Tiếng chuông cầu nguyện hòa bình tại Quảng Trị

VHO - Được sự đồng ý của Chính phủ và Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Quảng Trị đang gấp rút tổ chức Lễ hội Vì hòa bình nhằm tôn vinh giá trị của hòa bình, kêu gọi mọi người chung tay đấu tranh, gìn giữ, xây dựng cuộc sống bình yên, thịnh vượng, bền vững cho quê hương, đất nước và nhân loại.

Tiếng chuông cầu nguyện hòa bình tại Quảng Trị - Anh 1

 Thỉnh chuông hòa bình tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn

Đây cũng là dịp để tưởng niệm, tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự trường tồn của Tổ quốc; tưởng niệm các nạn nhân và những mất mát đau thương do chiến tranh gây ra.
Gấp rút cho công tác tổ chức Lễ hội Vì hòa bình
Lần đầu tiên được tổ chức tại Quảng Trị, theo kế hoạch, Lễ hội Vì hòa bình sẽ khai mạc vào tối 6.7 tại Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải với chương trình nghệ thuật đa sắc thái, chuyển tải thông điệp về khát khao hòa bình và tinh thần hội nhập của Việt Nam, mà trọng tâm là mảnh đất Quảng Trị, với trầm tích lịch sử - con người thân thiện - văn hóa độc đáo. Ngoài chương trình nghệ thuật còn có màn bắn pháo hoa tầm thấp. 
Sau lễ Khai mạc sẽ có chương trình giao lưu quảng bá văn hóa, du lịch với nhiều hoạt động chính như: Giao lưu âm nhạc Giai điệu hòa bình tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh; Lễ hội Văn hóa - Ẩm thực với chủ đề Hương vị miền nắng gió với hơn 100 gian hàng, trong đó có 20% gian hàng quốc tế; Chương trình giao lưu Nghệ thuật diều quốc tế tại Khu Dịch vụ du lịch Cửa Việt; Chương trình Ước nguyện hòa bình tại Bến thả hoa bờ Bắc sông Thạch Hãn và Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị với lễ dâng hoa, dâng hương, thả hoa đăng, cầu nguyện…
Đặc biệt, tiếng chuông cầu nguyện hòa bình tại Bến thả hoa bờ Bắc sông Thạch Hãn và Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị sẽ diễn ra đồng thời cùng các hoạt động tri ân tại tất cả các nghĩa trang, bia tưởng niệm, nhà thờ... trên địa bàn tỉnh và có thể kết nối với các địa danh liên quan đến chủ đề Vì hòa bình trên thế giới. Ngoài ra, tại các huyện, thị xã, thành phố đều có các hoạt động thiết thực để hưởng ứng Lễ hội, nhằm phản ánh một cách đa dạng, phong phú những nét văn hóa truyền thống đặc trưng của mảnh đất, con người Quảng Trị.

Tiếng chuông cầu nguyện hòa bình tại Quảng Trị - Anh 2

 Cầu Hiền Lương lịch sử là một trong những biểu tượng cho sự thống nhất của nước nhà, và là điểm du lịch yêu thích của du khách trong và ngoài nước Ảnh: P.V

Tại buổi làm việc ngày 23.2 với Sở VHTTDL và các Sở, ngành, đơn vị liên quan để rà soát công tác tổ chức Lễ hội Vì hòa bình lần thứ nhất năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam nhấn mạnh, sự kiện là lễ hội có quy mô, tầm cỡ, được mong đợi lớn nhất từ trước đến nay, do đó cần phải khơi dậy sự tham gia của toàn xã hội; sự đóng góp, vai trò, trách nhiệm của cộng đồng và phải làm cho người dân hiểu giá trị khi được sống trong hòa bình.
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở VHTTDL Lê Minh Tuấn cho biết, thực hiện Kế hoạch 233/KH-UBND ngày 10.12.2023 của UBND tỉnh Quảng Trị về tổ chức Lễ hội Vì hòa bình lần thứ nhất năm 2024, Sở đã gấp rút triển khai công tác chuẩn bị. Theo đó, Sở đã xây dựng kịch bản, chương trình khung cho các hoạt động: Ngày đạp xe Vì hòa bình từ 29-30.6; Khai mạc Lễ hội vào lúc 20h ngày 6.7 tại Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; Giao lưu âm nhạc Giai điệu hòa bình ngày 8.7 tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh; Lễ hội Văn hóa - Ẩm thực từ 12-14.7 tại Khu du lịch biển Cửa Việt; Chương trình Ước nguyện hòa bình vào lúc 20h ngày 26.7 tại Bến thả hoa bờ Bắc sông Thạch Hãn và Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị...
Cùng với đó, Sở tham mưu Dự thảo quyết định thành lập BTC Lễ hội và bốn tiểu ban, gồm: Nội dung, Tuyên truyền, An ninh trật tự và Hậu cần với các thành viên và nhiệm vụ cụ thể, chi tiết; Kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ngành, địa phương; Tham mưu UBND tỉnh nội dung làm việc với các Bộ, ngành Trung ương như Bộ VHTTDL, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội đồng Giám mục Việt Nam, UBND TP Hà Nội và TP.HCM hỗ trợ tổ chức Lễ hội; Phối hợp Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh khảo sát các địa điểm dự kiến tổ chức các hoạt động, các di tích lịch sử quan trọng, điểm dự kiến trong toàn tỉnh để thống nhất đề xuất tu bổ, chỉnh trang các hạng mục cần thiết phục vụ Lễ hội với kinh phí từ ngân sách tỉnh và xã hội hóa...

Tiếng chuông cầu nguyện hòa bình tại Quảng Trị - Anh 3

 Thả hoa tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ trên sông Thạch Hãn

Hơn 7 tỉ đồng đầu tư chỉnh trang, tu bổ các công trình phục vụ Lễ hội
Thực hiện Kế hoạch số 233 của UBND tỉnh về tổ chức Lễ hội Vì hòa bình năm 2024, Ban Quản lý đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị đang phối hợp với Sở VHTTDL thực hiện khảo sát, lập khái toán một số công trình chỉnh trang, tu bổ các di tích lịch sử, các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ Lễ hội Vì hòa bình năm 2024, tổng kinh phí dự kiến là 7.171 triệu đồng.
Cụ thể, tu bổ, tôn tạo một số hạng mục tại Khu di tích Địa đạo Vịnh Mốc, bao gồm hạng mục: Nhà đón tiếp và chiếu phim tư liệu, cải tạo nội thất phòng chiếu phim; thay hệ thống điện, lắp đặt điều hòa; sơn trần sảnh đón; vệ sinh mái ngói; lắp bảng tên di tích; tu bổ, tôn tạo một số hạng mục tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, bao gồm: Chỉnh trang khuôn viên (hạng mục kỳ đài, cây xanh…); nhà liên hợp; nhà trưng bày (thay mới bản đồ giới tuyến, in lại ảnh trưng bày, sơn lại chân tường, bục, thay pano câu trích của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay viền bo của bức khánh tiết); thay đá lát sảnh đón, sơn mặt tiền; cổng chào: sơn lại cổng chào; khuôn viên bờ Nam (cải tạo trồng hoa, cây cảnh); thay hai hàng rào chắn đường bờ Nam; sơn lại nhà bảo vệ; đổ bê tông bãi đỗ xe bờ Nam; cắt tỉa, tạo dáng cây cảnh.
Đồng thời, cải tạo Trung tâm văn hóa - điện ảnh tỉnh Quảng Trị (đục bỏ, thay mới đá lát sân quảng trường, đục bỏ, thay mới đá lát sảnh đón, thay đá ốp tường); cải tạo Bảo tàng tỉnh (chống thấm toàn bộ phần mái, sơn trần tiền sảnh, sơn mỹ thuật hệ thống phù điêu, họa tiết trang trí mặt đứng); sửa chữa hệ thống điện chiếu sáng; thay mái lợp hai hiện vật xe zin trưng bày ngoài trời; cải tạo Bến thả hoa bờ Bắc sông Thạch Hãn (chỉnh trang hệ thống điện chiếu sáng hạng mục nhà hành lễ, làm tấm chắn di động cổng tường rào, chữ nổi trên sông); cải tạo Bến thả hoa bờ Nam sông Thạch Hãn (chỉnh trang hệ thống điện chiếu sáng hạng mục nhà hành lễ; điện trang trí khu vực quảng trường; cải tạo tháp chuông bằng việc chỉnh trang hệ thống điện chiếu sáng, sơn sửa, vệ sinh xung quanh). 
Các đơn vị thực hiện đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh cho ý kiến về danh mục và quy mô đầu tư các hạng mục chỉnh trang, tu bổ phục vụ Lễ hội Vì hòa bình năm 2024 để có cơ sở triển khai thực hiện, đảm bảo thời gian theo kế hoạch.

TRẦN THÀNH

Ý kiến bạn đọc