Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh: Góp phần làm cho việc học tập và làm theo Bác trở thành nếp sống, đặc trưng văn hóa

VHO - Thời gian qua, việc triển khai xây dựng và hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh đang từng bước tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị và Nhân dân thành phố. Nhân dịp năm mới, các chuyên gia đã chia sẻ nhiều ý kiến nhằm nhìn lại, đồng thời tạo thêm diễn đàn trao đổi, hiến kế trong quá trình xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại thành phố mang tên Bác…

Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh: Góp phần làm cho việc học tập và làm theo Bác trở thành nếp sống, đặc trưng văn hóa - Anh 1

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng

PGS.TS Phan An, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ: VIỆC XÂY DỰNG KHÔNG GIAN VĂN HÓA HỒ CHÍ MINH ĐANG TRỞ THÀNH XU HƯỚNG

Việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh đang trở thành xu hướng và phát triển mạnh mẽ tại TP.HCM và một số địa phương khác.

Vừa rồi tôi có dịp tiếp cận một vài nơi và tôi thấy rằng các không gian đang được quan tâm đầu tư, dù chỉ mới hình thành trong thời gian ngắn nhưng mang lại kết quả rất tích cực, rất thú vị. Tiêu biểu trong số này là không gian văn hóa Hồ Chí Minh của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số tại TP.HCM. 

Bởi vì ở mỗi nơi, việc tiếp cận văn hóa Hồ Chí Minh có sự khác nhau tùy theo cộng đồng, nhất là các cộng đồng dân tộc thiểu số sẽ khác với cộng đồng người đa số. Dưới góc độ là một chuyên gia nghiên cứu về dân tộc học, khi tôi đến không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại đây, khiến tôi rất thích thú.

Khi mở không gian này ra, bà con dân tộc thiểu số đã có thể hiểu thêm hơn về văn hóa Hồ Chí Minh, và nhận thấy rằng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là một sự cần thiết. Nơi đây trưng bày chân dung của Bác, tư liệu về Bác, các quyển sách của người Hoa viết về Bác và các di sản khác về Bác…

Chẳng hạn quyển “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh được viết bằng thư pháp chữ Hán, tôi cho rằng đây là một công trình rất hay, qua đây sẽ có thêm nhiều người hiểu sâu sắc về văn hóa của Bác Hồ, nói rộng hơn về tư tưởng của Bác, đạo đức của Bác,… 

Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh: Góp phần làm cho việc học tập và làm theo Bác trở thành nếp sống, đặc trưng văn hóa - Anh 2

PGS.TS Phan An, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ

Tôi cho rằng cần sự quan tâm nhiều hơn của các đồng chí lãnh đạo, làm thế nào đó để văn hóa Hồ Chí Minh đi sâu hơn vào quần chúng nhân dân. Đặc biệt, TP.HCM là nơi có rất nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số, như người Hoa, người Khmer, người Chăm và các cộng đồng dân tộc khác, thì không gian văn hóa Hồ Chí Minh là một nơi quan trọng làm cho cộng đồng các dân tộc hiểu về Bác.

Tuy nhiên cần tránh hình thức, vì tôi biết cũng có nơi đang làm theo phong trào. Chúng ta cần xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh thực tế hơn, để người dân tiếp cận không gian tương đối dễ dàng, thuận lợi và khi vào không gian đó cũng thấy được sự gần gũi, ấm cúng. 

PGS.TS Lâm Nhân, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa TP.HCM: CẦN GẮN LIỀN VỚI BỐI CẢNH TỰ NHIÊN VÀ VĂN HÓA CỤ THỂ CỦA TỪNG VÙNG

Theo tôi, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa rất lớn. Thứ nhất, chúng ta đang học tập tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, thông qua xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh sẽ góp phần làm cho việc học tập và làm theo Bác trở thành nếp sống, đặc trưng văn hóa của đảng viên và Nhân dân thành phố. Đây là một trong các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị, đạo đức.

Thứ hai, chúng ta đang muốn xây dựng bản sắc văn hóa riêng của những thành phố, không chỉ ở TP.HCM, do đó nếu chúng ta xây dựng thành công không gian văn hóa Hồ Chí Minh, sẽ góp phần lan tỏa đến các thành phố khác.

Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh: Góp phần làm cho việc học tập và làm theo Bác trở thành nếp sống, đặc trưng văn hóa - Anh 3

Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM Lâm Nhân

Tôi cũng khẳng định lại rằng, muốn xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh hiệu quả, cần có ba yếu tố quan trọng: Con người, Môi trường và Thiết chế. Môi trường TP.HCM mang một bản sắc riêng như các hoạt động “Trên bến dưới thuyền”, các chương trình giao lưu văn hóa-văn nghệ, giao thương của thành phố trước đây diễn ra vô cùng nhộn nhịp,…

Thế nhưng môi trường này có chiều hướng đi vào lối mòn, thậm chí dần mất đi, thì việc khôi phục lại không gian - môi trường này cũng cần được đặc biệt quan tâm, tất nhiên, cần chú ý đến sự tham gia của cộng đồng là quan trọng nhất. 

Bên cạnh đó, thiết chế văn hóa đóng vai trò quan trọng không kém. Thiết chế tôi muốn nói đến ở đây bao gồm hệ thống thiết chế văn hóa truyền thống và các di sản văn hóa ở đô thị.

Hệ thống thiết chế văn hóa truyền thống thì chúng ta đã có từ xưa như đình, đền, chùa, miếu… góp phần xây dựng và làm nên phong cách văn hóa, con người thành phố, tại chính địa điểm mà các thiết chế đó hiện diện. Cùng với hệ thống thiết chế văn hóa truyền thống, cần có các giá trị văn hóa mới bổ sung cho nhau để tạo nên sự hài hòa.

Ngoài ra, giá trị văn hóa, con người Sài Gòn - TP.HCM là một yếu tố quan trọng mà không địa phương nào có được. Bác Hồ đã bảo rằng, muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội thì phải có con người xã hội chủ nghĩa, vì thế, muốn xây dựng thành công không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở tại thành phố này thì chúng ta phải có những con người vừa có trí tuệ, đạo đức, phong cách, vừa có tâm huyết.để bắt tay vào làm. 

Việc xây dựng không gian văn hóa này phải truyền tải được giá trị văn hóa Hồ Chí Minh, đó là những giá trị từ tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác. Bên cạnh đó, không gian văn hóa Hồ Chí Minh cần phải gắn liền với những bối cảnh tự nhiên và văn hóa cụ thể của từng vùng, từng khu vực; cần phải có sự độc đáo, đặc sắc riêng so với các địa phương khác.

Việc xây dựng không gian văn hóa phải có trọng tâm, trọng điểm; tránh sự dàn trải, mang tính phong trào, hời hợt dẫn đến lãng phí nguồn lực và thiếu hiệu quả.

GS.TS.NGND Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM: CẦN HỘI TỤ TÍNH THẨM MỸ, ĐẠI CHÚNG, GẮN KẾT ĐỂ MỌI NGƯỜI CÙNG THỤ HƯỞNG

Trong sự nghiệp đổi mới, cùng với quá trình hội nhập, mở cửa, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của TP.HCM kéo theo sự phát triển mở rộng không gian văn hóa công cộng sẽ nảy sinh nhu cầu xây dựng, cải tạo không gian văn hóa nghệ thuật tương xứng, đáp nhu cầu hưởng thụ về mặt vật chất và tinh thần của nhân dân. 
Mỹ thuật ngoài trời là một thành tố không thể thiếu trong không gian văn hóa công cộng TP.HCM và nó cũng là một điểm nhấn quan trọng trong tổng thể chung của việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã đề ra. 

Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh: Góp phần làm cho việc học tập và làm theo Bác trở thành nếp sống, đặc trưng văn hóa - Anh 4

Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM Nguyễn Xuân Tiên

Vì mỹ thuật trong không gian văn hóa đô thị không chỉ đóng vai trò làm đẹp hay những điểm nhấn cần thiết để tô điểm cho đô thị mà còn thể hiện trình độ dân trí, trình độ phát triển và văn mình của đô thị.

Để phát triển mỹ thuật trong không gian văn hóa công cộng tại Thành phố đáp ứng với tiến trình “Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý; hoàn thiện bản đồ quy hoạch tổng thể các công trình, tác phẩm mỹ thuật trong không gian văn hóa công cộng thành phố. Xây dựng chính sách pháp lý để tạo sự phối hợp đồng bộ giữa mỹ thuật kiến trúc - quy hoạch và các ngành có liên quan.

Đặc biệt, cần có cơ chế trích từ 1-5% tổng kinh phí thực hiện các công trình kiến trúc công cộng, cho công việc làm đẹp của mỹ thuật. Để mỗi công trình công cộng không chỉ làm tốt công năng thực dụng mà còn là tác phẩm nghệ thuật làm đẹp cảnh quan đô thị.

Để chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 2025, đề nghị lãnh đạo Thành phố cho triển khai lại đề án xây dựng tượng đài Thống nhất tại công viên Hoàng Văn Thụ (cửa ngõ từ sân bay Tân Sơn Nhất đi vào Thành phố).

Đây là một công trình tâm huyết, trăn trở không chỉ của các cấp lãnh đạo Thành phố nhiều nhiệm kỳ mà còn là món nợ của giới chuyên môn với người dân Thành phố trong rất nhiều năm qua.

Nếu thực hiện được tốt công trình này thì đây cũng là một món quà có ý nghĩa trong dịp Lễ trọng đại Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng thời cũng góp phần không nhỏ vào việc “Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh”.

Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn không gian văn hóa Hồ Chí Minh không chỉ có giá trị chiêm ngưỡng mà cần làm sao để các thế hệ sau coi như đây là không gian truyền thống, gắn với tuổi thơ, lưu giữ ký ức…, Muốn thế, không gian này phải hội tụ tính thẩm mỹ, đa dạng, đại chúng, gắn kết để mọi người cùng thụ hưởng.

THÙY TRANG (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc