Khơi thông nguồn lực phát triển văn hóa - Bài 1: Quyết liệt, trách nhiệm với tinh thần "từ sớm, từ xa"

VHO - Tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hoá và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hoá. Gần đây nhất, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với lĩnh vực được xem là “hồn, cốt” của dân tộc này thể hiện ở những đột phá trong thể chế, chính sách, nhằm khơi thông nguồn lực phát triển văn hoá.

Khơi thông nguồn lực phát triển văn hóa - Bài 1: Quyết liệt, trách nhiệm với tinh thần

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc

 

Vừa qua, Quốc hội đã đề nghị Chính phủ quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực văn hóa. Trong năm 2024 trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ thể hiện sự nhanh nhạy, kịp thời trước các vấn đề quan trọng, cấp bách của đất nước nói chung và văn hoá nói riêng. 

Trước những quyết sách có tính trọng đại cho vận mệnh của dân tộc, nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực văn hóa đã bày tỏ sự đồng tình, thống nhất cao và mong muốn Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa nhanh chóng được phê duyệt, từ đó có thêm nguồn lực đầu tư cho văn hóa. 

 

Kịp thời trước những vấn đề cấp bách

Trao đổi với Văn Hóa xung quanh nội dung này, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm bày tỏ: Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, Đảng ta luôn coi trọng lãnh đạo xây dựng và phát triển văn hóa, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào tháng 11.2021: “Đảng ta xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước”. 

“Tôi rất mừng khi mới đây, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV đã thông qua Nghị quyết, trong đó đặt mục tiêu quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực văn hóa; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có thế mạnh của Việt Nam. Quốc hội cũng đưa ta mốc thời gian ngay trong năm 2024, trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035…

Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Quốc hội rất quan tâm đến vai trò quan trọng của văn hóa. Đảng và Quốc hội không tiếc đầu tư cho sự phát triển văn hóa, phát triển con người… Tuy nhiên lâu nay, việc thực hiện đâu đó còn một số bất cập, kết quả đạt được chưa xứng tầm với điều chúng ta mong muốn”, GS Trần Ngọc Thêm nhận định.

Khơi thông nguồn lực phát triển văn hóa - Bài 1: Quyết liệt, trách nhiệm với tinh thần

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV trong đó có nội dung ưu tiên đầu tư các nguồn lực cho phát triển văn hoá

Theo ông, khái niệm văn hóa trong “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước” là khái niệm rộng. “Ý nghĩa lớn lao của văn hóa không phải là chuyện “cờ, đèn, kèn, trống”… Thế nhưng lâu nay, khi đưa văn hóa vào các chương trình để thực hiện, dường như khái niệm văn hóa bị thu hẹp lại, chưa bao quát hết. Cho nên để tiếp tục đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, tôi cho là cần phải tính toán, nghiên cứu một cách kỹ lưỡng và huy động được chất xám của đội ngũ chuyên gia”, GS Trần Ngọc Thêm góp ý.

Chia sẻ với Văn Hóa, GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam bày tỏ vui mừng: “Tôi nghĩ rằng với sự quan tâm và quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 sẽ nhanh chóng được thông qua. Nhân đây, tôi có góp ý, về dự toán nguồn đầu tư 350.000 tỉ đồng cho Chương trình trong giai đoạn 10 năm tưởng là lớn nhưng thật ra là không lớn. Tuy nhiên, khi đầu tư từ chương trình này, không nên đầu tư dàn trải mà cần tập trung vào các mục tiêu. Tôi thấy phần đầu tư cơ bản trong Chương trình hơi nhiều, trong khi đó, tôi cho rằng cần tập trung cho vấn đề đào tạo, đầu tư cho con người, đặc biệt là quan tâm đến các ngành nghề văn hóa truyền thống đang dần bị mai một. Còn việc đầu tư cho cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa thì nên lấy từ nguồn khác…”. 

Khơi thông nguồn lực phát triển văn hóa - Bài 1: Quyết liệt, trách nhiệm với tinh thần

Từng bước thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội đã cụ thể hóa thành các nhiệm vụ cụ thể, gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội trong các lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. 

Sự khẩn trương, quyết liệt, trách nhiệm, đổi mới hoạt động với tinh thần “từ sớm, từ xa” đã được người đứng đầu Quốc hội – Chủ tịch Vương Đình Huệ và các đồng chí lãnh đạo Quốc hội thể hiện trong công tác chỉ đạo, điều hành và dành sự quan tâm đặc biệt trong việc từng bước thể chế hóa quan điểm của Đảng liên quan đến văn hóa. Sự vào cuộc kịp thời ấy thể hiện bằng việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân công Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ VHTTDL, tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề: “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”. 

Chủ đề của Hội thảo đã đi đúng, trúng những định hướng mà Đảng vạch ra. Tinh thần “từ sớm, từ xa”, đồng hành cùng Chính phủ trong việc cụ thể hóa cũng đã được lan tỏa, biến thành chương trình, kế hoạch cụ thể của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn Đại biểu Quốc hội và mỗi Đại biểu Quốc hội thông qua việc quan tâm xây dựng các kế hoạch khảo sát, chú trọng giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về văn hóa. 

Mới đây nhất, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn. Trong đó, yêu cầu Chính phủ trong năm 2024 trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. 

LAN HƯƠNG

Thể hiện sự nhanh nhạy trước những vấn đề cấp bách của cuộc sống

Đồng tình với phân tích này, ông Cao Văn Chóng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bình Dương nhấn mạnh, những chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, quyết sách của Quốc hội trong việc đặt mục tiêu quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực văn hóa; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có thế mạnh của Việt Nam, cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nhanh nhạy của Quốc hội trước những vấn đề cấp bách của thực tiễn xã hội. Trong đó Quốc hội đã thể hiện vai trò đồng hành, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, để khơi thông nguồn lực cho lĩnh vực văn hoá nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung phát triển.

“Tôi tin tưởng rằng sau khi Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá được Quốc hội thông qua và đi vào cuộc sống, sẽ giải quyết được các vấn đề thực tiễn cấp bách của văn hoá trong thời kỳ mới. Thực tế cho thấy vai trò của văn hoá có nơi, có lúc còn chưa được xác định đúng tầm, các cấp, các ngành chưa nhận thức một cách sâu sắc và quan tâm đến đầu tư cho văn hóa đúng mức, đầy đủ tương xứng với kinh tế và chính trị; quan điểm, chính sách phát triển văn hóa của Đảng chưa được thể chế hóa kịp thời; môi trường văn hóa, đời sống văn hóa còn hạn chế; các thiết chế văn hóa và di sản văn hóa trên cả nước tiếp tục bị xuống cấp, mai một; hoạt động văn hóa, nghệ thuật không theo kịp tốc độ phát triển mạnh mẽ của kinh tế - xã hội hiện nay.

Khơi thông nguồn lực phát triển văn hóa - Bài 1: Quyết liệt, trách nhiệm với tinh thần

Nhà hát Cao Văn Lầu, Bạc Liêu là một số ít công trình văn hóa được đầu tư quy mô. Nơi đây ghi lại nhiều hoạt động thú vị, tôn vinh những giá trị văn hóa độc đáo của người dân Nam Bộ, là thiết chế văn hóa thu hút du khách tham quan

Vì thế chúng ta cần một Chương trình mục tiêu quốc gia riêng về văn hóa đủ tầm bao quát, tổng thể để xử lý một cách đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới”, ông Cao Văn Chóng bày tỏ mong muốn.

Còn theo GS.TS.NGND Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, nhiều lần khẳng định vai trò to lớn của văn hóa: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Đây là vấn đề mang tính vận mệnh của đất nước chứ không chỉ là câu chuyện tiền bạc, chuyện kinh tế. Do đó việc Quốc hội thông qua Nghị quyết trong đó đặt mục tiêu quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực văn hóa, ngay trong năm 2024 tới đây, thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của Quốc hội với chức năng là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, quyết định các vấn đề quan trọng, cấp bách của đất nước. 

“Văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia là một đặc trưng riêng, mang truyền thống từ cội nguồn mà chúng ta phải gìn giữ, đây là điều hết sức quan trọng. Cho nên vấn đề chấn hưng văn hóa, bảo tồn các giá trị văn hóa và đầu tư cho văn hóa là việc làm cấp bách. Rõ ràng thời gian qua chúng ta đã làm được. Hiện nay Bộ VHTTDL cũng đang tiếp tục công cuộc này, cụ thể là xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2025-2035 để trình Quốc hội thông qua trong thời gian sớm nhất”, GS.TS.NGND Nguyễn Xuân Tiên bày tỏ quan điểm. 

Khơi thông nguồn lực phát triển văn hóa - Bài 1: Quyết liệt, trách nhiệm với tinh thần

Từ nguồn kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2016-2020, Trà Vinh đã thực hiện bảo tồn phục dựng Lễ hội dâng y, dâng bông của người Khmer

Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM cũng cho rằng, trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn tới đây, chúng ta phải quan tâm đến mấu chốt là con người, chứ không chỉ đầu tư cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa. Con người là chủ thể quan trọng, vận hành và phát triển đất nước, vì thế mà cần thiết phải quan tâm câu chuyện đào tạo, đầu tư cho con người, bắt đầu xuất phát từ nhà trường, gia đình… Nghị quyết số 33/NQ-TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước cũng chỉ rõ: "Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo".

Có thể nói từ những chủ trương, quan điểm của Đảng tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Quốc hội đã từng bước thể chế, cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội trong các lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. 

THÙY TRANG - THU SÂM; ảnh: QUỐC HỘI

Ý kiến bạn đọc