Hy vọng bên bờ biển rạng

VHO - Biển Rạng ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, cách căn cứ Chu Lai chỉ 1 km và cách thành phố Đà Nẵng chừng 100 km về phía Nam. Cho đến nay, biển Rạng vẫn giữ được vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ như vốn có từ bao đời rồi, trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du khách gần xa.

Hy vọng bên bờ biển rạng - Anh 1

Cảng biển Sa Kỳ

Chiều bên bờ biển Rạng, anh Phạm Văn Quyện, một người từng gắn bó rất lâu năm với ngành Văn hoá huyện Núi Thành tiếp chúng tôi, những người cũng từng một thời làm công tác văn hoá ở các huyện, thị, thành khác của đất Quảng. Lâu ngày gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng, bao kỷ niệm tràn về.

Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng liên tục bởi nhiều người dân và bạn bè đến chào hỏi anh Quyện. Mà cũng phải thôi, người làm công văn hoá thì phần nhiều có cuộc sống giản dị, coi trọng tình cảm hơn những thứ khác ở đời. Vả lại, anh có thời gian làm công tác văn hoá ở huyện tổng cộng đến 31 năm (1984-2015), trong đó 10 năm đầu làm Trưởng phòng Văn hoá- T,hể thao, 21 năm làm Phó Chủ tịch phụ trách văn xã. Có lẽ trên đất nước ta, hiếm có trường hợp nào như vậy. Làm công tác văn hoá dài lâu với năng lực chuyên môn tốt cùng một cái tâm trong sáng thì quen biết nhiều người, và được nhiều người quý mến cũng là điều không lạ.

Núi Thành gần như hình ảnh một nước Việt Nam mình thu nhỏ, nghĩa là có núi, có sông, có đồng, có biển. Nhưng đất này lại sở hữu một đặc điểm mà không nơi nào có được, đó là vị trí địa lý. Nó nằm ở vị trí trung độ của cả nước, có quốc lộ 1A đi qua, có ga đường sắt (Núi Thành), cảng biển (Kỳ Hà), sân bay quốc tế (Chu Lai). Điều rất đáng mừng là suốt 40 năm (1983-2023) kể từ ngày thành lập, huyện Núi Thành biết nhìn ra và triệt để khai thác về lợi thế đặc sắc và độc đáo về vị trí đó để đi lên, để cất cánh.

Hy vọng bên bờ biển rạng - Anh 2

Sân bay quốc tế Chu Lai

Thực ra, nhìn nhận được và triệt để khai thác lợi thế đặc sắc và độc đáo về vị trí địa lý để phát triển thì đã có từ thời các Chúa Nguyễn, áp dụng ở Hội An. Trong sách Tìm hiểu con người Xứ Quảng (Nxb Đà Nẵng, 2005), nhà văn Nguyên Ngọc có một nhận xét sâu sắc: “Công lao của các Chúa Nguyễn 400 năm trước chính là đã nhìn ra vị trí của xứ Quảng, đã tận dụng và phát huy thành công ưu thế của vùng đất vốn chẳng lấy gì làm phì nhiêu này, làm cho nó từ một vùng đất “vô danh” trở thành phồn thịnh bậc nhất thời bấy giờ, không những thế, còn trở thành đòn bẩy kinh tế của cả nước, thúc đầy lịch sử phát triển với một gia tốc chưa từng có trước đó”. Hội An ở phía Bắc của tỉnh bây giờ trở thành Di sản văn hoá thế giới thì chuyển vào phía Nam của tỉnh là Núi Thành để xây dựng Khu kinh tế mở, cũng đều nhằm khai thác lợi thế đặc sắc và độc đáo về vị trí một vùng đất mà thôi. 

Khi mới chia tách tỉnh năm 1997, Quảng Nam là một trong những tỉnh nghèo nhất nước, bây giờ, chỉ mới 26 năm, trở thành một trong không nhiều các tỉnh tự cân đối được ngân sách, có phần đóng góp cho trung ương. Điều gì làm nên sự thay đổi kỳ diệu ấy? Câu trả lời là Quảng Nam có tầm nhìn sâu, và đã khai thác thành công yếu tố vị trí địa lý độc đáo bằng cách xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai ở Núi Thành. Được biết, riêng Công ty Ô tô Trường Hải trong Khu kinh tế mở này đã đóng góp trên 50% ngân sách cho tỉnh Quảng Nam. Từ thành công của Khu kinh tế mở này, lại thú vị với một nhận xét khác cũng của nhà văn Nguyên Ngọc: “Một vùng đất nghèo hay giàu không nhất thiết là một vấn đề định mệnh, mà chủ yếu là do cách con người ứng xử với nó, do cách nghĩ, và từ đó cách làm ăn của con người trên vùng đất ấy…”.

Hy vọng bên bờ biển rạng - Anh 3

Công ty Ô tô Trường Hải trong Khu kinh tế mở Chu Lai, Núi Thành

Coi vị trí quan trọng hơn tài nguyên để mở cửa thương cảng Hội An từ 400 năm trước và xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai sau này là một tư duy rất hiện đại, và thực chất là sự ứng xử văn hoá của con người xứ Quảng đối với mảnh đất mình đang sống.

Lắm lúc câu chuyện của chúng tôi khá lan man nhưng cuối cùng rồi cũng quay về với đề tài văn hoá. Mà cũng dễ hiểu thôi, bởi chúng tôi “đã mang lấy nghiệp vào thân” ngay từ thời còn trẻ. Chúng tôi mong muốn làm sao xử lý tốt mối quan hệ giữa kinh tế và văn hoá để các địa phương phát triển một cách bền vững. Nhưng thực tế điều đó không hề dễ dàng. Anh Quyện nêu một ví dụ là, Công viên văn hoá ở trung tâm huyện Núi Thành hiện nay rất khang trang, đẹp đẽ, là điểm đến vui chơi, thư giãn, giải trí, hưởng thụ văn hoá cho người dân trong huyện, nhưng ban đầu đặt vấn đề này cũng vấp phải không ít chướng ngại. Bởi dưới góc nhìn của những người chỉ biết làm kinh tế thì đấy là đất vàng, nếu đem bán cho doanh nghiệp bất động sản sẽ thu được rất nhiều tiền cho huyện. Trao đổi, bàn luận, tranh luận rất lâu để cuối cùng mới quyết định xây công viên văn hoá. Thế đấy, không ít công trình, thiết chế văn hoá ở địa phương đôi khi phải lách qua khe cửa hẹp để được ra đời.

Đã biết bao lần ngồi trước biển ăn hải sản nhưng hiếm có lần nào chúng tôi thấy thích thú như lần này bên bờ biển Rạng. Biển và bờ vẫn nguyên sơ với nước xanh, cát trắng, nắng vàng, gió trời lùa vào mát rượi. Cua biển, mực nái, ốc hương, nhất là món đặc sản cá Chuồn nướng thì rất khoái khẩu cho nhiều người. Anh Phạm Văn Quyện và những người từng một thời gắn bó thiết tha với công tác văn hoá chúng tôi vẫn say sưa câu chuyện là làm sao một vùng đất đi lên mạnh mẽ nhưng vẫn bảo tồn được cảnh quan tự nhiên mà đất trời ban tặng. Nói dại, mai sau có một đại gia bất động sản nào đến tung tiền đầu tư xây dựng các công trình dịch vụ hoành tráng, ngăn lối xuống biển của người dân như một số nơi khác đã làm thì nơi đây còn chi sự quyến rũ, hấp dẫn nữa! Chúng tôi thực lòng mong muốn điều đó không xảy ra với biển Rạng này…

NDSN HUỲNH HÙNG

Ý kiến bạn đọc