực di tích Huế. Cần tạo được sự đồng thuận, yên tâm để người dân phối hợp với đơn vị chuyên môn để thực hiện di dời có kết quả, điển hình như việc triển khai đề án Giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế.

“Trong quá trình khai thác, phát huy giá trị di tích cần chú ý để các hoạt động du lịch không làm ảnh hưởng và tác động đến di tích. Một số nơi hoạt động du lịch quá tải, gây áp lực và thời gian dài sẽ ảnh hưởng lớn đến di tích. Do đó, Huế cần chọn phát triển theo hướng bền vững”- ông Phan Viết Lượng nhấn mạnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa- Giáo dục của Quốc hội cũng thông tin rằng, trong hồ sơ đề xuất sửa đổi Luật Di sản văn hóa sắp tới, một trong ba chính sách mà Bộ VHTTDL, Chính phủ đề xuất đó là có Quỹ bảo tồn di sản. Trong khi đó, Quỹ bảo tồn di sản Huế đã được thành lập thì đơn vị quản lý di tích cần tham mưu để tỉnh vận động các nguồn hỗ trợ hợp pháp, đồng thời có kế hoạch sử dụng phù hợp cho công cuộc bảo tồn di sản Huế trong tương lai.

Bài, ảnh: SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc