Điều gì để lễ hội khai ấn đền Trần không còn là điểm nóng?

VHO - Lễ hội khai ấn đền Trần Xuân Giáp Thìn 2024 không quá đông như dự báo và diễn ra khá yên bình. Đêm khai ấn 14 tháng Giêng (23.2) trong tiết trời mưa lạnh, người dân và du khách vẫn đội mưa về đền thiêng đi lễ đầu năm. Nhiều người lựa chọn phương án ở lại qua đêm để chờ đến giờ phát ấn lộc.

Điều gì để lễ hội khai ấn đền Trần không còn là điểm nóng? - Anh 1

 Người dân nhận ấn lộc sáng Rằm tháng Giêng Ảnh: TR.HUẤN

Không xuất hiện cảnh xô bồ, chen lấn, không có hình ảnh phản cảm như ném tiền, xoa tiền lên kiệu ấn, tranh cướp lộc trên ban thờ… Những hạn chế tại lễ hội đền Trần qua nhiều năm dần được khắc phục, và đã không còn là “điểm nóng”.

Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lễ hội

Từ chiều đến đêm 14 tháng Giêng, dù trời mưa lạnh nhưng ngôi đền thiêng vẫn là điểm hẹn di sản văn hóa quen thuộc của người dân và du khách. Diễn ra trước ngày cuối tuần vì vậy lượng khách trong ngày 14 tháng Giêng không đông “đột biến” như dự báo. Công tác chuẩn bị và tổ chức lễ dâng hương, khai ấn đền Trần Xuân Giáp Thìn 2024 diễn ra an toàn, trật tự; người dân tiếp tục được chứng kiến cảnh tượng một đêm khai ấn bình yên.

Có mặt tại đền Trần từ chiều 14 tháng Giêng, anh Lê Văn Lộc (Hà Nội) chia sẻ, “đền Trần trước khai ấn năm nay vắng hơn nhiều so với năm trước. Để tránh cảnh ùn tắc và có thời gian đi lễ thảnh thơi, gia đình tôi đi lễ từ chiều 14, thế nhưng khi đến đây lại thấy không quá đông, các không gian trong đền đều vừa đủ để người đi lễ nhẹ bước thành tâm”. Ghi nhận của phóng viên Văn Hóa từ chiều ngày 14 tháng Giêng, trên nhiều ngả đường hướng về đền Trần đều vắng vẻ, thưa người. Nếu như những năm trước, khi hoạt động phát ấn diễn ra ngay sau lễ khai ấn đã tạo nên những hình ảnh đông đúc, chen lấn thì đến nay việc chuyển hoạt động phát ấn sang sáng hôm sau đã thay đổi cơ bản diện mạo và không khí của một lễ hội lớn, thu hút đông người. “Lễ hội đền Trần đã không còn là điểm “nóng”, lượng khách về với di tích dịp đầu năm vẫn rất đông, tuy nhiên vì nắm được thông tin của hoạt động phát ấn bắt đầu từ sáng ngày Rằm nên du khách tự sắp xếp, cân đối thời gian. Do vậy, cảnh tượng chen chúc, xô đẩy để nhận ấn lộc cũng không còn nữa”, ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng BQL di tích đền Trần- chùa Tháp cho biết.

Lễ Khai ấn (giờ Tý đêm 14 tháng Giêng) là nghi lễ quan trọng trong lễ hội Khai ấn đền Trần truyền thống, với các hoạt động lễ dâng hương, lễ rước Kiệu ấn từ đền Cố Trạch sang đền Thiên Trường, lễ Khai ấn, dâng Chúc văn. “Lễ Khai ấn được duy trì tổ chức hằng năm không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị của di sản văn hóa mà còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau”, Chủ tịch UBND TP Nam Định Phạm Duy Hưng nhấn mạnh. Thực hiện Bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống do Bộ VHTTDL ban hành, năm nay, các tiêu chí về xây dựng không gian văn hóa trong lễ hội được chú trọng, đẩy mạnh tuyên truyền. Ông Bình cho hay, cùng với tuyên truyền, công tác bảo vệ an ninh, an toàn và sự trang trọng cho nghi lễ được thực hiện nghiêm; những hành vi làm ảnh hưởng đến trật tự, văn minh lễ hội đều được nhắc nhở, chấn chỉnh.

Nghi lễ Khai ấn được thực hiện trang trọng tại ban thờ Trung thiên, đền Thiên Trường với 14 cụ cao niên trong dòng họ Trần tại làng Tức Mặc, phường Lộc Vượng và đại diện một số ban, ngành, đoàn thể chứng kiến nghi lễ đóng dấu khai ấn. Sau khi hoàn thành nghi lễ Khai ấn, cửa đền được mở dần dần đểngười dân và khách thập phương vào lễ đầu năm. Để tránh cảnh tượng “biển người” cùng ùa vào đền trong một thời điểm, gây mất an ninh trật tự, công tác an ninh được đổi mới trong công tác kiểm soát số lượng người vào đền nên không diễn ra cảnh tượng xô bồ, chen lấn. Sau lễ khai ấn, lực lượng công an tiếp tục túc trực, đảm bảo an toàn cho người dân và du khách vào đền đi lễ đầu năm, đặc biệt tăng cường ở thời điểm bắt đầu phát ấn vào sáng ngày Rằm.

Điều gì để lễ hội khai ấn đền Trần không còn là điểm nóng? - Anh 2

 Dù trời mưa và lạnh, người dân, du khách vẫn nhẫn nại xếp hàng nhận ấn Ảnh: QUANG TẤN

Hoan hỉ chờ đến giờ phát ấn

Thời tiết mưa lạnh khiến nhiều du khách thập phương đội mưa trong đêm 14 tháng Giêng để vào đền sau lễ khai ấn. Chị Lê Thục Anh đến từ Hải Phòng chia sẻ, năm nay đi lễ muộn, thời gian đến giờ Khai ấn chỉ còn vài tiếng đồng hồ nên chị quyết định sẽ nán lại đền. “Thời tiết mưa gió làm người đi lễ khá vất vả nhưng chúng tôi đều hoan hỉ, chờ tới giờ nhận ấn lộc và tiếp tục vào đền làm lễ đầu năm, cầu cho mọi điều may mắn, hanh thông”, chị Thục Anh cho biết.

BQL di tích đền Trần cũng tạo điều kiện thuận lợi để du khách có thể nhận được sớm nhất những lá ấn lộc. Từ 5h ngày 15 tháng Giêng (ngày 24. 2), nhà đền bắt đầu phát ấn cho nhân dân và du khách ở các điểm nhà Giải Vũ tại Cung Thiên Trường, đền Cố Trạch và nhà trưng bày tại Cung Trùng Hoa. Các bậc cao niên, người phát ấn cũng trắng đêm để chuẩn bị sẵn sàng những lá ấn lộc chuyển đến nhân dân và du khách thập phương. Thời điểm bắt đầu phát ấn, lượng khách không đông nên các địa điểm phát ấn không xảy ra ùn tắc, xô đẩy. Chỉ nửa tiếng sau khi mở cửa, các địa điểm này dần thưa vắng. Trước đó, từ trước 5 giờ sáng, du khách thập phương đã xếp hàng chờ xin ấn đền Trần. Do tâm lý chờ đợi cả đêm, cộng thêm thời tiết mưa lạnh đã khiến nhiều người mong nhanh chóng nhận được ấn lộc. Bởi vậy, dù lượng khách vắng hơn nhiều so với mọi năm nhưng phía trước 4 địa điểm phát ấn đều khá đông người xếp hàng chờ đợi.

Tại các khu vực phát ấn, những người được phân công nhiệm vụ phát ấn làm việc liên tục để phục vụ người dân. Bộ phận đảm bảo an ninh, an toàn thường xuyên túc trực. Phía trong các địa điểm phát ấn, các bô lão chuẩn bị gọn gàng những lá ấn lộc để phát cho người dân. Sau khi lấy ấn, nhiều người tiếp tục hành lễ trong đền Trần… Có thể nhận thấy, lễ hội đền Trần qua từng năm đều có những đổi mới, hướng đến tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống. Năm nay, nhiều hoạt động văn hóa truyền thống, nghi lễ đặc sắc khác được tổ chức trang trọng, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân địa phương và du khách. Trong đó, nghi thức lễ rước Nước, tế Cá là nghi lễ mang ý nghĩa nhân văn và lịch sử; tái hiện các nghi lễ được thực hiện từ xa xưa, gắn với truyền thống xuất thân nghề sông nước, chài lưới của nhà Trần. 

PHƯƠNG ANH

Ý kiến bạn đọc