Tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

VHO- Hôm nay 6.9, Hội nghị triển khai Luật, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV sẽ được tổ chức tại Nhà Quốc hội với điểm cầu trực tiếp là hội trường Diên Hồng kết nối trực tuyến với 62 điểm cầu địa phương.

Tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội - Anh 1

Từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 5, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 1.010 văn bản Ảnh: TRẦN HUẤN

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 5, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 1.010 văn bản, bao gồm 23 luật và 101 nghị quyết của Quốc hội, 4 pháp lệnh và 882 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, điều chỉnh toàn diện mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, giám sát tối cao và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. 
Trong khuôn khổ Hội nghị này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung đánh giá tình hình triển khai đối với các luật và một số nghị quyết của Quốc hội, bao gồm 15 luật, 20 nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4 và công tác triển khai thi hành đối với 8 luật, 8 nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5. Về kết quả đã đạt được, đánh giá tổng quan cho thấy, các luật, nghị quyết được Quốc hội ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện các giải pháp quyết liệt, hiệu quả phòng, chống đại dịch Covid-19 tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho Chính phủ và chính quyền địa phương trong quản lý, điều hành; tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển văn hóa - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, phát huy dân chủ, tăng cường bảo đảm quyền con người, quyền công dân, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng thời, quy định thí điểm một số chính sách mới, một số cơ chế, chính sách đặc thù trên một số lĩnh vực và cơ chế, chính sách đặc thù phát triển một số tỉnh, thành phố tạo điều kiện cho các địa phương phát huy tiềm năng, lợi thế, thu hút nguồn lực đầu tư để phát triển nhanh, bền vững, tạo động lực thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế - xã hội và cả nước…
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội được ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như công tác giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đối với việc triển khai luật, nghị quyết có trọng tâm, trọng điểm, nhưng chưa bảo đảm tính toàn diện, chưa chú trọng đối với các luật, nghị quyết mới được ban hành; Một số luật có số lượng nội dung quy định chi tiết nhiều, chưa bảo đảm tính cụ thể để khi có hiệu lực thì thi hành được ngay; Đối với Chính phủ, công tác tổ chức triển khai một số luật, nghị quyết còn chậm; một số luật được ban hành từ năm 2022 nhưng đến nay chưa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục; tính đến ngày 23.8.2023, vẫn còn 11/50 văn bản thuộc trách nhiệm quy định chi tiết của Chính phủ, các Bộ chưa được ban hành, chiếm tỷ lệ 22%, trong đó một số văn bản đã chậm từ 8 tháng đến 1,5 năm so với thời điểm luật, nghị quyết có hiệu lực; Chưa bảo đảm đủ nguồn lực cho việc triển khai thực hiện luật, nghị quyết.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế nêu trên trong đó theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một số Bộ, cơ quan chưa thực hiện nghiêm túc việc tổng kết thi hành pháp luật, khảo sát thực tiễn, đánh giá tác động chính sách, tiếp thu ý kiến của người dân, doanh nghiệp, đối tượng chịu sự tác động trong quá trình xây dựng dự án luật, nghị quyết được giao, dẫn tới quá trình triển khai sau khi văn bản được ban hành gặp nhiều vướng mắc; Kinh phí bảo đảm cho công tác triển khai luật, nghị quyết còn khó khăn; số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng và thực thi pháp luật, công tác pháp chế ở một số Bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu. 
Để khắc phục các bất cập, hạn chế, nâng cao hiệu quả triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội trong thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam, các Bộ, ngành, địa phương, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp như gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật, hoàn thiện cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán, bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, đầu tư hợp lý nguồn lực và các điều kiện để thực hiện tốt các nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, nhất là trong các lĩnh vực quan trọng liên quan đến lợi ích thiết yếu của người dân; hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý kịp thời, hiệu quả kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp; Kiên quyết chống tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật; tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật, phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật. 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương đã chủ động tổ chức triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, nhất là khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết đã có hiệu lực pháp luật. 

 
 THU SÂM

Ý kiến bạn đọc