Viết tiếp hành trình 63 năm của ngành Du lịch

VHO- Chính thức thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo mô hình mới từ ngày 1.7.2023 theo Quyết định số 1536 của Bộ VHTTDL ngày 15.6.2023, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam sẽ có cách tiếp cận mới, tư duy và hành động mới, đưa ngành Du lịch tiếp tục phát triển.

Viết tiếp hành trình 63 năm của ngành Du lịch - Anh 1

Ngành Du lịch vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập 

Đưa du lịch phát triển hiệu quả, bền vững, phù hợp với tình hình mới

Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2023 của Tổng cục Du lịch và công bố quyết định Cục Du lịch quốc gia Việt Nam vừa qua, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chỉ đạo, trong thời gian tới, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam phải xây dựng một số hoạt động sự nghiệp ở tầm quốc gia; làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài và phải làm với tư duy mới. Đồng thời phải biết phối hợp tạo sức mạnh, gắn du lịch với nền tảng văn hóa; tạo ra các sản phẩm du lịch từ điện ảnh, mỹ thuật, triển lãm, âm nhạc… Mỗi năm, ít nhất du lịch phải tạo được 5-7 cú hích để quảng bá điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch tới thị trường trong nước và quốc tế. Làm ra tấm ra món, làm bằng được những gì đã đề ra. Ngoài ra, cần giữ thương hiệu Năm du lịch quốc gia đã hình thành nhiều năm nay.

“Tôi yêu cầu phải có tư duy mới, cách tiếp cận mới và hành động mới, không thể làm theo các cách cũ, kém hiệu quả. Cần quy tụ được các doanh nghiệp tham gia vào công tác quảng bá, xúc tiến; nghiên cứu kỹ về các thị trường và có các giải pháp quảng bá, xúc tiến chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Có mô hình mới thì phải hành động mới, có cách tổ chức khác và chính chúng ta phải làm mới chúng ta, không còn con đường nào khác”, Bộ trưởng nói và đề nghị Cục Du lịch quốc gia Việt Nam phải có quyết tâm cao nhất để đưa ngành Du lịch phát triển.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt trong buổi làm việc mới đây với Cục Du lịch quốc gia Việt Nam yêu cầu: “Trong bối cảnh toàn ngành đang nỗ lực triển khai Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 18.5.2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam với mô hình mới sẽ bắt tay ngay vào việc triển khai Kế hoạch hành động của Bộ VHTTDL thực hiện Nghị quyết 82 theo Quyết định số 1726/QĐ-BVHTTDL ngày 4.7.2023 của Bộ VHTTDL”.

Nghị quyết số 82/NQ-CP chính là sản phẩm đầu ra sau kết quả tổ chức thành công 2 Hội nghị lớn của ngành Du lịch trong thời gian vừa qua là Hội nghị thúc đẩy, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam được tổ chức tháng 12.2022 và Hội nghị toàn quốc về du lịch được tổ chức ngày trong tháng 3.2023. Nghị quyết này tiếp tục là một bước quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với ngành Du lịch, sự chủ động, hành động quyết liệt, có trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương cũng như sự cố gắng, nỗ lực, quyết tâm cao trong việc đồng hành cùng ngành Du lịch vượt qua khó khăn của cộng đồng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch và toàn thể nhân dân trong cả nước.

Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 82 của Bộ VHTTDL nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ do Chính phủ giao Bộ VHTTDL tại Nghị quyết này. Xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2023 - 2025 để phát triển  du lịch hiệu quả, bền vững, phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động của toàn ngành Du lịch, các ngành liên quan, địa phương, doanh nghiệp và người dân để du lịch phát triển trọng tâm, trọng điểm. Phương châm đặt ra cho ngành trong giai đoạn này là: “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới.

Trong Kế hoạch, Bộ VHTTDL sẽ chủ trì thực hiện việc Phổ biến, quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết số 82; Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; Tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia; Phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; Hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch; Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; Đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch...

Trong đó, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam được Bộ VHTTDL giao chủ trì phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ tổ chức triển khai Kế hoạch; chủ động đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 82.

Viết tiếp hành trình 63 năm của ngành Du lịch - Anh 2

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023

Chặng đường dài lấp lánh ánh hào quang

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho rằng, ngành Du lịch đã trải qua chặng đường 63 năm xây dựng và trưởng thành nhiều khó khăn nhưng cũng gặt hái được nhiều thành quả, đóng góp đáng kể cho nền kinh tế. Dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ cùng sự góp của các thế hệ lãnh đạo, công chức, viên chức, cộng đồng doanh nghiệp, người lao động và nhân dân, Du lịch Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào.

Năm 1990, chúng ta đã đón và phục vụ 250.000 lượt khách du lịch quốc tế thì đến năm 2019 đã đón 18 triệu lượt khách, tăng gấp 72 lần trong 29 năm. Khách du lịch nội địa cũng tăng mạnh liên tục từ 1,0 triệu lượt năm 1990 đến 2019 đạt con số 85 triệu lượt. Sự tăng trưởng không ngừng về khách du lịch đã thúc đẩy mở rộng quy mô hoạt động của Du lịch Việt Nam trên mọi lĩnh vực, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước (2015: 6,3%; 2016: 6,9%; 2017: 7,9%; 2018: 8,3%; 2019: 9,2%). Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch cả nước được đầu tư ngày càng mạnh mẽ, năm 1990 mới có 350 cơ sở với 16.700 buồng thì đến năm 2019 đã có 30.000 cơ sở lưu trú du lịch với 650.000 buồng. Đội ngũ doanh nghiệp lữ hành quốc tế ngày càng lớn mạnh, năm 2019 cả nước có 2.667 doanh nghiệp, so với năm 1990 chỉ có 4 doanh nghiệp, năm 2005 có 428 doanh nghiệp.

Năm 2020, dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, trở thành đại dịch của thế giới với mức độ nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm trở lại đây. Du lịch được xem là một trong những ngành kinh tế nhạy cảm nhất với bệnh dịch. Sau 2 năm trải qua đại dịch, ngành du lịch thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng chịu thiệt hại nặng nề. Nhiều kế hoạch của ngành Du lịch Việt Nam đặt ra hầu như không thực hiện được, các chỉ tiêu của ngành đều giảm mạnh. Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch phải đóng cửa, dừng hoạt động, cạn kiệt nguồn lực về tài chính...

Tháng 11.2021 chúng ta đã tiến hành thí điểm đón khách du lịch quốc tế và chính thức mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15.3.2022. Đây chính là dấu ấn và bước ngoặt quan trọng trong việc thúc đẩy sự phục hồi và sôi động trở lại của ngành Du lịch Việt Nam. Với việc đón tiếp và phục vụ gần 3,5 triệu lượt khách quốc tế, 101,3 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 495.000 tỉ đồng trong năm 2022. 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đón 5,5 triệu lượt khách quốc tế và 64 triệu lượt khách nội địa, chứng minh cho niềm tin về sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ. “Cùng đó, ngành Du lịch đã và đang từng bước khẳng định vị trí và vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, khẳng định hình ảnh, vị thế và uy tín của Việt Nam”, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh.

Viết tiếp hành trình 63 năm của ngành Du lịch - Anh 3

Lãnh đạo ngành Du lịch nhận giải thưởng Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á

Trong 5 năm qua, Việt Nam đã nhận được nhiều giải thưởng quốc tế danh giá. Giải thưởng du lịch thế giới World Travel Awards 3 lần tôn vinh Việt Nam là Điểm đến di sản hàng đầu thế giới, 5 lần nhận danh hiệu Điểm đến Golf tốt nhất thế giới; 4 lần là Điểm đến hàng đầu châu Á. Tổng cục Du lịch 3 lần được trao giải thưởng Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á.

Chỉ số năng lực phát triển du lịch Việt Nam theo bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cũng liên tục tăng lên. Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 52 trên toàn cầu, tăng 8 bậc so với năm 2019, nằm trong nhóm 3 quốc gia tăng nhanh nhất thế giới.

Với những thành tích đã đạt được qua các thời kỳ, ngành Du lịch Việt Nam đã vinh dự được Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh - phần thưởng cao quý nhất từ trước đến nay đối với Ngành. Cùng với đó là các Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba, Cờ Thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Cờ thi đua của Bộ VHTTDL, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, cùng nhiều danh hiệu thi đua xứng đáng khác dành cho các tập thể, cá nhân trong Ngành.

Cùng với Nghị quyết 82 của Chính phủ, tại kỳ họp lần thứ 5 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã chính thức thông qua chính sách mới về thị thực và xuất nhập cảnh tạo thuận lợi thu hút khách quốc tế theo đề xuất, tham mưu của Bộ VHTTDL và các bộ, ngành liên quan. Đây sẽ là động lực lớn để thúc đẩy tăng trưởng thị trường du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ sự phối hợp chặt chẽ của các Ban, Bộ, Ngành, địa phương, sự ủng hộ của toàn xã hội, sự hợp tác hiệu quả của các đối tác, bạn bè quốc tế và đặc biệt là sự tâm huyết và nỗ lực không ngừng của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên toàn ngành thời gian qua sẽ giúp Cục Du lịch quốc gia Việt Nam trong mô hình mới viết tiếp chặng đường 63 năm qua. Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết toàn ngành đã sẵn sàng tâm thế bước vào thời kỳ phát triển mới, quyết tâm khẳng định vai trò là một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

THÚY HÀ

Ý kiến bạn đọc