Xây dựng ngôi làng hạnh phúc dựa trên giá trị di sản văn hóa Sa Huỳnh

VHO - Đến với làng Gò Cỏ ở phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi du khách được hòa mình vào thiên nhiên xanh tươi, không gian tĩnh lặng cùng nhiều hoạt động giúp chúng ta có thời gian nhìn lại mình, cùng sống chậm tại ngôi làng.

Xây dựng ngôi làng hạnh phúc dựa trên giá trị di sản văn hóa Sa Huỳnh - Anh 1

Làng Gò Cỏ, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ

Thoát khỏi những ồn ào nơi phố thị, đến làng Gò Cỏ du khách sẽ cảm nhận được bầu không khí trong lành, cảm giác như đang được mẹ thiên nhiên ôm ấp, lắng nghe tiếng gió thổi, tiếng sóng biển, cùng nhau trồng khoai sắn, làm bánh,… đón ánh bình minh sớm mai trên bãi biển.
Làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ được công nhận là sản phẩm du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn OCOP đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi. Làng chỉ có hơn 80 hộ dân, nằm trên đồi núi đá ven biển có diện tích khoảng 105ha. Đây còn là không gian sinh sống của người Chămpa, sau cùng người Việt đến sinh cơ, lập nghiệp.

Xây dựng ngôi làng hạnh phúc dựa trên giá trị di sản văn hóa Sa Huỳnh - Anh 2

Giới thiệu cho du khách về giếng cổ Chăm pa ở làng Gò Cỏ

Nằm dọc theo biển Sa Huỳnh, làng Gò Cỏ, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ như một điểm sáng giữa không gian văn hóa cổ xưa với tất cả niềm kiêu hãnh, tự hào về một ngôi làng đã từng là nơi cư ngụ của người Chămpa từ thế kỷ VII đến thế kỷ XV - lớp người kế tiếp cư dân cổ Sa Huỳnh. Dấu ấn để lại vẫn còn hiện hữu, gồm: 12 giếng cổ, miếu mạo của người Chăm, nền đá dựng làng, tường rào đá bao quanh làng của người Sa Huỳnh cổ để ngăn thú dữ, giữ đất giữ làng. 
Ngoài ra, qua canh tác, sinh sống, người làng Gò Cỏ làm phát lộ thêm nhiều bình gốm tùy táng của người Chăm cổ. Cho đến ngày nay, người dân tại khu vực làng Gò Cỏ vẫn rất coi trọng và gìn giữ những di tích này. Đặc biệt, người dân đã biết làm du lịch cộng đồng với những gì thiên nhiên, tổ tiên để lại cùng với sự phát huy nội lực của cả cộng đồng.

Xây dựng ngôi làng hạnh phúc dựa trên giá trị di sản văn hóa Sa Huỳnh - Anh 3

Du khách sinh hoạt, trải nghiệm bên nhà lợp mái tranh

Đến Gò Cỏ, dễ dàng bắt gặp những giếng đá, cầu đá, nhà lợp mái tranh... đặc trưng tiêu biểu của người Chăm Pa mà cư dân làng chài này đã gìn giữ cả ngàn năm trước. Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, du khách đến từ Quảng Nam chia sẻ, cảnh quan ở làng Gò Cỏ nguyên sơ, mộc mạc, cuộc sống của người dân nơi đây êm ả, bình dị, chất phác.

“Đến đây tôi được trải nghiệm việc đánh bắt hải sản hằng ngày đến trồng rau… Hầu như bà con trong làng làm theo cách truyền thống, không gây hại cho môi trường, thiên nhiên. Ngay cả các vật dụng hằng ngày như nong, nia, rổ, thúng… người dân cũng chủ yếu đan lát bằng tre, chiếc mũ đan bằng lá dừa”, chị Tuyền bày tỏ.

Xây dựng ngôi làng hạnh phúc dựa trên giá trị di sản văn hóa Sa Huỳnh - Anh 4

Mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch

Từ một làng quê ít người biết, thì nay, làng Gò Cỏ đã có tên trên bản đồ du lịch, được du khách trong và ngoài nước biết đến. Bà Bùi Thị Vân (66 tuổi), người dân ở làng Gò Cỏ cho hay, từ khi làm du lịch, khách đến với Gò Cỏ ngày càng đông. Người dân đoàn kết, cùng nhau buôn bán, tổ chức các dịch vụ. Đó là tiền đề để xây dựng quê hương ngày càng giàu, đẹp.
Sau 5 năm, làng quê ngày nào nay đã trở thành điểm du lịch hút khách bậc nhất Quảng Ngãi, là làng du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Giám đốc HTX Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ Nguyễn Thị Diễm Kiều chia sẻ, ngôi làng ngày càng phát triển dựa trên tài nguyên di sản vốn có.

Bà con ở đây thường ngày đi làm biển, có khách thì làm du lịch. Họ không bị chuyển đổi sinh kế. Nhiều người vẫn chèo ghe ra biển mưu sinh, nhưng nay có thêm công việc mới là đưa, đón khách đi tham quan. Một giờ có thể kiếm được 100 nghìn đồng/người, nên nhiều người thay vì xây nhà lầu, họ bỏ kinh phí để làm nhà tranh, vách đất, kiếm tiền từ homestay.

Xây dựng ngôi làng hạnh phúc dựa trên giá trị di sản văn hóa Sa Huỳnh - Anh 5

Tham quan làng Gò Cỏ

“Tháng 12.2020, làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ được công nhận là sản phẩm du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao đầu tiên của tỉnh. Hiện nay, HTX đang đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận làng Gò Cỏ là điểm du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao; đồng thời, đặt mục tiêu xây dựng Gò Cỏ trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước”, chị Kiều cho biết.

Xây dựng ngôi làng hạnh phúc dựa trên giá trị di sản văn hóa Sa Huỳnh - Anh 6

Đích đến cuối cùng là xây dựng ngôi làng hạnh phúc

Theo chị Kiều, mặc dù Gò Cỏ có địa hình núi đá, khí hậu khắc nghiệt vào mùa khô nhưng đây là một ngôi làng cổ Chămpa, nằm trong vùng lõi của không gian văn hóa Sa Huỳnh, sát biển và còn hoang sơ... đó chính là tài nguyên vô giá, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng.

Sau những thành công bước đầu, dự định trong thời gian đến của HTX là xây dựng những thế hệ kế thừa và phát triển làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ trở thành mô hình thí điểm của quốc gia. Đích đến cuối cùng là hình thành nên ngôi làng hạnh phúc. Bởi theo chị Kiều, chỉ khi tìm thấy hạnh phúc thực sự thì mọi giá trị đạt được mới bền vững và lợi ích mới đảm bảo dài lâu.

Xây dựng ngôi làng hạnh phúc dựa trên giá trị di sản văn hóa Sa Huỳnh - Anh 7

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh chia sẻ cùng bà con ở làng Gò Cỏ

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh chia sẻ: “Với vai trò dẫn dắt của HTX Gò Cỏ nói riêng và Sở VHTTDL nói chung để hình thành mô hình du lịch cộng đồng như làng Gò Cỏ bây giờ rất tốt. Cần nhân rộng mô hình này ở các địa phương khác trong tỉnh. Mong rằng làng Gò Cỏ tiếp tục phát triển, thu hút khách du lịch đông, trước mắt là cải thiện cuộc sống của bà con địa phương. Đồng thời, quảng bá văn hóa, hình ảnh, con người Quảng Ngãi, đặc biệt là di sản văn hóa Sa Huỳnh đến với du khách trong nước và thế giới biết đến”.

* Trang thông tin  có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương

NHƯ ĐỒNG

Ý kiến bạn đọc