Làng bánh mè rộn ràng đón Tết

VHO - Những ngày này, các gia đình làm bánh mè truyền thống ở thôn Trì Bình, xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) liên tục đỏ lửa để sản xuất kịp đưa ra thị trường tiêu thụ. Đây là vùng quê nổi tiếng từ lâu đời với nghề làm bánh mè gia truyền được làm quanh năm và nghề mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân làm bánh nơi đây.

Làng bánh mè rộn ràng đón Tết - Anh 1

Nghề làm bánh mè gia truyền mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân Trì Bình

Tại xưởng làm bánh mè lâu đời của bà Võ Thị Kim Hoanh ở thôn Trì Bình, xã Bình Nguyên những ngày cuối năm, không khí làm việc vô cùng nhộn nhịp. Bà Hoanh phải thức dậy từ 2 giờ sáng mỗi ngày để chuẩn bị các nguyên liệu làm bánh. Ngày thường, gia đình bà Hoanh chỉ sản xuất khoảng 2.000 - 3.000 bánh, nhưng đến Tết, sản lượng tăng gấp đôi. Gần 5.000 bánh mè được làm ra mỗi ngày đều được tiêu thụ nhanh chóng.
“Trong năm vất vả nhất mấy ngày Tết. Số lượng hàng đặt dồn dập, không dám từ chối vì sợ mất mối. Để đảm bảo giao hàng đúng số lượng, thời gian, phải làm việc cả ngày lẫn đêm”, bà Hoanh chia sẻ.  

Làng bánh mè rộn ràng đón Tết - Anh 2

Công việc đầu tiên là phải chọn loại gạo khang dân

Theo bà Hoanh, chiếc bánh mè trông nhỏ nhắn, đơn giản nhưng kỳ công vô cùng. Như mè thì phải rang đều trên lửa nhỏ, rang tới khi nào mắt thấy vàng, mũi cảm nhận mùi thơm thì thôi. Đường thì phải thắng đến khi nào nhìn thấy thật tới, nhồi bột mới mịn được.

Làng bánh mè rộn ràng đón Tết - Anh 3

Khâu chuẩn bị mè

Công việc đầu tiên là phải chọn loại gạo khang dân, vo đãi sạch sẽ rồi xay nhuyễn; sau đó gia với bột nghệ; tiếp đến dùng khuôn đóng bột gạo thành từng chiếc bánh vuông vứt rồi mang đi hấp chín. Lúc bánh gạo vừa chín tới lập tức mang ra xếp lên lò sưởi cho chiếc bánh săn lại, khô ráo, hoàn toàn giòn tan. 
Tiếp đó là thắng đường, đường vàng thắng kéo tơ thì nhắc xuống để than đảm bảo nồi nóng thường xuyên. Dùng đũa nhúng chiếc bánh gạo đã nướng vào nồi đường kéo tơ bám quanh chiếc bánh rồi nhanh tay lấy ra.

Làng bánh mè rộn ràng đón Tết - Anh 4

Bánh được nướng trên bếp lửa than

Công đoạn hoàn thiện là lúc cho bánh đã nướng nhúng vào thau mè rang ngay bên cạnh; phủ kín mè vào bánh. Khi ấy, chiếc bánh đã thành phẩm nhưng cần phải để thật nguội mới đóng gói nếu không muốn làm mất đi độ giòn.

Làng bánh mè rộn ràng đón Tết - Anh 5

Bánh gạo sau khi nướng có màu vàng nhạt đẹp hơn khi pha bột gạo với nghệ quê

Vị bánh mè ngọt thanh, giòn xốp mà ăn lại không ngán nên nhiều khách hàng mua về làm quà biếu, tặng dịp Tết. Để kịp sản xuất cung ứng cho nhu cầu tăng cao của thị trường Tết, bà Hoanh phải thuê thêm 5-7 người làm là các chị em, người già trong làng. Làm việc thời vụ tại các xưởng sản xuất bánh truyền thống đã mang lại thu nhập cao nhiều người.

Làng bánh mè rộn ràng đón Tết - Anh 6

Người làm tẩm bánh đã nướng vào thau mè

Chị Bùi Thị Yến Loan, thôn Trì Bình, xã Bình Nguyên cho hay: “Làm bánh vừa có tiền trang trải gia đình, giữ được nghề truyền thống. Nhất là dịp Tết làm đắt hàng tất bật vui lắm”.
Bà Hoanh cho biết, trước đây, người làm bánh mè thường phải làm thủ công hoàn toàn, nhưng hiện nay, công đoạn làm bánh đã cải tiến khi đưa công nghệ vào quy trình sản xuất, vừa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng vốn có của bánh. 

Làng bánh mè rộn ràng đón Tết - Anh 7

Mỗi ngày có khoảng 5.000 bánh mè được tiêu thụ ra thị trường

Mỗi ngày, các mẻ bánh của bà Hoanh làm ra được nhiều người ưa chuộng, bởi vị bánh ngọt thanh, mềm mà ăn lại không ngán. Nhiều khách hàng còn mua về làm quà biếu, tặng cho người thân ở nước ngoài.
Ngày nay, ngoài bà Hoanh, tại thôn Trì Bình còn có khoảng 4 - 5 hộ gắn bó với nghề làm bánh mè truyền thống. Với họ, ngoài việc có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống gia đình thì niềm vui hơn cả là giữ gìn được nghề truyền thống mà cha ông để lại.

NHƯ ĐỒNG

Ý kiến bạn đọc