Xây dựng sản phẩm chủ lực để tăng tính cạnh tranh

VHO- Tại Nghị quyết số 82/NQ-CP về Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển Du lịch hiệu quả, bền vững, Chính phủ giao Bộ VHTTDL “Triển khai thực hiện hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; tổ chức nghiên cứu và xây dựng Đề án thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài, trước mắt là một số thị trường du lịch trọng điểm”.

Xây dựng sản phẩm chủ lực để tăng tính cạnh tranh - Anh 1

 Ấn Độ là thị trường lớn, đầy tiềm năng mà du lịch Việt Nam cần khai thác tốt hơn thời gian tới

Tuy nhiên, để thực hiện tốt những nhiệm vụ này đòi hỏi cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, các địa phương và các doanh nghiệp.

Xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường

Đây là một trong số rất nhiều các nhiệm vụ, giải pháp thuộc nhóm các nhiệm vụ Phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch đã đề ra trong Nghị quyết 82. Chính phủ giao Bộ VHTTDL phát triển, làm mới loại hình, dịch vụ du lịch đa dạng, độc đáo trên cơ sở tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, gắn với phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc như du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch MICE, du lịch golf, du lịch chữa bệnh, du lịch ẩm thực. Nâng cao khả năng cạnh tranh về giá cả và chất lượng dịch vụ. Chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức các sự kiện quốc tế về văn hóa, thể thao, hội nghị, hội thảo, tăng cường quảng bá văn hóa, hình ảnh tươi đẹp của đất nước Việt Nam trong các hoạt động về ngoại giao, sự kiện quốc tế…

Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết: “Hiện nay, Cục đã tham mưu, hoàn thiện Kế hoạch hành động của Bộ VHTTDL triển khai thực hiện Nghị quyết 82. Trong đó, với nhóm nhiệm vụ “Phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch”, sau khi triển khai thực hiện, Cục sẽ đẩy mạnh triển khai Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030, phát triển thương hiệu du lịch quốc gia, xây dựng Việt Nam thật sự là điểm đến an toàn, hấp dẫn, nhân văn, hiếu khách, thuận lợi. Phát triển, xây dựng sản phẩm chủ lực của ngành du lịch, làm mới loại hình, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch MICE, du lịch golf, du lịch chữa bệnh, du lịch ẩm thực. Chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, hỗ trợ địa phương tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch mang tầm quốc gia, quốc tế. Xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường khách du lịch; ứng dụng công nghệ số, tổ chức các hoạt động e-marketing du lịch. Nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài, trước mắt tại một số thị trường du lịch trọng điểm...”.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, sẽ có những kế hoạch dài hơi và các việc làm hết sức cụ thể để thực hiện Nghị quyết 82. “Trước mắt, chúng tôi sẽ tập trung tổ chức Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam (VITM) tại Cần Thơ 2023 từ 1 - 3.12 để thúc đẩy phát triển du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long, phát triển các sản phẩm sinh thái độc đáo của khu vực này làm điểm nhấn của Du lịch Việt Nam năm 2024. Bên cạnh đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tiếp tục duy trì định kỳ hằng năm tổ chức Hội chợ Du lịch quốc tế VITM tại Hà Nội và 2 năm một lần tại Đà Nẵng và Cần Thơ. Tăng cường nghiên cứu đổi mới hình thức, nội dung Hội chợ và các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch khác theo hướng chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác xúc tiến du lịch để thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp, địa phương và các quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia”, ông Bình nói.

Phát huy sức mạnh truyền thông

Một trong những nhiệm vụ mà Chính phủ giao Bộ VHTTDL để đẩy nhanh phục hồi, phát triển bền vững là “Xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường khách du lịch quốc tế; đổi mới phương thức, công cụ, ứng dụng công nghệ số trong xúc tiến du lịch; phát huy sức mạnh của truyền thông và tăng cường quảng bá trên mạng xã hội. Tổ chức xúc tiến du lịch có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp định hướng phát triển sản phẩm, thương hiệu du lịch trên cơ sở kết quả nghiên cứu, dự báo thị trường. Tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa thị trường có khả năng tăng trưởng nhanh, có nguồn khách lớn, có mức chi tiêu cao và lưu trú dài ngày; đẩy mạnh xã hội hóa xúc tiến du lịch, huy động sự hợp tác của các cơ quan đại diện ở nước ngoài, tận dụng vai trò các trung tâm văn hóa Việt Nam tại các quốc gia”.

Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết, vừa dự Hội nghị kỷ niệm 10 năm thành lập Liên đoàn Phúc lợi Quản lý Sựkiện (EMF Global) của Ấn Độ và Lễ trao giải thưởng EMF ACE Global Convention & Awards 2023 tổ chức tại Phú Quốc (Kiên Giang). “Sự kiện này được tổ chức tại Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác du lịch Việt Nam - Ấn Độnói chung và loại hình du lịch sự kiện, đám cưới giữa khách du lịch hai nước nói riêng, trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam đang nỗlực cónhững bước phục hồi mạnh mẽsau dịch Covid-19”, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nói.

Để phát triển các thị trường du lịch mới, ông Vũ Thế Bình cho biết, việc nghiên cứu, dự báo thị trường phải rất tốt. Thời gian tới, Hiệp hội Du lịch Việt Nam dự kiến phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tổ chức Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Canada và Mỹ. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với Hiệp hội Lữ hành Mỹ (ASTA), tiến tới đăng kýtổ chức Hội nghị thường niên của ASTA tại Việt Nam. Phát triển mạnh mẽ hơn mối quan hệ với các Hiệp hội quốc tế như: JATA (Nhật Bản), KATA (Hàn Quốc)…. Tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam (Roadshow) tại một số thị trường trọng điểm: Australia, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Tây Âu.

Tổ chức đón một số đoàn famtrip khảo sát điểm đến Việt Nam cho các doanh nghiệp, cơ quan truyền thông từ một số thị trường trọng điểm như: Australia, Nhật, Hàn quốc… Tiếp tục phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam triển khai Chương trình “Du lịch Việt Nam” nhằm giới thiệu các sản phẩm du lịch của các địa phương, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch trao đổi và có ýkiến, đề xuất chính sách phát triển du lịch. Tổ chức các hội chợ chuyên đề về ẩm thực, golf, chăm sóc sức khỏe... nhằm phát triển chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch đáp ứng yêu cầu du lịch trong tình hình mới. Tăng cường sử dụng E-marketing, truyền thông số cho công tác xúc tiến du lịch. 

 NGUYỄN ANH 

Ý kiến bạn đọc