Sóc Trăng phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số

VHO - Những năm qua, tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện tốt các chương trình, chính sách liên quan đến công tác khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào Khmer. Đặc biệt, trong giai đoạn 2022-2023, Sở VHTTDL Sóc Trăng đã tập trung triển khai thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, góp phần khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao mức hưởng thụvăn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch của địa phương.

Sóc Trăng phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số - Anh 1

 Nghi thức cúng dừa tại Lễ hội Thắk Côn, chùa Mahasal Thatmon, huyện Châu Thành

Ông Sơn Thanh Liêm, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng cho biết, nguồn vốn phân bổ đối với Dự án 6 trong năm 2022 và năm 2023 hơn 23,6 tỉ đồng. Trong đó, Sở VHTTDL đã phối hợp thực hiện 4 cuộc khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gồm: Khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản truyền thống Thư pháp người Hoa thành phố Sóc Trăng; khảo sát, kiểm kê, sưu tầm ghe ngo, ghe cà hâu; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nghề đan lát và nghề vẽ tranh trên kiếng của người Khmer. Đồng thời, triển khai bảo tồn 3 lễ hội truyền thống tại địa phương khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụphát triển du lịch gồm: Lễ hội truyền thống Cầu an của người Khmer trên địa bàn tỉnh; lễ hội Phước biển của người Khmer thị xã Vĩnh Châu và lễ hội Thắk Côn của người Khmer huyện Châu Thành.

“Bên cạnh đó, Sở VHTTDL cũng đã tổ chức 3 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể dàn nhạc Tùa lầu cấu của người Hoa thị xã Vĩnh Châu; xây dựng 4 câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại huyện Châu Thành, Mỹ Xuyên, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu. Ngoài ra, còn hỗ trợ mua sắm 97 tủ và sách, 124 bộ thiết bị âm thanh, bàn, ghế, dụng cụthể thao cho các ấp đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ 14 nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy những lớp kế cận; hỗ trợ đóng mới 4 chiếc ghe ngo và 1 chiếc ghe cà hâu...”, ông Liêm cho biết thêm.

Được theo học lớp nghệ thuật sân khấu Rô Băm, em Huỳnh Thị Hồng Cúc ở ấp Tài Công, xã Tài Văn, huyện Trần Đề rất phấn khởi: “Em rất thích các điệu múa dân tộc Khmer. Hồi nhỏ em đã có niềm đam mê vì thấy các anh chị trong xóm múa hát vào các dịp lễ hội rất vui. Đến khi lớn lên, bất cứ đi đám tiệc hay dự lễ hội tại chùa Khmer, em đều tham gia giao lưu văn nghệ múa rom vong để góp phần tạo không khí vui tươi hơn. Hiện em cũng đang sinh hoạt văn nghệ chung với nhóm anh chị trong xóm. Khi biết thông tin Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh có mở lớp truyền dạy nghệ thuật sân khấu Rô Băm, em đăng ký tham gia học ngay. Đến nay, em đã học được một số động tác cơ bản của nghệ thuật múa rô băm, em cảm thấy rất vui”.

Việc quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện để bảo tồn và phát huy nét văn hóa độc đáo của dân tộc Khmer bằng những việc làm cụthể, sát với nhu cầu thực tế, đã, đang và sẽ góp phần tạo nên sức lan tỏa, trong việc bảo tồn, phát huy nét văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam nói chung, đồng bào dân tộc Khmer Sóc Trăng nói riêng. 

 PHƯƠNG NGHI

Ý kiến bạn đọc