33 năm​​​​​​​ trên vùng biển Tây Nam

VHO- 33 năm trước, chàng Thiếu úy Đậu Thanh Thủy khoác ba lô tạm biệt cha và quê hương Nghệ An để vào công tác tận vùng biển Tây Nam. Gia đình có đến năm anh em đều là lính đang công tác ở năm đơn vị khác nhau nên Thủy không ngại những ngày xa nhà, những thử thách phải đối mặt.

33 năm​​​​​​​ trên vùng biển Tây Nam - Anh 1

 Đại tá Đậu Thanh Thủy, Hải đoàn trưởng Biên phòng 28 (giữa)

 Chàng lính trẻ có mặt tại vùng biển Tây Nam của đất nước vào thời điểm nóng bỏng – nạn cướp biển, ngư dân Thái Lan ùa sang đánh bắt trộm hải sản. Tài liệu của Bộ đội Biên phòng thống kê, cao điểm chỉ trong vòng 5 tháng đã có 10.716 lượt chiếc tàu nước ngoài vi phạm vùng biển Tây Nam (riêng khu vực đảo Thổ Chu có 5.787 lượt chiếc xâm phạm, có khi chỉ cách đảo 5 hải lý). Vùng biển Tây Nam thời đó còn là vùng đỏ bị Interpol đưa vào vùng ngắm, vì là tuyến vận chuyển ma túy của vua Khun Sai từ Tam Giác Vàng bằng tàu đánh cá.

Đậu Thanh Thủy là người quê gốc huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An (nay là thị xã Thái Hòa). Tuy không xuất thân từ vùng sông nước, nhưng Thuỷ luôn nhớ đến lời dạy của cha, cố gắng xứng đáng là con cháu quê hương Nghệ An, quê của Bác Hồ. Từ lúc còn học ở Học viện Hải quân Nha Trang cho tới khi về nhận công tác, người lính trẻ đã cố gắng phấn đấu, rồi khi ra trường bắt đầu gắn bó với chiếc tàu tuần tra Grif mang số BP 28-01-70 trên cương vị thuyền phó.

Ở vùng biển Tây Nam, riêng ở khu vực tỉnh Kiên Giang đã có tới 140 đảo, hòn lớn nhỏ khác nhau. Có những hòn đảo mới nghe qua tên đã thấy bí ẩn như quần đảo Hải Tặc. Chàng sĩ quan trẻ bắt đầu gắn bó với con tàu, rồi lần lượt đi hết đến 140 đảo và hòn ở Kiên Giang, rồi sang Cà Mau. Các quần đảo Nam Du, Phú Quốc, Thổ Chu, hòn Mấu, hòn Sơn, hòn Nghệ, hòn Móng Tay… đều được con tàu BP 28-01-70 cập vào. Vì trong những ngày đợi cơ trên biển, mai phục trên biển, anh em biên phòng đều phải thả neo, chống bè để vào đảo.

Nhiều chục năm trước, những hòn nằm giữa biển chưa có người ở thì anh em biên phòng phải lên các hòn này để kiểm tra. Vì năm 1974, Khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ 4) của Việt Nam Cộng hòa từng chặn bắt được lô hàng hêrôin tinh chế của vua Khun Sai trị giá lên đến 700 triệu USD.

Những ngày dài trên biển, anh Thủy và đồng đội trên tàu còn phải ghi nhớ thêm những loại rau dại mọc ở các hòn đang bỏ hoang. Vì theo lịch trình, thỉnh thoảng tàu mới cập được vào bờ để anh em đi chợ mua rau xanh, vì vậy “chợ đảo, chợ hòn” giúp anh em tìm kiếm thêm nguồn thực phẩm giữa biển. Cá thì ăn không hết, nhưng rau xanh là cả vấn đề đối với tất cả các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển vào thời điểm đó.

33 năm​​​​​​​ trên vùng biển Tây Nam - Anh 2

 Các băng đảng ma túy ở Thái Lan sử dụng tàu đánh cá vận chuyển ma túy và bị bắt giữ Ảnh: TƯ LIỆU

Vào một ngày đầu tháng 3.1989, Thiếu úy thuyền phó Đậu Thanh Thủy và anh em ra biển tuần tra trên chiếc tàu BP 28-01-70. Trước khi ra khơi, một số ngư dân trong đất liền nói xuýt xoa rằng, “ngoài đảo Thổ Chu, tàu Thái Lan vô như đậu đen”. Thời điểm đó, vùng biển Tây Nam có quá nhiều cá, trong khi các phương tiện của bà con ngư dân còn đánh bắt lạc hậu, nên nơi này bị ngư dân Thái Lan xem như vựa cá. Trong cuốn lịch sử Hải đoàn 28 còn ghi lại sự kiện tàu đánh cá Thái Lan kéo sang và mỗi khi bị tàu của Hải đoàn Biên phòng 18 (sau chia thành hai hải đoàn 18 và 28) bắt giữ, ngư dân Thái Lan chống trả quyết liệt. Có nhiều tọa độ nóng như: 08 độ 50 phút N – 103 độ 20 phút E. Tàu Kơ Long Day 05 của hải quân Thái Lan và trực thăng còn sang tận vùng này để giải cứu ngư dân Thái Lan đang bị tàu của Bộ đội biên phòng bắt giữ.

Chuyến tuần tra vào tháng 3.1989, anh em trên tàu BP 28-01-70 đã phải đối phó với các ngư dân Thái Lan. Khi ra hiệu ngừng tàu, ngư dân Thái Lan đã mang bình gas ra châm lửa phụt sang hướng tàu Biên phòng, mang dao, gậy, đá ra để quyết “chơi tới cùng”. Đây là một trong hàng ngàn vụ việc mà những người lính Biên phòng phải xử lý.

Rồi vùng biển Tây Nam sạch bóng tàu đánh cá Thái Lan, nạn cướp biển lắng xuống, nhìn lại thì những người lính đầu xanh nay đã có sợi bạc. Chàng Thiếu úy mới ra trường nay đã mang quân hàm Đại tá và giữ cương vị Hải đoàn trưởng Biên phòng 28; những con tàu Grif được ví như chiến mã năm xưa, nay đã có thế hệ tàu tuần tra mới thay thế.

Ngày 1.4.2023, Biên đội A 23 của Hải đoàn Biên phòng 28 phát hiện tàu đánh cá mang số hiệu KG 93835 TS vận chuyển trái phép 25.000 lít dầu D.O không có hóa đơn, chứng từ. Ngay sau khi anh em từ Biên đội báo cáo tình hình vào đất liền, Đại tá Đậu Thanh Thủy đã hình dung ngay ra hiện trường, vì suốt thời trẻ đã ngang dọc trên biển.

Gần tới cuối chặng đường đời binh nghiệp, hỏi về kỷ niệm sâu sắc nhất, Đại tá Đậu Thanh Thủy không kể về lần tàu BP 28-01-70 bị phía Thái Lan bắn thủng khoang lái, hoặc chuyến bắt giữ 1.968 kg cần sa khô, mà kể về cơn bão Linda tháng 10 năm 1997. Đại tá Thủy hồi ức, “mình cầm lái tàu BP 28-01-70 cùng các tàu trong đơn vị lao ra biển để cứu người, ngư dân nổi như phao trên biển, lúc đó sóng lớn muốn nhấn chìm tàu, nhưng nghĩ tới nước mắt của bà con nên tàu vẫn cứ đi để vớt được ai thì ráng cứu”. 

LÊ VĂN CHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc