Kể câu chuyện mới về nghệ thuật truyền thống

VHO- Với tinh thần “trở về với di sản văn hóa” mạnh mẽ để tôn vinh quá trình sáng tạo những chất liệu mới, các nghệ sĩ đương đại đã và đang có nhiều hoạt động nhằm thay đổi cách tiếp nhận những giá trị từ quá khứ, đồng thời truyền cảm hứng cho những hy vọng phát triển nghệ thuật truyền thống trong tương lai.

Kể câu chuyện mới về nghệ thuật truyền thống - Anh 1

 Đưa chất liệu truyền thống vào nghệ thuật đương đại (Tiết mục biểu diễn trong dự án Âm - Thanh sắc - Màu) Ảnh: NGUYỄN HOÀNG VIỆT

 Sáng tạo trên chất liệu bản địa

Nền tảng văn hóa và nghệ thuật Lên Ngàn vừa giới thiệu Sáng kiến văn hóa nghệ thuật Thanh Cảnh 2023, với mục tiêu mang đến cho các nghệ sĩ Việt Nam cơ hội học hỏi, sáng tạo và phát triển. Thanh Cảnh 2023 có sự tham gia của 6 nghệ sĩ đến từ Việt Nam và Scotland, đó là: Hoài Anh, Trung Bảo, Ly Mí Cường, Lương Minh, Sholto Dobie và Inge Thomson. Chương trình gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 đã diễn ra trong tháng 6 vừa qua, các nghệ sĩ đối thoại với nhau xoay quanh chủ đề Môi trường sống và di sản nghệ thuật truyền thống, trong đó tập trung vào việc sáng tạo, cộng tác và phát triển các chất liệu bản địa, nhằm mở rộng sự đa dạng và khả năng phát triển của nghệ thuật truyền thống trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Các nghệ sĩ sẽ tiếp tục sáng tạo và chia sẻ quá trình thực hiện vào tháng 9 (Giai đoạn 2). Hội đồng giám tuyển sẽ lựa chọn những tác phẩm tiềm năng nhất để giới thiệu tại Counterflows Festival (Vương quốc Anh) vào năm 2024, nhằm bắc những cây cầu để đưa nghệ thuật bản địa Việt Nam ra quốc tế.

Ông Nguyễn Quốc Hoàng Anh, Giám đốc nghệ thuật của Lên Ngàn cho biết: “Trong thời gian 4 tháng, Thanh Cảnh tạo ra hành trình mà các nghệ sĩ và khán giả cùng đồng hành, mang đến những trải nghiệm thực tế. Chúng tôi mong muốn tạo điều kiện cho các nghệ nhân dân gian và nghệ sĩ chuyên nghiệp tại địa phương chia sẻ kiến thức với các bạn trẻ, truyền cảm hứng thông qua sự tương tác giữa các thế hệ. Chúng tôi khuyến khích sự giao lưu, học hỏi để tạo ra một môi trường mà các nghệ sĩ có thể tiếp cận với những nguồn cảm hứng và tri thức bản địa phong phú từ các người đi trước”.

Trước đó, Lên Ngàn từng có nhiều dự án nhằm đưa chất liệu truyền thống vào các sáng tạo đương đại, như: Tuồng Sơn Hậu - Beyond the Mountain được trình diễn tại khu tập thể Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội cuối năm 2020; vở diễn Cõi thinh không cũng lấy cảm hứng từ nghệ thuật tuồng truyền thống, được giới thiệu tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội vào cuối năm 2021; dự án Âm - Thanh sắc - Màu, dự án nghệ thuật đầu tiên do huyền thoại graffiti gốc Việt Cyril Kongo bảo trợ và đồng hành cùng các nghệ sĩ trẻ tại Việt Nam, là sự kết nối giữa văn hóa bản địa và các loại hình nghệ thuật thịnh hành như nhạc điện tử hay hip hop…

Kết nối truyền thống và đương đại

Có một thời kỳ, “đương đại” và “truyền thống” được coi là hai khái niệm tưởng chừng đối lập. Nhưng trên thực tế, chúng không hề phủ nhận nhau mà luôn đồng hành và có sự tương tác, đặc biệt trong văn hóa nghệ thuật.

Sinh ra trong một gia đình truyền thống về âm nhạc dân tộc, có nhiều sáng tác nghệ thuật thể nghiệm lấy cảm hứng và chất liệu từ di sản văn hóa cổ Việt Nam, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Sơn (nghệ danh SơnX) cho rằng, không có ranh giới giữa nhạc truyền thống và đương đại, bởi truyền thống luôn ở trong con người nghệ sĩ. Là người thực hành nhạc cụ truyền thống, những sáng tác của anh không có sự đứt gãy quá khứ và đương đại, mà liền mạch liên tục trong sự sáng tạo.

Thực tế, nhiều truyền thống vẫn được tiếp nối cho tới ngày nay, làm nên bản sắc Việt. Bên cạnh đó, bối cảnh toàn cầu hóa cũng đang tạo ra những nhận thức mới về không gian văn hóa xã hội. Điều này dẫn đến những thay đổi trong các biểu hiện của văn hóa, bản sắc. Ra với thế giới rộng mở cũng là lúc con người có nhu cầu tìm về với văn hóa bản địa để khẳng định chính mình. Có lẽ vì vậy, thời gian gần đây, nhiều nghệ sĩ trẻ đã trở lại với truyền thống và có những sáng tác thử nghiệm dựa trên các chất liệu này, gây được ấn tượng mạnh cho công chúng. Quá trình đó trải dài trên nhiều lĩnh vực, từ thiết kế, điện ảnh, sân khấu, mỹ thuật… đến sản xuất, thương mại hóa sản phẩm.

Nghệ sĩ Nguyễn Quốc Hoàng Anh cho rằng mỗi một thời kỳ, dân gian - truyền thống đều có những thay đổi, bởi con người và cuộc sống cũng vậy. Như chèo thời Lý sẽ khác chèo thời Lê, ca trù thời Trần khác thời Nguyễn… Tại sao chúng ta không tạo ra truyền thống thời của mình? Đó chính là sự tiếp nối những giá trị trong quá khứ nhưng mang những hơi thở và suy tư của đời sống hôm nay. Tuy nhiên, để có thể tiếp nối truyền thống và phủ cho nó lớp áo hiện đại, cần có sự hiểu biết sâu sắc về di sản.

Đồng tình với ý kiến trên, TS Lư Thị Thanh Lê, giảng viên Khoa Các khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, có một thời gian dài chúng ta quá quan tâm tới tính nguyên bản của truyền thống, gọi cái này là truyền thống và cái kia không phải là truyền thống. Trong khi đó, với cách nhìn đa chiều, truyền thống không bị bó hẹp ở khía cạnh bảo tồn hay giữ gìn nguyên trạng. Khi giới trẻ, nghệ sĩ, nhà sản xuất trở lại với truyền thống, đưa chất liệu này vào quá trình sáng tạo thì sẽ tạo ra cho chúng ý nghĩa, câu chuyện mới thông qua các câu chuyện đương đại. 

TRUNG NGHĨA

Ý kiến bạn đọc