Về nội dung cấm kinh doanh mua bán bảo vật quốc gia: Nhằm ngăn chặn mua bán trái phép, hoặc hủy hoại...

VHO - Lấy ý kiến về nội dung cấm kinh doanh mua bán bảo vật quốc gia trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Bộ VHTTDL đưa ra 2 phương án. Trong đó, phương án được đề xuất lựa chọn là: Bảo vật quốc gia chỉ được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế ở trong nước theo quy định của pháp luật và không được kinh doanh.

Về nội dung cấm kinh doanh mua bán bảo vật quốc gia: Nhằm ngăn chặn mua bán trái phép, hoặc hủy hoại... - Anh 1

 Bảo vật quốc gia Thạp đồng Văn hóa Đông Sơn trưng bày tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng

Theo Bộ VHTTDL, phương án được đề xuất này có ưu điểm giúp ngăn chặn nguy cơ mất mát, hủy hoại hoặc mua bán trái phép bảo vật quốc gia; ngăn chặn nguy cơ lợi dụng danh hiệu bảo vật quốc gia để trục lợi; giúp đảm bảo di sản văn hóa được gìn giữ, trao truyền cho thế hệ hiện tại và tương lai.

Chặn nguy cơ lợi dụng danh hiệu bảo vật quốc gia để trục lợi

Bộ VHTTDL cho biết, trong quátrình nghiên cứu, xây dựng, xin ý kiến đóng góp đối với dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), hai quy định “cấm”: Cấm kinh doanh mua bán bảo vật quốc gia và Cấm xuất khẩu di vật, cổ vật là những vấn đề còn có những cách nhìn khác nhau.

Căn cứ các quy định và để đảm bảo phù hợp với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, nhằm khuyến khích mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ở trong nước để gia tăng giá trị di sản văn hóa, Bộ VHTTDL cho biết, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) theo hướng quy định di vật, cổ vật thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng được chuyển nhượng thông qua mua bán dân sự, trao đổi, tặng cho, thừa kế và kinh doanh ở trong nước theo quy định của pháp luật; bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng được chuyển nhượng thông qua mua bán dân sự, trao đổi, tặng cho, thừa kế ở trong nước. Như vậy, dự thảo Luật chỉ quy định cấm kinh doanh mua bán bảo vật quốc gia và cấm kinh doanh xuất khẩu di vật, cổ vật, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

Về quy định cấm kinh doanh mua bán bảo vật quốc gia, phương án lựa chọn do Bộ VHTTDL đề xuất được nhiều chuyên gia, nhà sưu tập, chủ nhân nhiều bảo tàng tư nhân có bảo vật quốc gia đồng thuận. Theo Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTTDL đề xuất 2 phương án lựa chọn. Phương án 1 quy định “Bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng chỉ được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế ở trong nước theo quy định của pháp luật và không được kinh doanh” tại điểm c khoản 1 Điều 40 Dự thảo 4 Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); bổ sung nội dung về “Kinh doanh mua bán bảo vật quốc gia” vào điều khoản về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung tại Phụ lục IV của Luật Đầu tư. Phương án 2 giữ nguyên quy định của Luật Di sản văn hóa hiện hành về việc cho phép mua bán bảo vật quốc gia không thuộc sở hữu toàn dân và Phụ lục IV của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14. Phương án 1 được Bộ VHTTDL đề xuất lựa chọn đưa vào dự thảo Luật. Phương án này có ưu điểm bảo đảm thống nhất với quy định tại Bộ luật Dân sự; giúp ngăn chặn nguy cơ mất mát, hủy hoại hoặc mua bán trái phép bảo vật quốc gia; ngăn chặn được nguy cơ lợi dụng danh hiệu bảo vật quốc gia để trục lợi; giúp đảm bảo di sản văn hóa được gìn giữ, trao truyền cho thế hệ hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là hạn chế quyền định đoạt của chủ sở hữu bảo vật quốc gia.

Về quy định cấm xuất khẩu di vật, cổ vật, Bộ VHTTDL đề xuất 2 phương án lựa chọn. Phương án 1 đưa vào dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định “Di vật, cổ vật thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng chỉ được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế và kinh doanh ở trong nước theo quy định của pháp luật”; đồng thời sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư và Phụ lục IV của Luật Đầu tư. Ưu điểm của phương án nhằm bảo đảm thống nhất với quy định “Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản” và quy định “Quyền định đoạt chỉ bị hạn chế trong trường hợp do luật quy định” tại khoản 1 Điều 163, khoản 1 Điều 196 Bộ luật Dân sự; phù hợp với các công ước quốc tế về di sản văn hóa mà Việt Nam là thành viên; ngăn chặn nguy cơ trộm cắp, đào bới trái phép di vật, cổ vật và làm thất thoát kho tàng di sản văn hóa của dân tộc ra nước ngoài. Nhược điểm của phương án là hạn chế quyền của chủ sở hữu di vật, cổ vật.

Phương án 2, giữ nguyên quy định của Luật Di sản văn hóa hiện hành về việc cho phép di vật, cổ vật không thuộc sở hữu toàn dân được mua bán, trao đổi, tặng cho và để thừa kế ở nước ngoài theo quy định của pháp luật. Theo Bộ VHTTDL, ưu điểm của phương án này là không hạn chế quyền định đoạt của chủ sở hữu. Nhược điểm là thúc đẩy việc đưa di vật, cổ vật của Việt Nam ra nước ngoài một cách công khai, hợp pháp và không thể kiểm soát; đồng thời phát sinh những khó khăn trong quá trình bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, gia tăng tình trạng chảy máu cổ vật ra nước ngoài. Từ 2 phương án trên, Bộ VHTTDL đề xuất lựa chọn phương án 1 quy định vào dự thảo Luật.

Không kinh doanh với tài sản đặc biệt quý hiếm

Cho đến thời điểm này vẫn còn có những cách nhìn khác nhau đối với những quy định cấm nói trên. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được soạn thảo trên cơ sở các quan điểm nhằm tiếp tục thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa, di sản văn hóa. Kế thừa, phát triển những quy định của pháp luật về di sản văn hóa hiện hành đã được thực tiễn kiểm nghiệm; sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong chính sách, pháp luật đã được chỉ ra trong quátrình tổng kết thi hành Luật Di sản văn hóa.

Mục tiêu của hai phương án được đề xuất lựa chọn nhằm khắc phục những bất cập đang diễn ra, ngăn chặn nguy cơ mất mát, hủy hoại hoặc mua bán trái phép bảo vật quốc gia; ngăn chặn nguy cơ lợi dụng danh hiệu bảo vật quốc gia để trục lợi cũng như ngăn chặn nguy cơ trộm cắp, đào bới trái phép di vật, cổ vật và làm thất thoát kho tàng di sản văn hóa của dân tộc ra nước ngoài.

Tại hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) mới đây, những quy định “cấm” này cũng nhận được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia, nhà khoa học. PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho rằng, bảo vật quốc gia là tài sản có giá trị đặc biệt và như vậy, không được phép kinh doanh. TS Nguyễn Xuân Năng, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cho biết, cơ bản đồng ý với quan điểm của Bộ VHTTDL. Ông cho rằng, nên phân định cấp độ khác nhau giữa di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia để có ứng xử phù hợp. Điều 3 dự thảo Luật quy định, di vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học; cổ vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, từ 100 tuổi trở lên; bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học. “Như vậy, 3 loại hiện vật này ở 3 cấp độ khác nhau về giá trị cũng như số lượng. Với bảo vật quốc gia là tài sản đặc biệt thì không cho phép kinh doanh cả trong và ngoài nước. Với cổ vật, không cho phép kinh doanh ở nước ngoài, vì thực tế trong nước vẫn diễn ra đấu giá cổ vật. Di vật có thể cho phép mua bán cả trong và ngoài nước, có như vậy các Bảo tàng mới có cơ hội sưu tầm được hiện vật phục vụ trưng bày, giới thiệu đến công chúng…”, TS Nguyễn Xuân Năng cho hay.

Theo GS.TS Thái Vĩnh Thắng (Ủy viên Hội đồng Tư vấn dân chủ và pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam), cần quy định về việc cấm xuất khẩu di vật, cổ vật. Theo Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009, di vật, cổ vật thuộc các hình thức sở hữu khác (ngoài hình thức sở hữu toàn dân) được mua, bán, trao đổi, tặng, cho và kế thừa ở trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật. Quy định này mặc dù có ưu điểm là không làm hạn chế quyền sở hữu về cổ vật, di vật về di sản văn hóa nhưng thực tế chứa đựng nhiều nguy cơ mất mát cổ vật, di vật. Việt Nam hiện là quốc gia thành viên tích cực Công ước của UNESCO năm 1970 về “Các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa”, vì vậy, ông Thắng cho rằng, chỉ nên cho phép mua bán, trao đổi, tặng cho và kế thừa cổ vật và di vật thuộc di sản văn hóa ở trong nước, ngoài ra cần cấm các hành vi này ở nước ngoài thì mới có thể bảo đảm các cổ vật, di vật văn hóa Việt Nam không bị mất mát.

 PHƯƠNG ANH

Ý kiến bạn đọc