Đà Nẵng: Hướng đến đa dạng các sản phẩm du lịch nông nghiệp

VHO - UBND thành phố Đà Nẵng vừa ban hành quyết định số 495/QĐ-UBND về triển khai thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025.

Cụ thể, phát triển hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng, hấp dẫn, chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao của Hòa Vang đáp ứng nhu cầu thị trường; thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nông nghiệp nông thôn gắn liền với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP địa phương.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, thành phố hoàn thành quy hoạch du lịch vùng rừng núi và quy hoạch vùng vui chơi giải trí dưới nước khu vực huyện Hòa Vang để kêu gọi đầu tư phát triển, cung cấp sản phẩm du lịch trải nghiệm sinh thái tự nhiên.

Phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn, phấn đấu hình thành 2 sản phẩm OCOP du lịch 3 sao trở lên, 02 hợp tác xã du lịch cộng đồng, 100% cơ sở du lịch được đào tạo các kỹ năng cần thiết để phục vụ du lịch. Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số.

Vừa qua, Hội đồng OCOP thành phố Đà Nẵng đã đánh giá, phân hạng và đề xuất công nhận Khu du lịch sinh thái kết hợp phát triển nông nghiệp Banarita Glamping Farm (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) đạt OCOP du lịch 4 sao. Đây là sản phẩm OCOP đầu tiên của Đà Nẵng thuộc nhóm “Dịch vụ du lịch sinh thái kết hợp phát triển nông nghiệp”.

Đà Nẵng: Hướng đến đa dạng các sản phẩm du lịch nông nghiệp - Anh 1

Đà Nẵng đang kêu gọi đầu tư, cung cấp sản phẩm du lịch trải nghiệm sinh thái tự nhiên tại huyện Hòa Vang

Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP TP Đà Nẵng đã đánh giá, phân hạng và công bố 25/26 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao, riêng sản phẩm bánh dừa nướng mè của Công ty TNHH Mỹ Phương Food (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) được đánh giá là sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao, đề xuất hội đồng OCOP cấp Trung ương đánh giá sản phẩm OCOP 5 sao. 

Năm 2023, toàn thành phố Đà Nẵng có 48 sản phẩm OCOP tham gia đánh giá, phân hạng; trong đó, 36 sản phẩm mới và 12 sản phẩm tham gia đánh giá lại và nâng hạng. Hội đồng đã đánh giá phân hạng cho 26 sản phẩm. Cụ thể, quận Ngũ Hành Sơn có 2 sản phẩm, quận Cẩm Lệ có 8 sản phẩm; quận Hải Châu có 4 sản phẩm; quận Thanh Khê có 6 sản phẩm; huyện Hòa Vang có 6 sản phẩm.

Khu du lịch sinh thái kết hợp phát triển nông nghiệp Banarita Glamping Farm là 1 trong những mô hình thí điểm đầu tiên theo Nghị quyết số 82/2021/NQ-HĐND ngày 17-12-2021 của HĐND thành phố. Nền tảng chính của mô hình là phát triển nông nghiệp thông qua việc trồng cây ăn trái và giữ nguyên cảnh quan, không gian xanh, hạn chế tối đa việc bê-tông hóa và xây dựng để phục vụ người dân, du khách tham quan, trải nghiệm, tìm về với thiên nhiên.

Được biết, một trong những tiêu chí chấm điểm xếp hạng sản phẩm OCOP là bảo đảm việc làm cho lao động địa phương. Hiện nay, KDL đang tạo việc làm ổn định cho 30 lao động chính thức và thời vụ. Trong khu du lịch Banarita Glamping Farm bố trí gian hàng trưng bày, giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm OCOP, đặc trưng của huyện Hòa Vang và trên địa bàn thành phố. Với diện tích 5ha, khu du lịch sinh thái đón khách đoàn học sinh, sinh viên đến trải nghiệm, hoạt động ngoại khóa. Tới đây, khách tham quan sẽ được trải nghiệm đa dạng các hoạt động như: Chăm sóc vật nuôi, trồng cây ăn quả, cắm trại...

Việc phát triển sản phẩm OCOP du lịch là một trong những định hướng của thành phố Đà Nẵng trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế của Chương trình OCOP gắn với phục vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Trên cơ sở sản phẩm OCOP du lịch đầu tiên được công nhận, thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ, nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ tại các điểm OCOP du lịch, lan tỏa hiệu quả chương trình gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Để đạt mục tiêu có ít nhất 2 sản phẩm OCOP du lịch đến năm 2025, Sở NN&PTNT đang phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan khảo sát, đánh giá tiềm năng, triển vọng của các điểm, cơ sở du lịch theo Bộ tiêu chí sản phẩm OCOP du lịch và hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở hoàn thiện, chuẩn hóa hồ sơ để bảo đảm điều kiện tham gia chương trình OCOP.

NGỌC HÀ

Ý kiến bạn đọc